Chưa có sách giáo khoa 7, 8, 9 các môn tích hợp, bồi dưỡng giáo viên thế nào?

20/12/2021 06:25
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là lớp bồi dưỡng có thời gian ngắn với 2 môn Lý và Sinh, các thầy cô sẽ được học những phương pháp tiếp cận, triển khai,…chứ không đi sâu vào phần kiến thức.

“Là giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn Hóa, tôi thấy nếu mình chủ động đi học bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ nắm được kiến thức tốt hơn, sẽ tự tin hơn khi đứng lớp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên cho học sinh. Việc học sẽ làm cho mọi thứ tốt hơn, chính vì thế mà hầu hết các thành viên trong tổ Khoa học tự nhiên của trường tôi đã tự nguyện cùng nhau đi học bồi dưỡng, đồng thời giúp đỡ nhau về chuyên môn.

Thầy cô học hỏi là điều đương nhiên, mình lại còn là giáo viên trẻ nên tôi tự thấy cần phải đi học để nâng cao hoàn thiện mình. Hơn nữa với cương vị Tổ trưởng chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên của trường nên mình cũng có trách nhiệm gương mẫu, cũng như hướng dẫn các đồng nghiệp, việc đi học giúp nâng cao hiểu biết về môn Sinh học, môn Vật lí ở chương trình hiện hành, từ đó giúp tôi thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý tổ chuyên môn

Ở thời điểm hiện tại chúng tôi chưa có sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên 7-8-9 để tham khảo, nhưng các thầy cô đã hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu, triển khai dựa trên những yêu cầu cần đạt của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. ”, cô giáo Nguyễn Thu Thảo - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô giáo Nguyễn Thu Thảo - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) được đại diện các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên tham gia dự án “Xây dựng video bài giảng phát trên truyền hình”. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Nguyễn Thu Thảo - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) được đại diện các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên tham gia dự án “Xây dựng video bài giảng phát trên truyền hình”. Ảnh: NVCC.

Cô Thảo cho biết: “Khi đi học lớp bồi dưỡng, tôi được dạy cái chung, phương pháp triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên, chứ không nặng về kiến thức như hồi sinh viên. Xác định đây là lớp bồi dưỡng có thời gian ngắn với 2 môn Lý và Sinh, các thầy cô dạy cho mình những phương pháp tiếp cận, triển khai,…chứ không đi sâu vào kiến thức chi tiết.

Tôi theo học bồi dưỡng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cảm nhận của tôi là các thầy cô rất chuẩn chỉ, tâm huyết, đưa cho chúng tôi nhiều tài liệu rất hay, bổ ích, chỉ rõ những phần cơ bản, những phần khuyến khích mở rộng đọc và tìm hiểu thêm. Đặc biệt các thầy cô luôn lắng nghe phản hồi từ chúng tôi để dần có sự điều chỉnh phù hợp.

Từ chính thực tế của lớp 6 với sách giáo khoa năm nay, tôi nhận thấy dựa trên yêu cầu cần đạt nhưng với mỗi một cuốn sách lại có cách viết khác nhau, chúng tôi đang phân tích cả 3 bộ sách và nhận thấy có một số chỗ viết không đồng nhất. Với những chỗ không đồng nhất đó thì thực sự giáo viên phải hiểu thật sâu vấn đề thì khi dạy mới không bị sai, chính vì vậy với lớp 6 đã có sách và chúng tôi có thời gian đọc, nghiên cứu, được học chương trình bồi dưỡng giáo viên Khoa học tự nhiên thì trong năm học tới tôi sẽ cảm thấy tự tin hơn khi lên lớp.

Theo tôi, các thầy cô nếu dự lớp bồi dưỡng này cũng sẽ được cung cấp một phần nào đó cơ bản, còn để có những giờ giảng hay, cuốn hút còn phụ thuộc vào khả năng tìm hiểu đối tượng học sinh, năng khiếu sư phạm và kinh nghiệm của người thầy.

Học bồi dưỡng và lấy chứng chỉ, liệu đã dạy được môn tích hợp?

Cô Thảo chia sẻ: “Nếu chỉ đi học bồi dưỡng để lấy chứng chỉ thì theo tôi vẫn khó có thể dạy tốt được môn Khoa học tự nhiên, bởi ngay bản thân tôi học 4 năm môn Hóa, nhưng tôi vẫn phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, với tôi đó là việc nên làm bởi kiến thức thay đổi từng ngày.

Tôi cũng luôn dạy các con học sinh rằng ngày hôm nay cô dạy các con kiến thức, nhưng kiến thức của nhân loại luôn biến động. Ngày hôm nay có thể điều này cô dạy các em là đúng, nhưng ngày mai chưa chắc nó vẫn còn đúng, và sau chục năm nữa kiến thức này chưa chắc đã chính xác.

Ví dụ: Trong môn Hóa có bài về nguyên tử, và trong một thời gian rất dài mọi người đều cho là nguyên tử là hạt nhỏ nhất. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX cùng với sự phát triển của khoa học, người ta đã tìm ra có thứ còn nhỏ hơn nguyên tử đó là electron, nơtron, proton. Một thời gian nữa, rất có thể chúng ta sẽ còn trao đổi về những hạt còn nhỏ hơn cả electron.

Môn tôi dạy là Khoa học thực nghiệm, có nghĩa lý thuyết được xây dựng dựa trên thực nghiệm, và lí thuyết hoàn toàn có thể thay đổi. Thực tế thì không biến đổi nhưng lí thuyết để mình lí giải theo thực tế khoa học hoàn toàn có thể bị thay đổi, vậy học sinh phải có linh hoạt trong tư duy và bản thân tôi khi nói như vậy thì học sinh cũng cần phải tự học”.

Cô giáo Nguyễn Thu Thảo trong ngày hội Công nghệ thông tin Thành phố Hà Nội lần thứ 5. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Nguyễn Thu Thảo trong ngày hội Công nghệ thông tin Thành phố Hà Nội lần thứ 5. Ảnh: NVCC.

Cô Thảo nhận định: “Việc các thầy cô lo ngại khi bồi dưỡng xong vẫn không thể nào dạy tốt được như đơn môn chính, theo tôi đó cũng là điều dễ hiểu. Các thầy cô học 3-4 năm cho một môn, nhưng bây giờ học trong thời gian ngắn với 2 môn như vậy thì đương nhiên là có chút lo lắng. Tôi được đi học và để hy vọng dạy được ngay như những thầy cô được đào tạo bài bản thì cũng rất khó.

Có thể tôi dạy chưa được tự tin như môn chính, nhưng khi đã được học, được trao đổi với các thầy cô về tư duy phương pháp dạy, và quan trọng nhất là trao đổi với các đồng nghiệp bởi họ có chuyên môn Lý, Hóa, Sinh đã có thực tế đi dạy, và tôi hoàn toàn có thể học thêm của đồng nghiệp cách dạy những môn còn lại. Việc học hỏi này không chỉ trong thời gian bồi dưỡng tín chỉ, mà còn học sau này, học từ các giáo viên trong cùng tổ, thậm chí giữ mối liên lạc với các đồng nghiệp học cùng đợt để học hỏi thường xuyên, có như vậy thì việc phát triển bài giảng của mình mới có hiệu quả, chất lượng, sáng tạo từng ngày.

Vậy nếu chưa đi học mà có thầy cô đã nói sẽ không dạy được, theo tôi các thầy cô nên thay đổi tư duy, việc học không chỉ trong thời gian bồi dưỡng lấy chứng chỉ, mà nó sẽ có kết quả giúp mình lâu dài. Bản thân tôi đã ra trường từ rất lâu nhưng tôi vẫn giữ liên hệ với các thầy cô giáo ở trường đại học, có bất cứ điều gì khó khăn về chuyên môn tôi đều hỏi và được các thầy cô nhiệt tình giúp đỡ, và mình cũng giữ liên hệ trao đổi với những người bạn cùng lớp chứng chỉ, đó cũng là một cách học để mình ngày càng tự tin hơn, chứ không hoàn toàn chỉ dựa vào những kiến thức mình được học ở trường”.

Hiện tại vẫn 3 thầy cô dạy cùng một môn

Có một số ý kiến của thầy cô cho rằng việc triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên là chưa có lộ trình để giáo viên đi học và bắt theo kịp, bây giờ lại nói phải thực hiện ngay thì chúng tôi khó có thể triển khai dạy được vì chưa được bồi dưỡng? Về vấn đề này, cô theo cô Thảo:

“Hiện tại nhà trường chúng tôi vẫn triển khai 3 giáo viên cùng dạy môn Khoa học tự nhiên, thực tế nếu chúng tôi có tự tin để dạy đi nữa thì ban giám hiệu nhà trường cũng chưa thể đồng ý, bởi theo quy định nếu thầy cô chưa có bằng cấp, chứng chỉ, chưa đủ quy định để dạy thì vẫn chưa được phép.

Cô Nguyễn Thu Thảo và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thu Thảo và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Mọi việc vẫn phải đợi khi các thầy cô Tổ khoa học tự nhiên của trường đã học và có được chứng chỉ bồi dưỡng, lúc đó sẽ triển khai, việc này cũng là để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh. Tôi cũng rất mong muốn Bộ có chương trình bồi dưỡng này cho giáo viên trước khi có chương trình lớp 6 của năm học này, nên triển khai sớm hơn. Ví dụ: Tôi đã học xong rồi và có sách giáo khoa lớp 6 thì tôi sẽ thêm tự tin khi dạy.

Còn nếu có ý kiến cho rằng Bộ chưa có tập huấn là chưa chính xác, bởi Bộ đã triển khai chương trình tập huấn giáo viên từ tháng 10/2019, như vậy là đã có lộ trình từ năm 2019 đến nay, việc tập huấn này không chỉ với giáo viên cốt cán, sau đó giáo viên cốt cán về tập huấn lại các thầy cô trong nhà trường.

Chưa kể đến các Sở, Phòng, nhà trường đều có kế hoạch, chuyên đề bồi dưỡng về chương trình Giáo dục phổ thông mới nên nếu nói các thầy cô bất ngờ không biết một chút nào là chưa đúng.

Chương trình ETEP, tập huấn giáo viên của Bộ Giáo dục giúp chúng tôi có cái nhìn tổng thể về chương trình, tập trung hướng dẫn chúng tôi cách triển khai, tổ chức dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, tư vấn hỗ trợ học sinh, ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học… Còn khi tham gia chương trình bồi dưỡng Khoa học tự nhiên, chúng tôi được học về cách nhìn tổng thể kiến thức của toàn chương trình.

Tôi thấy chúng ta nhìn về mặt định hướng tại sao lại phải bồi dưỡng, thay đổi, những lợi ích của việc cần phải thay đổi…Theo quan điểm cá nhân, nếu các thầy cô cảm thấy có động lực, có ham muốn được thay đổi, để làm sao giờ lên lớp của mình giúp học sinh giải quyết mọi vấn đề, đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau. Học sinh sẽ là người hưởng những lợi ích đó, giáo viên cũng cảm thấy hạnh phúc khi có những giờ dạy chất lượng, trọn vẹn” .

Tùng Dương