Hiểu sâu sắc để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên Biển Đông

31/08/2019 07:00
Vũ Phương
(GDVN) - Hiểu về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển để đấu tranh đúng đắn, mềm mỏng nhưng cương quyết.

Ngày 30/8, tại Vĩnh Phúc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo “Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông”.

Đặc biệt buổi Hội thảo được tổ chức đúng thời điểm cả nước kỷ kỷ niệm 73 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2018 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham gia buổi Hội thảo đặc biệt này có hơn 200 sinh viên, cán bộ, giảng viên, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Bảo vệ chủ quyền, chúng ta hết sức kiềm chế, mềm mỏng nhưng rất cứng rắn
Bảo vệ chủ quyền, chúng ta hết sức kiềm chế, mềm mỏng nhưng rất cứng rắn

Diễn giả của hội thảo là Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.

Trước những diễn biến nóng trên Biển Đông thời gian gần đây, chủ đề buổi Hội thảo được sinh viên, cán bộ, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 rất háo hức và chờ đợi được diễn giả chia sẻ. 

Không để các em sinh viên phải chờ, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết, chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Có nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng, dẫn đến những trở ngại cho những ai quan tâm khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...

Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết, hiểu được chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển một cách khoa học, đầy đủ chúng ta sẽ phân biệt được tin độc, tin hại. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết, hiểu được chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển một cách khoa học, đầy đủ chúng ta sẽ phân biệt được tin độc, tin hại. Ảnh: Vũ Phương. 

Cũng theo Tiến sĩ Trần Công Trục, các em sinh viên ngồi đây chính là những trí thức trẻ của đất nước. Bởi vậy các em cần nắm được những kiến thức cơ bản cũng như khái niệm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển để đấu tranh đúng và trúng. 

Diễn giả cũng chia sẻ thông tin tình hình thực tế Biển Đông đang diễn ra như thế nào, cách chúng ta đấu tranh ra sao để các bạn sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường nắm được.

Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh: "Hiểu về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển để có cách đấu tranh đúng đắn, khôn ngoan, mềm mỏng nhưng rất cứng rắn, cương quyết.

Hơn nữa, để chúng ta tự trang bị cho mình kiến thức, cách tiếp cận, nhận thức đúng sai trước những thông tin độc, thông tin hại tràn lan trên mạng internet, mạng xã hội hiện nay".

Cả hội trường 14/8 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lắng nghe những thông tin rất bổ ích của Tiến sĩ Trần Công Trục.
Cả hội trường 14/8 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lắng nghe những thông tin rất bổ ích của Tiến sĩ Trần Công Trục. 

Tại Hội thảo, nhiều sinh viên, giảng viên, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng bày tỏ lo ngại trước hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính. 

Về việc này, Tiến sĩ Trần Công Trục cũng thông tin thêm, đó là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và hoàn toàn không có tranh chấp. 

Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng biển bãi cạn Tư Chính nhằm tìm hiểu thông tin về trữ lượng dầu tại đây. Đi theo tàu này còn có các lực lượng tàu bán vũ trang đi theo để hỗ trợ. 

Cũng theo Tiến sĩ Trần Công Trục, có ý kiến cho rằng, khi Trung Quốc có hành vi vi phạm, chúng ta không phản ứng ngay mà lại sau đó mới lên tiếng.

Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh: "Không phải Việt Nam sợ mà Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.

Nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình".

Cũng theo Tiến sĩ Trần Công Trục, muốn sử dụng hình thức đấu tranh cao hơn về mặt ngoại giao, tước hết, Việt Nam nên xúc tiến việc thu thập hồ sơ, bằng chứng có liên quan đến các vi phạm của Trung Quốc, như tọa độ nơi xảy ra vi phạm, các bằng chứng về việc thăm dò, nghiên cứu, các hoạt động gây hấn của các tàu vũ trang của Trung Quốc… để lập hồ sơ pháp lý cho những bước đấu tranh ngoại giao pháp lý tiếp theo.

Việt Nam có thể gửi lên các tổ chức liên quan của Liên Hợp Quốc, đưa vụ việc ra các Cơ quan Tài phán Quốc tế khi đủ điều kiện và theo đúng thủ tục pháp lý.

Tiến sĩ Trần Công Trục đến tận nơi các em sinh viên giao lưu, trả lời câu hỏi các em thắc mắc, đặt ra trước vấn đề nóng trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục đến tận nơi các em sinh viên giao lưu, trả lời câu hỏi các em thắc mắc, đặt ra trước vấn đề nóng trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương. 
Em Nguyễn Đức Phú, K43 Khoa Giáo dục Chính trị mạnh dạn đặt câu hỏi cho diễn giả về những vấn đề nóng trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương.
Em Nguyễn Đức Phú, K43 Khoa Giáo dục Chính trị mạnh dạn đặt câu hỏi cho diễn giả về những vấn đề nóng trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương. 

Gần 2 giờ đồng hồ, Tiến sĩ Trần Công Trục đã chia sẻ, phân tích, cắt nghĩa những khái niệm kết hợp với những hình ảnh cụ thể bằng bản đồ đã giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường nắm được đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải từ bờ biển Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển nước ta được quy định thành 5 vùng: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý.

Em Nguyễn Văn Hiếu, K42, Ngành sư phạm Lịch sử thỏa mãn với câu trả lời của diễn giả Trần Công Trục về vấn đề làm sao để không bị bẫy pháp lý. Ảnh: Vũ Phương.
Em Nguyễn Văn Hiếu, K42, Ngành sư phạm Lịch sử thỏa mãn với câu trả lời của diễn giả Trần Công Trục về vấn đề làm sao để không bị bẫy pháp lý. Ảnh: Vũ Phương. 

Diễn giả Trần Công Trục cũng dành thời gian để sinh viên, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 giao lưu, đặt câu hỏi. 

Nam sinh Nguyễn Đức Phú, K43, Khoa Giáo dục Chính trị hay em Nguyễn Văn Hiếu, K42, Ngành Sư phạm Lịch sử đặt câu hỏi về việc Tòa án quốc tế ra phán quyết mà nước vi phạm thua kiện không thực hiện thì sao? 

Những câu hỏi của sinh viên đều được Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời một cách thấu đáo. Các bạn nêu câu hỏi rất hài lòng với phần trả lời đi thẳng vào vấn đề, vào câu hỏi của diễn giả. 

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, buổi Hội thảo rất ý nghĩa và hấp dẫn đối với sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường. Ảnh: Vũ Phương.
Thầy Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, buổi Hội thảo rất ý nghĩa và hấp dẫn đối với sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường. Ảnh: Vũ Phương. 

Kết thúc buổi Hội thảo, thầy Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 bày tỏ sự cảm ơn chân thành Tiến sĩ Trần Công Trục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi Hội thảo hết sức ý nghĩa và hấp dẫn đối với sinh viên, cán bộ, giáo viên nhà trường.

Qua hơn 2 giờ đồng hồ, Tiến sĩ Trần Công Trục đã truyền tải, cung cấp, giúp cho cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 hiểu một cách hệ thống, khoa học về Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.

Qua buổi Hội thảo ngày hôm nay chắc chắn giúp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Các bạn sinh viên, thế hệ tương lai hiểu rõ được trách nhiệm của mình đối với quê hương, biển đảo đất nước.

Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tặng hoa cảm ơn diễn giả Trần Công Trục. Ảnh: Vũ Phương.
Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tặng hoa cảm ơn diễn giả Trần Công Trục. Ảnh: Vũ Phương. 
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chụp ảnh kỷ niệm với diễn giả Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: Vũ Phương.
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chụp ảnh kỷ niệm với diễn giả Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: Vũ Phương. 
Vũ Phương