Trường ĐH thu hút tuyển sinh ngành khoa học cơ bản bằng học bổng, giảm học phí

12/01/2024 06:30
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu nhân lực đang thiếu, các trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hút người học.

Tình trạng khó tuyển sinh, điểm chuẩn đầu vào thấp là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay với khối ngành khoa học cơ bản. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022, tỉ lệ tuyển sinh của lĩnh vực khoa học tự nhiên là 0,44%, khoa học sự sống là 0,64%.

Tại nhiều trường đại học, thí sinh đổ xô lựa chọn những ngành học “hot” khiến điểm chuẩn ở một số ngành này tăng đột biến. Trong khi đó, một số ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng với sự phát triển của đất nước như Địa chất học, Hải dương học, Thuỷ Văn học, Khoa học môi trường… lại không nhận được nhiều sự quan tâm từ thí sinh.

Các ngành khoa học cơ bản có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, nhu cầu việc làm cao, thế nhưng việc khó tuyển sinh dẫn tới lo ngại thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Có ngành học chỉ tuyển được 5 - 10 sinh viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến Sĩ Trần Thái Sơn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, vấn đề chính dẫn tới thực trạng gặp khó khăn trong tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản là do xu thế của xã hội, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên có xu thế giảm trong các năm gần đây, dẫn đến số lượng nguồn cung đầu vào của ngành này giảm.

Điều này phần nào gây khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với những ngành khoa học cơ bản.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc các ngành khoa học cơ bản kém hấp dẫn so với các ngành học khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này do việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh ngày càng thực tế, phần lớn sinh viên chạy theo những ngành học “hot” như Công nghệ thông tin, Truyền thông, Tài chính – Ngân hàng,…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: Website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: Website nhà trường

Tiếp đến, do xã hội cũng như thí sinh chưa nhận thức đúng về triển vọng và tầm quan trọng của khối ngành khoa học cơ bản.

Đây là một thực trạng đáng lo, trong khi ngành khoa học cơ bản đang rất cần nhân lực. Nhà trường cũng có những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho sinh viên nhưng người học cũng chưa tiếp cận được nhiều với thông tin này do hoạt động truyền thông chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt thông tin trong xã hội cũng tác động tới lựa chọn ngành học của sinh viên.

Thực tế hiện nay, mỗi năm, một số ngành khoa học cơ bản ở nhiều trường đại học chỉ tuyển được trên dưới 20 sinh viên.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tuyển sinh, thầy Khoát cho biết, hiện nhà trường đang gặp khó trong tuyển sinh ngành Địa chất học, Quản lý phân tích dữ liệu khoa học trái đất.

Số sinh viên nhập học ngành Quản lý phân tích dữ liệu khoa học trái đất khá thấp, một khóa tuyển chỉ được 5 -10 em, còn ngành Địa chất học cũng chỉ tuyển được khoảng 10 – 15 em.

Nhà trường xác định chỉ tiêu mỗi năm những ngành này chỉ tuyển 20 em, trường cũng giảm quy mô tuyển sinh của ngành này xuống, theo quy định tối thiểu là 40 sinh viên/lớp nhưng với những ngành đặc thù này, trường đào tạo với quy mô nhỏ, dù khó tuyển sinh thì vẫn đảm bảo được nguồn nhân lực cho ngành khoa học cơ bản trong tương lai.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm ở nhiều vị trí, đơn vị khác nhau

Nói về nhu cầu việc làm của các ngành khoa học cơ bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Hiếu, Trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, cơ hội nghề nghiệp của ngành Địa chất rất rộng mở và không hề khó tìm như nhiều người vẫn nghĩ.

Ngành Địa chất học có nhiều tiềm năng về việc làm nhưng đang khó thu hút sinh viên. Ảnh minh hoạ: Website Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Ngành Địa chất học có nhiều tiềm năng về việc làm nhưng đang khó thu hút sinh viên. Ảnh minh hoạ: Website Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Cử nhân địa chất và kỹ thuật địa chất của khoa sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp.

Trong đó, nhiều cựu sinh viên của trường làm trong ngành công nghiệp khai khoáng như: dầu khí, khí đốt, các công ty tìm kiếm, khai thác khoáng sản trong và ngoài nước, hay ở lĩnh vực giám định đá quý,...

Mức lương phụ thuộc từng đơn vị và vị trí việc làm cũng như năng lực của từng người, các vị trí như làm ở cơ quan quản lý nhà nước và liên đoàn thì ở mức thấp nhất khởi điểm có thể đạt 8-9 triệu đồng hoặc mức lương cao hơn nhiều nếu làm cho công ty đa quốc gia.

Đặc biệt trong những năm gần đây, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này nên Nhà nước cũng khuyến khích các em vào học ngành Địa chất học, Kỹ thuật địa chất.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Lương Hồng Phước, Trưởng bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, đối với ngành Hải dương học là ngành đặc thù, có tính chuyên sâu.

Ngành học này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng và hấp dẫn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Trong khoảng vài năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp ngành Hải dương học có xu hướng xin việc và được nhận làm việc tại các Viện nghiên cứu như Viện kỹ thuật biển; Trung tâm ứng dụng vũ trụ; Trạm kiểm soát không lưu tại sân bay; các Trung tâm khí tượng thủy văn tại các địa phương; hoặc các công ty phân phối thiết bị quan trắc đo đạc thủy hải văn, cũng như các tập đoàn năng lượng tái tạo, các dự án bảo tồn thiên nhiên.

Lương khởi điểm của sinh viên còn tùy thuộc vào quy định, vị trí việc làm tại cơ quan thuộc hệ thống nhà nước hoặc hệ thống tư nhân hoặc tập đoàn đa quốc gia”, thầy Phước chia sẻ.

Áp dụng chính sách học bổng, giảm học phí, liên kết đào tạo quốc tế

Với những khó khăn trong việc duy trì “sức hút” của các ngành khoa học cơ bản, trước đây, cũng đã có đề xuất Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng đào tạo để đảm bảo đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát đề xuất, cần rà soát lại và tính toán nguồn nhân lực của những ngành khoa học cơ bản trong 5-15 năm tới, xem đội ngũ nhân lực của các trường, các Viện đang có bao nhiêu, thiếu bao nhiêu.

Từ đó mới xác định được nguồn nhân lực thay thế ở giai đoạn tới để Nhà nước xây dựng được nguồn nhân lực phân bổ.

Bên cạnh đó, cũng cần xác định chỉ tiêu, thống kê nguồn nhân lực thừa thiếu ở các ngành, từ đó mới có quy hoạch và định hướng đào tạo cụ thể.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó định hướng xây dựng trường đại học trọng điểm ngành. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học có thể có tác động tích cực, góp phần giảm thiểu khó khăn trong tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản.

Cần thống kê nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản để có giải pháp, định hướng đào tạo phù hợp. Ảnh minh hoạ: Đại học Quốc gia Hà Nội

Cần thống kê nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản để có giải pháp, định hướng đào tạo phù hợp. Ảnh minh hoạ: Đại học Quốc gia Hà Nội

Nhằm giải quyết bài toán thu hút tuyển sinh với ngành khoa học cơ bản, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện chính sách cấp học bổng toàn phần, bán phần dành cho các thí sinh trúng tuyển các ngành học này và thực hiện mức thu học phí thấp hơn đối với các ngành học.

Chia sẻ về định hướng đào tạo cũng như giải pháp thu hút tuyển sinh nhóm ngành khoa học cơ bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Hiếu thông tin thêm: “Hiện nay nhà trường và khoa có mối liên hệ hợp tác rất tốt với nhiều doanh nghiệp, cơ quan trong và ngoài nước.

Hằng năm, Bộ môn vẫn thường xuyên tạo kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan để tổ chức các buổi tọa đàm, để doanh nghiệp chia sẻ những kỳ vọng của mình đối với sinh viên và sinh viên cũng cập nhật được nhu cầu, xu hướng việc làm và những yêu cầu từ doanh nghiệp.

Đây chính là tiền đề, là cơ hội cho các bạn tìm kiếm công ty/đơn vị phù hợp với bản thân sau khi tốt nghiệp”.

Còn tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát cho biết, nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đối với các ngành khoa học cơ bản, hiện nhà trường có liên kết đào tạo quốc tế với một số nước trong khu vực như Đài Loan, Malaysia…

Bên cạnh đó, nhà trường vẫn duy trì tuyển sinh và có hình thức tuyên truyền để người học hiểu hơn về các ngành học này, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp để truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường cũng có những chính sách học bổng ngay từ năm đầu, phối hợp với các Viện và các công ty để đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho các ngành khoa học cơ bản.

“Việc định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh ngay từ bậc giáo dục phổ thông cũng cần phải làm tốt hơn, bởi việc định hướng nghề nghiệp tốt sẽ giúp phân bổ nguồn nhân lực hiệu quả cho các ngành nghề”, thầy Khoát nêu quan điểm.

Thu Trang