HĐGSNN nói gì về 89 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư?

21/10/2023 06:39
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đại diện HĐGSNN khẳng định các kết quả đánh giá là chính xác, khách quan, bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành và quyền lợi của ứng viên.

Vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 606 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Theo đó, tỷ lệ ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành xét duyệt đạt 87,19% so với số lượng ứng viên Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất vào hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước cho biết hiện nay, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước đã tiếp nhận kết quả xét và hồ sơ ứng viên từ các hội đồng ngành, liên ngành.

“Văn phòng đã tổng hợp, công khai kết quả xét tại các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2023 theo quy định, theo đó đã giảm 89 ứng viên (từ 26/28 hội đồng công khai) so với danh sách Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất”, Phó giáo sư Dương Nghĩa Bang thông tin.

Lý do 89 ứng viên không được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước. Ảnh: NVCC

Đại diện Hội đồng Giáo sư nhà nước chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến ứng viên không được các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư khá đa dạng như:

Không đủ minh chứng về tiêu chuẩn theo quy định đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Hội đồng Giáo sư nhà nước và các quy định liên quan; báo cáo khoa học tổng quan và trả lời chất vấn không thuyết phục được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành về chuyên môn, ngoại ngữ. Ngoài ra, một số ứng viên vì lý do cá nhân không thể tiếp tục tham gia xét đã có đơn xin rút hồ sơ.

“Tất cả những trường hợp này, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đều dành nhiều thời gian trao đổi thảo luận trước khi lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo đánh giá chính xác, khách quan, vừa bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành, vừa bảo đảm quyền lợi của ứng viên”, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước nhấn mạnh.

Thống kê danh sách ứng viên xét công nhận đạt chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023 qua từng vòng xét duyệt. Bảng: Minh Chi

Thống kê danh sách ứng viên xét công nhận đạt chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023 qua từng vòng xét duyệt. Bảng: Minh Chi

Danh sách ứng viên xét công nhận đạt chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm nay tiếp tục chứng kiến cảnh có ngành "trắng" ứng viên giáo sư hai năm liên tiếp như ngành Ngôn ngữ học, Giáo dục học, Văn học (thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội). Đây cũng là những ngành có số lượng ứng viên ứng tuyển hàng năm không nhiều.

Nhiều chuyên gia chia sẻ, lĩnh vực Khoa học xã hội có những đặc thù riêng, việc nghiên cứu và xuất bản công trình khoa học trên các tạp chí chuẩn mực của thế giới không hề dễ dàng. Vì vậy, có ý kiến đề xuất nên xem xét “hạ chuẩn” (liên quan đến yêu cầu về bài báo khoa học quốc tế) đối với ứng viên từ khối Khoa học xã hội.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại diện Hội đồng Giáo sư nhà nước chia sẻ, các tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có yêu cầu về các bài báo uy tín quốc tế, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo sư, phó giáo sư đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và hội nhập quốc tế.

“Những năm đầu thực hiện quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội có gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong đợt xét năm 2023 số lượng ứng viên của đa số các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội đã có chiều hướng tăng cả về mặt số lượng và chất lượng”, Phó giáo sư Dương Nghĩa Bang nhận định.

Việc điều chỉnh các tiêu chuẩn nâng cao chất lượng chức danh giáo sư, phó giáo sư theo Phó giáo sư Dương Nghĩa Bang là phù hợp với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và hội nhập quốc tế được Hội đồng Giáo sư nhà nước thường xuyên quan tâm.

“Hiện nay, Hội đồng Giáo sư nhà nước đang có kế hoạch tổng hợp ý kiến đóng góp từ nhiều phía (các cơ sở giáo dục đại học, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân có liên quan), nghiên cứu kỹ lưỡng theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và quốc tế để đề xuất sửa đổi, bổ sung”, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước thông tin thêm.

Nhiều ứng viên bị tố gian dối trong công bố quốc tế, Hội đồng Giáo sư nhà nước nói gì?

Một chủ đề cũng được bàn luận sôi nổi ở các mùa xét duyệt giáo sư, phó giáo sư là vấn đề liêm chính khoa học. Thời gian gần đây nhiều ứng viên đã bị tố gian dối trong công bố quốc tế, vi phạm liêm chính khoa học.

Về vấn đề này, Phó giáo sư Dương Nghĩa Bang cho rằng, việc nâng cao chất lượng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là vấn đề đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thực sự có uy tín đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và cần có nguồn lực để thực hiện từ cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, về giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học và bản thân các nhà khoa học.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc đảm bảo liêm chính khoa học, minh bạch trong công tác xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, đại diện Hội đồng Giáo sư nhà nước khẳng định:

“Hằng năm, trước mỗi đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Hội đồng Giáo sư nhà nước đều có công văn hướng dẫn, trong đó đề nghị Hội đồng Giáo sư các cấp đặc biệt lưu ý “xem xét về chuyên môn học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học”.”

Phó giáo sư Dương Nghĩa Bang thông tin thêm, năm 2023, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã có công văn số 25/HĐGSNN ngày 7/3/2023 gửi các hội đồng giáo sư cơ sở, các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó nhấn mạnh:

“Xem xét về chuyên môn học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học; lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này”.

Vị đại diện nhấn mạnh, trong các đợt tập huấn về công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên và thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp, Hội đồng Giáo sư nhà nước luôn lưu ý các ứng viên và thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp về một số danh mục các tạp chí quốc tế và nhà xuất bản quốc tế kém chất lượng để thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp lưu ý khi thẩm định hồ sơ; ngoài ra còn truyền tải thông điệp đến các ứng viên cũng như các nhà khoa học xem xét lựa chọn kỹ các tạp chí, các nhà xuất bản khi công bố các công trình khoa học.

Được biết, Nhà nước ta chủ trương phong học hàm giáo sư, phó giáo sư từ năm 1976. Quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở nước ta trải qua 3 cấp Hội đồng: Cấp cơ sở (trường – cụm trường, viện nghiên cứu), cấp ngành – liên ngành và cấp Nhà nước. Theo đó, ứng viên nộp hồ sơ cho Hội đồng cơ sở để xét từ dưới lên.

Minh Chi