Hai kỳ tuyển sinh, học trò muốn học Đại học Quốc gia phải thi những gì?

13/02/2015 07:08
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Cách thức tuyển sinh này cũng đồng nhất với đổi mới thi của Bộ GD&ĐT là nhằm tuyển chọn được những thí sinh có đầy đủ năng lực vào học đại học.

2015 là năm ĐHQGHN tiên phong đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực bậc đại học và sau đại học. Theo hình thức tuyển sinh mới, thí sinh dự tuyển vào trường chỉ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chung, có thể áp dụng trọng số điểm cho từng điểm hợp phần của bài thi tổng hợp để xét tuyển vào các ngành với đặc thù khác nhau, hệ tài năng, chất lượng cao. Kỳ thi được tổ chức hai lần trong năm, vào tháng 4 và tháng 8. Thí sinh có thể dự thi ở các địa điểm thi của tỉnh thành trong các phòng thi chuẩn hóa.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: VNU)
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: VNU)

“Việc tổ chức thi tuyển sinh vào tháng 4 và tháng 8 hàng năm nhằm tạo nhiều cơ hội thử sức cho thí sinh. Đợt thi đầu tiên trong năm được tổ chức trước kỳ thi quốc gia, và đợt thi thứ 2 sau kỳ thi quốc gia. Ngân hàng đề thi cũng sẽ liên tục được bổ sung với tỷ lệ 20% dễ, 20% khó và 60% trung bình.

Về việc công nhận tốt nghiệp cho thí sinh tham dự kỳ thi, vì là thí điểm nên ĐH Quốc gia sẽ không làm đại trà mà chỉ phối hợp với một số Sở đồng tình. Việc thí điểm sẽ gọn nhẹ như một cụm thi, sau đó rút kinh nghiệm để có thể thực hiện mở rộng”, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Hình thức trên được áp dụng thí điểm tại các chương trình đào tạo tiên tiến, tài năng, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế (bậc đại học) và 18 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (bậc sau đại học).

Lãnh đạo nhiều trường đại học top đầu cũng ủng hộ phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội và bày tỏ mong muốn sử dụng kết quả đánh giá năng lực vào quá trình tuyển sinh.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phương án đổi mới tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực là tài sản chung mà các trường ĐH có thể thực hiện. ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ là đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ tiên phong, thí điểm. Cách thức tuyển sinh này cũng đồng nhất với đổi mới thi của Bộ GD&ĐT là nhằm tuyển chọn được những thí sinh có đầy đủ năng lực vào học đại học.

Chủ động nắm cơ hội

Để chuẩn bị cho việc này, ngay từ tháng 2/2014, ĐHQGHN đã trình phương án đổi mới tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đồng thời công bố trên Internet lấy ý kiến đóng góp và trình bày phương án đổi mới trước Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, báo cáo trực tiếp lãnh đạo Chính phủ.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Bùi Tuấn)
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Bùi Tuấn)

Thế nhưng, đến 7/2 vừa qua, tại Hội nghị triển khai công tác đào tạo 2015, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Việc tham gia vào quá trình tập huấn, huấn luyện của các đơn vị thuộc ĐHQGHN trong công tác chuẩn bị tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực chưa được như mục tiêu đặt ra”.

Ông Nhạ nhấn mạnh: “Tôi thấy chương trình quảng bá cho việc đổi mới tuyển sinh một cách bài bản trong và ngoài ĐHQGHN hiện vẫn chưa rõ ràng nổi bật.”.

Cũng theo ông Nhạ, mỗi trường có một đặc thù, lợi thế riêng, do vậy các trường phải chủ động quảng bá hình thức tuyển sinh mới.

“Tôi quan sát thấy nhiều đơn vị vẫn còn trông ngóng. Con dao có sắc đến mấy, nhưng nếu không dùng hoặc dùng vào việc khác thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Quyết định cuối cùng không phải là con dao sắc mà là ở người dùng con dao ấy.

Đổi mới tuyển sinh không phải là một phép thần, tôi cho rằng đó chỉ là một con dao – một công cụ thôi”, ông Nhạ nói.

Hai kỳ tuyển sinh, học trò muốn học Đại học Quốc gia phải thi những gì? ảnh 3Sẽ không có sửa đổi, bổ sung Thông tư 30

(GDVN) - Bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, sẽ không thay đổi hay sửa chữa, bổ sung trong nội dung Thông tư 30 thời gian qua.

Trong khi đó, trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: “...Chúng ta nên xem xét lại triết lý giáo dục. Việt Nam đã dừng lại quá lâu ở hình thức giáo dục tiếp cận nội dung tức là dạy kiến thức cụ thể. Điều đó dẫn tới nhiều hệ lụy như quá tải chương trình, tình trạng học thêm tràn lan, thi cử quay cóp…

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, mỗi ngày có biết bao tri thức mới, nếu chúng ta không biết chọn ra những tri thức căn bản tối thiểu sau đó dạy người ta phương pháp, cách tư duy, xử lý thông tin trên mạng thì cần bao nhiêu cuốn sách giáo khoa cho đủ?

Trên cơ sở triết lý giáo dục được thay đổi, chúng ta mới bắt đầu soạn thảo chương trình học, sách giáo khoa sao cho phù hợp chứ giờ mà bắt đầu từ việc đổi mới sách giáo khoa hay thay đổi trong thi cử luôn, tôi e rằng chưa đúng. Giờ người ta học một đằng, Bộ lại ra hình thức thi mới thì chắc gì học sinh đã làm được?

Tóm lại, theo tôi chúng ta nên chuyển mạnh từ nền giáo dục tiếp cận nội dung sang nền giáo dục trọng phương pháp, kỹ năng, dạy cho người ta cách học suốt đời”.

PHONG NGUYÊN