Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được phản ánh của tập thể hội đồng sư phạm trường THCS Thái Văn Nam – huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nêu hàng loạt các sai phạm từ nhiều năm nay của Hiệu trưởng – ông Võ Công Sơn, nhưng vẫn chưa được các cấp lãnh đạo giải quyết triệt để.
Trong thư của mình gửi về cho chúng tôi, một giáo viên đã nêu: Từ khi làm Hiệu trưởng cho đến nay, dù năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và lãnh đạo, ngoại ngữ và công nghệ thông tin đều yếu…đã làm cho đơn vị ngày càng trở nên tồi tệ hơn, sự xuống cấp của lãnh đạo trong quản lý và chuyên môn, thu chi tài chính mất dân chủ, lòng tin cho tuyệt đại đa số các giáo viên trong đơn vị đều giảm, nhiều giáo viên vì muốn yên tâm công tác nên đành cắn răng chịu đựng, nhưng ông Sơn ngày càng ‘coi trời bằng vung’.
Giáo viên đóng tiền để Hiệu trưởng tổ chức tiệc, mua quà cho khách của trường
Theo phản ánh của một giáo viên, ông Võ Công Sơn – Hiệu trưởng yêu cầu thu lại từ tiền tăng thêm thu nhập của giáo viên năm 2012 – 2013 là 300.000 đồng/giáo viên, năm 2013 – 2014 là 200.000 đồng/giáo viên. Hiệu trưởng và tập thể hội đồng sư phạm nhà trường đều đã thống nhất chỉ chi cho các buổi tiệc tập thể, tạo tinh thần đoàn kết sau thời gian công tác (do Hiệu trưởng nói không có các khoản chi cho tiệc).
Bảng công khai tiền trích đóng của giáo viên từ tiền tăng thêm thu nhập trong năm học 2013 - 2014. |
Thế nhưng, khi thu thì sau đó, Hiệu trưởng lại tự ý chi rất nhiều khoản vô lý,rất ư là ‘trời đất’ – chi tiếp khách, ăn nhậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh, cuối năm chỉ trưng ra bảng công khai chi những khoản nào là điều không thể chấp nhận được.
Cho dù, các giáo viên đã liên tục có nhiều ý kiến khác nhau trong các phiên họp hội đồng sư phạm, nhiều phiên họp khác, nhưng ông Sơn đã không nhận sai, không có các biện pháp khắc phục. Cùng lúc đó, các giáo viên đã gửi về chúng tôi các bảng công khai trích tiền thu nhập tăng thêm của giáo viên trong 2 năm học 2012 – 2013, 2013 – 2014.
Bảng công khai tiền đóng của giáo viên năm học 2012 - 2013 (Ảnh: T.P) |
Căn cứ vào những chứng cứ này, có thể thấy, ngoài việc tổ chức các buổi tiệc tập thể trong dịp lễ hằng năm như: khai giảng, 20/11, tất niên…Hiệu trưởng Võ Công Sơn còn dùng tiền của giáo viên để chi cho tiệc lễ kết nạp Đảng (10/9/2012, 500.000 đồng), tiếp Đài truyền hình tỉnh (15/9/2012, 850.000 đồng), kiểm tra an ninh trật tự (12/10/2012, 850.000 đồng), tiệc – tặng quà cô Cúc (30/10/2012, 2.530.000 đồng)…
Thiếu đạo đức nhà giáo, mất dân chủ trong hội đồng sư phạm
Nhiều giáo viên trường THCS Thái Văn Nam nhận xét về người Hiệu trưởng của mình có biểu hiện thiếu đạo đức nhà giáo, mất dân chủ, trong các phiên họp hội đồng sư phạm thường xuyên đập bàn, không cho giáo viên phát biểu.
Mới đây, trong phiên họp ngày 1/9/2014, sau khi kế toán trình bày xong phần quy chế chi tiêu nội bộ trước hội đồng sư phạm nhà trường, thầy Hiệu trưởng đã nói “Các anh/chị nghe như ‘nước đổ đầu vịt’ có ý xem thường, làm nhục các giáo viên.
Trường THCS Thái Văn Nam - huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang (ảnh: T.P) |
Trong năm học 2013 – 2014, việc lãnh đạo nhà trường của ông Sơn đã gặp nhiều thiếu sót, sai lầm, dẫn tới việc thiếu quan tâm trong đôn đốc, chỉ đạo, để xảy ra hàng loạt các sai phạm trong dạy thêm và học thêm tại trường, khiến cho nhiều giáo viên đã bị phạt hành chính (thấp nhất 1,5 triệu đồng, cao nhất 7,5 triệu đồng), một giáo viên bị kỷ luật ở mức độ cảnh cáo, phạt hành chính 7, 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu đơn vị, Hiệu trưởng không đứng ra tự nhận trách nhiệm, mà năm học đó lại tự đưa tên mình, cùng với Phó Hiệu trưởng đề đạt được xét lao động tiên tiến (không thông qua hội đồng sư phạm và hội đồng thi đua của trường). Kết quả, năm học đó, Hiệu trưởng và cả Hiệu phó được xét là lao động tiên tiến, được nhận tiền thưởng là 320.000 đồng, gây bất bình lớn trong dư luận nhà trường, trái với luật thi đua, khen thưởng, và thiếu dân chủ, công khai trong nhà trường.
Hiệu trưởng không bao giờ đứng lớp?
Theo thông tư 28 – năm 2009 của Bộ GD&ĐT quy định: Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trường phổ thông phải đứng lớp giảng dạy (Hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, Phó Hiệu trưởng là 4 tiết/tuần) nhằm nắm được nội dung, chương trình học tập của học sinh, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Như vậy, trong cả năm học (37 tuần), Hiệu trưởng phải đứng lớp ít nhất là 74 tiết học, nhưng trong những năm học trước, năm học 2012 – 2013, Hiệu trưởng Võ Công Sơn chỉ tập trung toàn bộ học sinh lớp 9, thực hiện dạy hướng nghiệp trong 1 buổi duy nhất (dưới 2 tiết) ở học kỳ 1. Tệ hơn nữa, năm học 2013 – 2014, ông Sơn không tập trung học sinh bất kỳ ngày nào.
Trích đơn phản ánh của giáo viên trường THCS Thái Văn Nam (ảnh: T.P) |
Còn năm học 2014 – 2015, cho tới nay đã hết 17 tuần học, đáng lý ra Hiệu trưởng phải đứng lớp 34 tiết, nhưng thực tế, ông Sơn chỉ triệu tập học sinh lớp 9, dạy hướng nghiệp chỉ duy nhất 30 phút (từ lớp 9/2 đến 9/7), ngày chủ nhật (19/10/2014) và ngày chủ nhật (2/11/2014) cho học sinh 2 lớp 9/1 và 9/2.
Ngoài ra, ông Sơn không có kế hoạch giảng dạy, soạn bài, không thực hiện bất kỳ hoạt động giáo dục nào khác, là hành vi gian dối trong việc thực hiện chế độ giờ làm việc của Hiệu trưởng, cố tình làm sai trái trong đường lối chính sách của pháp luật, của ngành, hưởng lợi bất chính từ phụ cấp đứng lớp của Hiệu trưởng từ nguồn ngân sách của Nhà nước, làm trái quy định của lãnh đạo, làm sai lệch chương trình, kế hoạch hướng nghiệp của học sinh lớp 9.
Đón đọc bài 2: Hiệu trưởng nói gì trước các thắc mắc, khiếu nại của giáo viên?