Hãy để điểm số không còn là áp lực với cả thầy và trò khi triển khai CTGDPT mới

04/12/2022 06:46
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-"Không lấy văn bản đã học trong sách giáo khoa” ra đề là bề nổi, chưa giải quyết "thâm căn cố đế" tồn tại mấy chục năm đối với môn Ngữ văn. 

Ở lớp 10, năm học 2022-2023 là năm đầu triển triển khai dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh những thuận lợi, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Trong đó, có việc dạy học, công tác ra đề và chấm điểm môn Ngữ văn sao cho vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa phát huy hết năng lực thực sự của học sinh.

Chương trình mới cần nhiều đến năng lực tự học của học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Duyên, người có nhiều năm kinh nghiệm dạy và ôn thi môn Ngữ Văn ở Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên B (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ, một trong những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới đó là phát triển năng lực của học sinh. Với mục tiêu này ở môn Ngữ văn, học sinh sẽ kích thích được khả năng cảm nhận, sáng tạo và thể hiện cá tính của mình thông qua bài làm.

“Dạy môn Ngữ văn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh đòi hỏi phải chuẩn bị và rèn luyện năng lực tự học. Cụ thể, là phải xác định được nhiệm vụ học tập một cách tự giác, chủ động, tăng cường tương tác, tư duy các vấn đề đặt ra trong và ngoài văn bản, tác phẩm được học.

Chương trình cũ vẫn được áp dụng cho khối 11, 12. Với chương trình này, giáo viên phải làm nhiều việc, nhiều hoạt động trên lớp với cách đơn thuần chỉ là đường truyền tiếp nhận một chiều nghe – viết (giáo viên giảng bài – học sinh nghe và chép).

Còn với chương trình mới lớp 10, giáo viên đóng vai trò là một “quản trò” - hướng dẫn học sinh khám phá tác phẩm, văn bản theo các cấp độ hiểu, biết, vận dụng để nhằm phát huy năng lực “tiềm ẩn” của học sinh”, cô Duyên chia sẻ.

Tuy nhiên, cô cũng lo lắng ngữ liệu đề kiểm tra nằm ngoài sách giáo khoa thì sẽ quá sức đối với học sinh, giáo viên phải tự nâng cao trình độ, nắm chắc chương trình thì mới hạn chế được rủi ro ra "nhầm" đề vào tác phẩm không chính thống, đánh giá sai năng lực học sinh.

“Lấy ví dụ, mỗi một tác phẩm văn học sẽ có hoàn cảnh ra đời khác nhau. Trong lớp, học sinh được học về tác phẩm này của tác giả này thì cũng chỉ dừng lại ở việc hiểu về tác phẩm, tác giả trong phạm vi văn bản này.

Đến khi kiểm tra, đề ra vào một tác phẩm cũng của tác giả này thì có thể học sinh sẽ vẫn nhớ được tiểu sử, phong cách sáng tác của tác giả để vận dụng làm bài. Tuy nhiên, “tức cảnh sinh tình”, hoàn cảnh (bối cảnh, thời gian, không gian) sáng tác ảnh hưởng nhiều đến giá trị của tác phẩm văn học. Do đó, nếu học sinh chưa từng học, nghe, biết về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm thì làm sao có thể cảm nhận được tác phẩm?

Văn chương không cứng nhắc như các môn tự nhiên, và cũng không theo công thức chuẩn để đánh giá học sinh. Do đó, rất khó cho giáo viên trong đổi mới phương pháp ra đề, chấm điểm theo chương trình mới”, cô Duyên chia sẻ.

Một tiết học khó áp dụng hết phương pháp, kỹ thuật dạy chương trình mới

Nỗ lực khắc phục khó khăn trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học môn Ngữ văn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập thể giáo viên Tổ Văn – Sử - Giáo dục công dân của Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang) đã có những hoạt động hay, cách làm sách tạo để từng bước đáp ứng mục tiêu yêu cầu chương trình mới, bồi dưỡng và tái tạo khả năng tự học của học sinh.

Tiết học môn Ngữ văn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tiết học môn Ngữ văn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Linh, Tổ phó Tổ Văn – Sử - Giáo dục công dân, phụ trách Chuyên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý cho biết: “Cũng giống như các trường trung học phổ thông khác khi dạy chương trình mới ở môn Ngữ văn lớp 10, cá nhân tôi ghi nhận những ưu điểm và hạn chế còn bộc lộ trong quá trình triển khai thực tế của trường. Trong đó, giáo viên được tham gia tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Song, bên cạnh những thuận lợi, cô Linh cũng chỉ ra bất cập trong quá trình triển khai dạy học môn Ngữ văn lớp 10.

Theo cô, khó khăn thứ nhất, là không thể thực hiện hoàn toàn các phương pháp đổi mới do năng lực của học sinh trong lớp không đồng đều.

Cô Linh chia sẻ, trong lớp sẽ có nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Do năng lực không đồng đều nên giáo viên khó triển khai các phương pháp đổi mới như cải cách giáo dục hiện nay yêu cầu (lớp học đảo ngược).

Khó khăn thứ hai, thời lượng của một tiết học (45 phút) chưa đủ để thực hiện hết các hoạt động mà giáo viên, học sinh mong muốn. Điều này có thể không chỉ khiến nội dung bài học không được trình bày trong 1 tiết là xong, mà còn làm năng lực của học sinh chưa được khai thác triệt để.

Cũng giống như cô Duyên, cô Linh cho rằng, khó khăn thứ ba trong dạy học môn Ngữ văn lớp 10 đó là năng lực tự học, nghiên cứu của học sinh hạn chế, chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ học tập.

Hoạt động trong tiết học môn Ngữ văn của cô giáo Phạm Thị Linh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hoạt động trong tiết học môn Ngữ văn của cô giáo Phạm Thị Linh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Với quan điểm, coi khó khăn là thách thức để giáo viên nỗ lực sáng tạo, trường đã tích cực áp dụng các biện pháp nhằm tăng hiệu quả dạy học như: sử dụng công nghệ thông tin để giờ học thêm sinh động. Tương tác với học sinh trên các thiết bị thông minh để giao bài tập, câu hỏi, chuẩn bị ở nhà. Hướng dẫn học sinh cách tra cứu thông tin trên internet. Phân bổ thời gian trên lớp hợp lý, chú trọng vào thực hành, hình thành các năng lực phẩm chất ở học sinh đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục.

Ngoài ra, giáo viên trong tổ còn sôi nổi tổ chức hoạt động nhóm tăng tương tác giữa các nhóm học sinh, học sinh giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Các hoạt động học, giao bài tập dưới nhiều hình thức như: vẽ tranh, trò chơi, làm dự án, sinh hoạt theo nhóm phỏng vấn chéo, làm phim, dựng kịch.

Bật mí về phương pháp dạy học đổi mới môn Ngữ văn, cô Nhanh - giáo viên dạy môn Ngữ Văn lớp 10, Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý đã có những chia sẻ về kỹ thuật “Hỏi chuyên gia”.

Tiết học Ngữ văn sử dụng kỹ thuật "Hỏi chuyên gia" của học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tiết học Ngữ văn sử dụng kỹ thuật "Hỏi chuyên gia" của học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Theo đó, phương pháp đổi mới dạy học môn Ngữ văn của trường có sử dụng kỹ thuật “Hỏi chuyên gia”. Cụ thể, 1 học sinh trong lớp sẽ đóng vai làm người dẫn dắt chương trình và điều tiết cuộc nói chuyện giữa 1-2 “chuyên gia” (học sinh trong lớp đóng vai) và các bạn còn lại.

“Tất nhiên, để làm tốt thì học sinh phải được giao nhiệm vụ và có thời gian tìm hiểu kỹ về nội dung bài học trước đó. Khi vào giờ học, các bạn đóng vai chuyên gia để giải đáp các thắc mắc, câu hỏi, cùng trao đổi và bàn luận về nội dung mà học sinh phía dưới đặt ra liên quan đến bài học”, cô Nhanh chia sẻ.

Kỹ thuật “Hỏi chuyên gia” không áp dụng cả giờ mà chỉ diễn ra như một hoạt động của tiết học. Cụ thể là giải quyết nội dung tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm với thời gian khoảng 10 phút.

Sau đó, giáo viên sẽ là người đánh giá lại phần chuẩn bị và chuẩn hóa các đơn vị kiến thức mà học sinh vừa cung cấp thông qua hoạt động “Hỏi chuyên gia”. Phần nội dung bài học còn lại sẽ tiếp tục thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học khác.

“Mục đích của phương pháp dạy học mới là để tăng tính chủ động tìm kiếm, tiếp cận và tư duy đặt câu hỏi cho học sinh”, cô Nhanh nhấn mạnh.

Khó ra đề mở để học sinh không lệ thuộc vào văn mẫu nhưng vẫn phát huy được năng lực

Theo tinh thần chung của chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu về bài kiểm tra môn Ngữ văn là không sử dụng ngữ liệu gồm các văn bản đã có trong sách giáo khoa nhưng vẫn nằm trong thể loại học sinh được học trên lớp.

Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của bộ phận chuyên môn nhà trường, nhóm Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý đã bám sát yêu cầu, mục tiêu chung để lựa chọn ngữ liệu, xây dựng đề kiểm tra theo đúng tinh thần đổi mới. Song, nguồn ngữ liệu phong phú nhưng chưa được chuẩn hóa theo văn bản pháp lệnh. Giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ khi cập nhật cách thức ra đề mới là một số khó khăn nhất định trong quá trình giáo viên ra đề kiểm tra.

“Theo cách đánh giá hiện nay, những học sinh có trả lời sáng tạo, thực tế, tư duy mở sẽ được nhận xét tốt. Một học sinh có thể được kiểm tra thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau nên các em có cơ hội được nói, viết, thuyết trình… Từ đó, góp phần hình thành, phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh. Đồng thời, giúp giáo viên đánh giá đúng năng lực của học sinh”, cô Linh cho biết.

Cũng theo chia sẻ của cô Linh, chương trình mới đồng nghĩa với việc kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh cũng phải đổi mới theo. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 22 để hướng dẫn giáo viên cách đổi mới kiểm tra đánh giá.

“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng khi không có thống nhất về ma trận đề, xây dựng thang điểm và đáp án bởi tất cả bây giờ đều theo hướng “mở”. Ra đề mở thế nào để học sinh không lệ thuộc vào văn mẫu nhưng vẫn phát huy được năng lực của mình thì chúng tôi còn rất băn khoăn”, cô Linh chia sẻ.

Hướng dẫn trong Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính sách năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”, thế nhưng, trên mạng internet tràn làn các đề kiểm tra kèm đáp án, trên thị trường sách không thiếu các thể loại văn mẫu, các bộ sách tham khảo kể cả mới nhất.

“Giáo viên chúng tôi kỳ vọng Bộ sẽ tiếp tục có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, tạo điều kiện để giáo viên có thời gian học tập, thích ứng với đổi mới giáo dục. Bởi, chúng tôi được đào tạo và chịu ảnh hưởng của chương trình cũ, học sinh cũng vậy. Các em học sinh lớp 10 hiện nay đã quá quen với cách học cũ trong suốt 9 năm. Để các em thích ứng được luôn và học tốt, điểm cao với chương trình mới không dễ dàng gì.

Nếu không phải là những học sinh tiếp thu nhanh nhạy, thì các em rất cần thời gian để quen với cách học mới, mà khi đó lại ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điểm số các em. Vậy thì, chương trình đổi mới, nên chăng hãy để điểm số không còn là áp lực với cả giáo viên và học sinh?”, cô Linh kiến nghị.

Có thể thấy, bất kỳ một xã hội tiến bộ nào cũng cần đi theo lộ trình đổi mới tích cực. Tuy nhiên, thay đổi để hướng đến phát triển là cả một quá trình. Việc ngành giáo dục tiếp tục quan tâm, xây dựng và hướng dẫn thực hiện chương trình mới đến các cơ sở giáo dục là tiền đề để thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

Ngọc Mai