Trong bối cảnh nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra vừa qua, nhiều người cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía: Phụ huynh, học sinh, xã hội…
Trước vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm bên lề tọa đàm "Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp".
Theo đó, thầy Hòa cho rằng: “Lâu nay chúng ta vẫn duy trì cách dạy học là dạy học sinh ngoan và vâng lời, bảo sao và làm vậy.
Và bản thân giáo viên cũng là sản phẩm của lối dạy đó nên các thầy cô không chấp nhận học sinh hư, cảm thấy bức xúc khi học sinh không đi vào khuôn phép, kỉ luật. Thậm chí một số giáo viên còn cho rằng việc bạo lực với học sinh là trách nhiệm để đưa các em vào khuôn khổ.
Chính vì trẻ em không hề được nêu chính kiến, không được dạy để nói lên chính kiến của mình nên các em không hề được dạy sáng tạo.
Rồi đến tư tưởng, mục tiêu giáo dục là học sinh ngoan và vâng lời. Một trăm, một nghìn cái học bạ thì chiếm tới 90% đều ghi là ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật”.
Từ góc độ một hiệu trưởng, thầy Hòa cho rằng, 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi và cần phải được ngành giáo dục quan tâm. (Ảnh: Thùy Linh) |
Do đó, thầy Hòa rất lo lắng khi Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã chỉ ra giáo dục hướng tới mục tiêu hình thành nhân cách, dạy đứa trẻ biết sáng tạo, thành con người.
Đây là tư tưởng giáo dục đúng đắn nhưng ngành giáo dục hiện nay chỉ đạo từ trên xuống dưới vẫn là phải đào tạo học sinh ngoan, đào tạo kiến thức để thi cử, chạy theo thi đua, thành tích khiến cho cấp trên áp lực xuống nhà trường, nhà trường tạo áp lực lên giáo viên, học sinh áp lực lên thầy cô, cha mẹ tạo áp lực cho thầy cô và chính bản thân thầy cô cũng tự tạo áp lực lên chính mình.
Từ góc độ một hiệu trưởng, thầy Hòa cho rằng, 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi và cần phải được ngành giáo dục quan tâm.
“Lâu nay, học sinh được dạy là phải ngoan, nên khi học sinh hư là giáo viên bức xúc, đánh học sinh. Đó là là điều các thầy cô phải thay đổi, giáo viên phải tự thấy mình hạnh phúc, làm mới mình thì giáo dục mới đi lên được.
Những quy định nào không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên thì sẽ cắt bỏ |
Hơn nữa, mục tiêu giáo dục phổ thông của chúng ta là dạy người chứ không phải chạy theo thành tích vì nếu thành tích thì mục tiêu là bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu giải nọ, giải kia”, thầy Hòa nêu quan điểm.
Cuối cùng, thầy Hòa nói, khi đổi mới muốn đào tạo, muốn thay đổi 80 vạn giáo viên là rất khó và cần thời gian nên trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sư phạm cần tập trung đào tạo 8.000 – 10.000 Hiệu trưởng các trường phổ thông.
Bởi lẽ theo vị này, Hiệu trưởng chính là người giúp Bộ, giúp Sở chuyển biến giáo dục từ chính cơ sở của họ.
Do đó, “Hiệu trưởng phải hơn giáo viên một cái đầu, Hiệu trưởng phải thực sự là thầy hiệu trưởng, phải trên tầm giáo viên. Có như vậy bài toán về giáo viên sẽ được tháo gỡ”, thầy Hòa nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam liên quan đến vấn đề này.
Theo ông Dong, thường người ta nhìn góc độ hiệu trưởng như một nhà quản lý nhưng thực ra hiệu trưởng trước hết phải là nhà sư phạm.
Nếu hiệu trưởng không phải là nhà sư phạm thì làm sao quản lý được giáo dục. Cho nên, người hiệu trưởng vốn được đào tạo trong các trường sư phạm và sau đó phải được bồi dưỡng ở những trường đào tạo cán bộ hành chính. Như vậy sức đổ ra để đào tạo hiệu trưởng gấp đôi lần đào tạo giáo viên.
Giáo viên chỉ đào tạo về mặt chuyên môn, đứng lớp giảng dạy nhưng hiệu trưởng không chỉ là giáo viên mà còn là cương vị người quản lý. Như vậy, hiệu trưởng một lúc có hai nhiệm vụ đè lên vai.
Bạo lực học đường bắt đầu từ hiệu trưởng |
Cũng theo ông Phạm Tất Dong, trong công tác đào tạo hiệu trưởng hết sức chú ý là không phải cứ giáo viên dạy giỏi thì có thể làm hiệu trưởng được.
Bởi nhiệm vụ của hiệu trưởng quản lý sẽ không giống như quản lý một doanh nghiệp vì môi trường nhà trường là đào tạo ra nhân cách học sinh.
Công tác của hiệu trưởng cũng không chỉ quản lý về mặt hành chính mà phải quản lý theo công nghệ giáo dục.
Trong đó, môi trường nhà trường là môi trường đạo đức chứ không phải môi trường vật lý đơn thuần.
Chính vì thế, một hiệu trưởng phải là nhà giáo giỏi và nhà quản lý giáo dục giỏi.