Lãnh đạo xuất sắc chắc chắn phải là người người có khả năng xây dựng niềm tin, trong giáo dục cũng vậy, niềm tin là cơ sở quan trọng, là nền tảng đầu tiên để xây dựng mọi kế hoạch. Khi tất cả chúng ta có niềm tin đối với nhau, mọi điều tưởng chừng khó khăn lại trở thành hiện thực một cách rất kỳ diệu và vô cùng nhân văn.
Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) về cách gây dựng niềm tin trong nhà trường. Thầy Cường chia sẻ: “Là một Hiệu trưởng trường công lập được bổ nhiệm khi còn khá trẻ, tôi nhận thấy niềm tin rất quan trọng, và việc mình cần phải làm là tạo niềm tin với các bậc cha mẹ học sinh; Niềm tin thứ hai là đối với các học trò, và thứ ba với với các đồng nghiệp. Ngoài ra còn có niềm tin từ các lực lượng giáo dục khác ngoài nhà trường như cấp trên, địa phương,…
Vai trò quan trọng của việc gây dựng niềm tin cũng như giá trị thu được, bản thân tôi đã trải qua một thời gian rất dài ở một ngôi trường, qua nhiều thăng trầm khác nhau, từ đó tôi hiểu được giá trị đặc biệt của niềm tin, tính đoàn kết trong nội bộ nhà trường, đó là việc đầu tiên. Việc này tạo nên sức mạnh, là nền tảng đầu tiên để xây dựng mọi kế hoạch.
Ví dụ: Tôi chuẩn bị làm một kế hoạch gì đó cho nhà trường, khi tôi đặt bút viết kế hoạch đến đâu thì tôi phải hiểu rằng niềm tin đó tôi đặt vào đối tượng nào, học sinh, phụ huynh hay các đồng nghiệp, và khi mình đã đặt niềm tin chắc chắn như vậy thì kế hoạch đó sẽ có tính khả thi rất cao, chứ không phải viết một kế hoạch viển vông, không thực tế.
Trong một nhà trường, việc tạo dựng niềm tin với cha mẹ học sinh là quan trọng bậc nhất. Tôi nhớ dịp đó chuẩn bị làm kỉ niệm 45 năm ngày thành lập nhà trường, trong buổi họp để bàn phương hướng, tôi có đưa ra những việc chuẩn bị cho sự kiện, trong đó có sự kêu gọi chung tay một phần của cha mẹ học sinh, khi đó đã có phụ huynh phát biểu đề nghị chia đều sự đóng góp ra các lớp. Trước đây với những việc như vậy, rất nhiều nơi tính toán ra một con số kinh phí rồi phân bổ đến cha mẹ học sinh, sau đó mọi đóng góp nộp lại và nhà trường điều hành việc đó. Nhưng với tôi lại khác, tất cả phụ huynh và nhà trường hãy coi đây là “nhà” có việc lớn, mọi người chung tay cùng làm, vậy nên đại diện cha mẹ học sinh hãy cử ra một ban hậu cần độc lập với nhà trường.
Nhà trường chỉ làm chương trình, đưa ra những mong muốn và vì việc chung nên tất cả sẽ cùng nhau làm. Nhà trường cũng sẽ không nắm tài chính để chi, rồi sẽ tạo ra một sự hoài nghi nào đó. Công việc lễ kỉ niệm đã rất thành công, mọi thứ đều công khai, minh bạch, đó có thể nói là việc tạo dựng niềm tin của nhà trường với phụ huynh học sinh ở một sự kiện rất lớn cũng đã thành công, tạo được niềm tin vững chắc.
Sau khi niềm tin được đặt vào cha mẹ học sinh, và những sự kiện sau đó như nối tiếp chương trình: Áo ấm mùa đông, chung tay ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn,…thì với cách thức làm minh bạch đó ngày càng củng cố niềm tin. Cha mẹ học sinh tin người hiệu trưởng này với cách làm minh bạch, đến nơi đến chốn không có điều gì khuất tất. Niềm tin đó từ suy nghĩ chính trực của một người hiệu trưởng hướng đến học trò”.
Cần đối mặt với sự hoài nghi
Thầy Cường cho biết: “Đi ngược lại với niềm tin là sự hoài nghi, từ khi tôi còn là một giáo viên cũng đã có người hoài nghi về tôi, họ không tin tôi và đưa ra những câu chuyện không đúng về tôi. Vậy phải làm thế nào trong trường hợp này?
Tôi đã chọn cách gặp trực tiếp người đó, cùng trao đổi, đối thoại để người hoài nghi đó có thể hiểu về mình, đồng thời mình cũng hiểu thêm về thông tin mà họ hoài nghi. Nếu những điều hoài nghi gì đúng hay sai thì mình nên đối diện thẳng vào đó, điều gì không chuẩn thì mình hãy nhìn nhận và sửa chữa, và cũng có thể cung cấp thêm để người hoài nghi nhận thấy họ có những nhận định chưa đúng, đây cũng là việc tạo niềm tin và với tôi cách thức làm đó đến nay vẫn còn nguyên tác dụng.
Khi tất cả mọi người có niềm tin với nhau thì mọi khó khăn tưởng như không thể lại trở thành hiện thực với ý nghĩa hết sức nhân văn, đặt niềm tin vào cha mẹ học sinh và họ có niềm tin với mình, với nhà trường, với đồng nghiệp, chính vì thế trong những năm vừa qua việc đổi mới sáng tạo trong nhà trường đã rất thành công, từ những tiết học “xuyên” biên giới; Cuộc thi Piano và chúng tôi đã “biến” nhà thể chất thành một khán phòng mà trước đó ai cũng nghĩ sẽ khó thực hiện.
Từ việc bản thân tôi có niềm tin vào chính mình, tin vào đồng nghiệp và học sinh cũng như cha mẹ các em, cũng như cấp trên có lòng tin vào tôi,…tất cả những việc đó đã tạo dựng nên giá trị bền vững của một ngôi trường. Khi trong nội bộ đã tin tưởng nhau thì đó sẽ là một khối đoàn kết, niềm tin mình đặt vào đồng nghiệp và hiểu rằng các thầy cô làm được những gì, từ đó những kế hoạch đổi mới sẽ trở nên hiện thực, điều cuối cùng là giá trị niềm tin đó được cụ thể hóa khát vọng của mình, để người thụ hưởng là học sinh, các em được hưởng những điều tốt đẹp”.
Tập thể ban giám hiệu, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Khi niềm tin bị lung lay
Theo thầy Cường: “Niềm tin trong một cơ sở giáo dục là quan trọng bậc nhất, là nền tảng cơ sở cho mọi kế hoạch. Theo tôi, việc đầu tiên là sự chính trực của bản thân người hiệu trưởng, phải suy nghĩ và hành động để tạo ra giá trị tốt đẹp cho người được thụ hưởng, đó là học trò và đồng nghiệp của mình. Điều thứ hai là tính minh bạch trong tất cả mọi việc làm, từ kế hoạch, từ những thông tin cung cấp cho mọi người.
Thứ ba, không chỉ dừng ở sự minh bạch mà nói phải đi đôi với làm, người hiệu trưởng đã có lời hứa thì phải cụ thể hóa lời hứa đó bằng những việc làm, bằng hành động. Thông qua việc triển khai lời hứa đó thì sẽ tác động ngay tới những người đã từng nghe mình, họ sẽ có niềm tin rằng người hiệu trưởng này nói và cũng sẽ làm được, tất nhiên thành công còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng họ tin mình sẽ làm được một cách tốt nhất”.
Thầy Cường chia sẻ thêm: “Nếu như một người hiệu trưởng làm mất niềm tin, niềm tin bị lung lay, bị hoài nghi, và khi bị mất niềm tin sẽ dẫn tới việc đổ vỡ mọi kế hoạch giáo dục, dù đó là kế hoạch nhỏ nhất. Khi đã có được niềm tin của mọi người thì mọi phản hồi sẽ tác động ngược trở lại, phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp dễ dàng chia sẻ trao đổi với mình, từ những thông tin trao đổi đó, người hiệu trưởng sẽ điều chỉnh mọi hoạt động của mình, như vậy mọi công việc sẽ tốt lên. Người hiệu trưởng phải luôn duy trì, củng cố xây dựng niềm tin đó”.