Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã có quyết định thành lập và sắp tới sẽ tổ chức Đại hội lần thứ nhất. GS. Trần Hồng Quân –Nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội đã có bài trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân sự kiện quan trọng này.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc.
Hiệp hội sẽ là diễn đàn của các trường
PV: Thưa Giáo sư Trần Hồng Quân, ở Việt Nam đã có các đoàn thể chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp. Vậy, xuất phát từ đâu chúng ta có Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam?
GS. Trần Hồng Quân: Trừ 5 đoàn thể chính trị xã hội ra, cả nước ta có hơn 600 hội, đoàn, xã hội nghề nghiệp tập hợp các cộng đồng khác nhau. Liên quan tới giáo dục đại học, có một số hội dành cho những cộng đồng nhỏ nhưng chưa có Hiệp hội chung cho tất cả các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và cao đẳng. Nguyện vọng và sáng kiến muốn thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã có 7-8 năm nay. Ban vận động hợp pháp đã chính thức được thành lập hơn 6 năm nay. Nhưng thủ tục của ta quá khó đến mức chỉ đến khi Thủ tướng can thiệp, Hiệp hội mới có cơ hội ra đời.
GS. Trần Hồng Quân. |
Ngày 5/5/2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội sẽ hình thành trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.
Ngày 6/11/2014, Bộ Nội vụ theo chức năng của mình, và theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định cho phép thành lập Hiệp hội.
Vậy, sứ mạng và vai trò của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ được thể hiện như thế nào, thưa Giáo sư?
GS. Trần Hồng Quân: Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tập hợp tất cả các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, các cơ sở nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học ở Việt Nam và nước ngoài, của nước ngoài tại Việt Nam.
Hiệp hội tự coi mình là một “trợ thủ” của quản lý nhà nước về giáo dục đại học, góp phần tích cực, thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục đại học, xây dựng sức mạnh trí tuệ của đất nước để chúng ta sớm có thể sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiệp hội phải luôn luôn vươn lên hàng đầu ở các tư duy tiên tiến, góp phần tìm các giải pháp khả thi giải quyết các vấn đề “chìa khóa” của giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT nhắc các trường chủ động tham gia Hiệp hội chung
(GDVN) - Bộ GD&ĐT có Công văn gửi các ĐH, HV, các trường ĐH, CĐ, các Viện đào tạo trình độ tiến sĩ, các trường sỹ quan có đào tạo ĐH, CĐ chủ động tham gia Hiệp hội.
Hiệp hội là diễn đàn của các trường, viện nói trên về các lĩnh vực có liên quan.
Hiệp hội là ngôi nhà chung để hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm quản lý, trao đổi học thuật, xây dựng các cộng đồng liên thông sử dụng chung về chương trình, nội dung sách giáo khoa, về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy.
Hiệp hội góp phần tích cực bảo đảm chất lượng thông qua việc đề nghị một hệ thống tiêu chí đánh giá và xây dựng các tổ chức kiểm định chất lượng.
Hiệp hội phải làm tốt chức năng nghiên cứu, tham mưu, phản biện về các chính sách, chủ trương của các cấp quản lý có liên quan đến giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung.
Hiệp hội cũng làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên.
Thưa Giáo sư, khi đã ra đời thì nguyên tắc và phương thức hoạt động của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ như thế nào?
GS. Trần Hồng Quân: Hiệp hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chịu sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và hoạt động theo pháp luật.
Hiệp hội là một tổ chức bất vụ lợi, hoàn toàn không dựa vào trợ cấp ngân sách nhà nước.
Nguyên tắc hoạt động là dân chủ, theo đa số trên cơ sở các Nghị quyết của tập thể.
Phương thức hoạt động của Hiệp hội là vận động, thuyết phục, thỏa thuận.
Hàng trăm trường hưởng ứng tham gia
Giáo sư có thể cho biết việc thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) nên được hiểu như thế nào?
GS. Trần Hồng Quân: Sau 10 năm hoạt động đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, VIPUA đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, hầu như tất cả các hội viên của VIPUA đều muốn duy trì Hiệp hội, nhưng vì lợi ích chung, tại Đại hội bất thường của VIPUA ngày 16/9/2014 đã ra Nghị quyết hoan nghênh việc thành lập Hiệp hội chung và tự nguyện hòa nhập vào ngôi nhà chung đó.
Trong Kết luận của Đại hội bất thường đó cũng có một câu giàu hình ảnh và cảm xúc là: “Không phải chúng ta vẫy chào vĩnh biệt VIPUA, mà chỉ là giã biệt “ngôi nhà nhỏ” của một thời tận tụy và ấm cúng, để VIPUA của chúng ta sẽ hiện diện một cách không lu mờ cả về tinh thần lẫn thực thể trong Hiệp hội chung – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để cùng nhau thực hiện sứ mạng lớn hơn”.
Việc thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập, ở đây nên hiểu là không phải chúng ta kế thừa pháp nhân vốn có của VIPUA mà mở rộng ra, mà phải làm lại thủ tục từ đầu như thành lập một Hiệp hội mới. Chúng ta sẽ xây dựng Điều lệ mới, tổ chức Đại hội mới và xây dựng Ban chấp hành mới. Hiệp hội mới sẽ kế thừa toàn bộ các tổ chức, bộ máy giúp việc và tài sản của VIPUA.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục mong gì ở Hiệp hội lớn?
(GDVN) - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam sẽ đại hội thành lập trong vài ngày tới, nơi hội tụ các trường trong cả nước vì mục tiêu cho nền giáo duc phát triển
Việc bố trí thành phần của Ban chấp hành Hiệp hội mới cũng bảo đảm tỷ lệ thỏa đáng giữa các trường công lập và ngoài công lập, tương đương với tỷ lệ số trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập.
Tới thời điểm này sự hưởng ứng của các trường đối với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam như thế nào, thưa Giáo sư?
GS. Trần Hồng Quân: Sau khi có Quyết định thành lập Hiệp hội thì sự hưởng ứng nồng nhiệt của các cơ sở đào tạo và của các chuyên gia, các nhà quản lý là một biểu hiện cổ vũ cho Hiệp hội. Thậm chí ngay khi có phương án từ năm 2007, lúc đó dự định sẽ khai thác pháp nhân vốn có của VIPUA và chỉ xin đổi tên, mở rộng đối tượng kết nạp các trường công lập. Chỉ có thế mà đã có hơn 100 trường hưởng ứng bằng văn bản.
Điều đó thấy rằng nguyện vọng thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam là chín muồi từ rất lâu, nay đã có Quyết định chính thức, hiện đã có hơn 300 trường, viện có đơn xin gia nhập, sắp tới chắc chắn sẽ còn nhiều hơn.
Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục cũng hưởng ứng và tỏ vẻ sẵn sàng tham gia hoạt động cùng Hiệp hội, dù biết rằng Hiệp hội này nghèo (như VIPUA suốt hơn 10 năm cán bộ, nhân viên ở đây làm không công, trợ cấp rất ít và không đủ bù tiền xăng, điện thoại mà vẫn hết sức tâm huyết).
Từ sự hưởng ứng nồng nhiệt đó chúng ta có thể thấy rằng rất nhiều người nhận thức về món nợ non sông, về sự nghiệp giáo dục là rất sâu sắc, và không ngừng mong muốn tiếp tục đóng góp.
Nước ta không nhỏ nhưng mà yếu, dân ta thông minh, hiếu học nhưng giáo dục chúng ta chậm phát triển, chưa góp phần thỏa đáng làm cho dân giàu nước mạnh. Hiệp hội ra đời trong bối cảnh có Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Hiệp hội nhận thức được trách nhiệm nặng nề của mình và kỳ vọng của xã hội đối với mình. Tôi nghĩ rằng cả Hiệp hội và từng thành viên sẽ cố gắng xứng đáng với trách nhiệm và kỳ vọng đó.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.