Hỗ trợ 15 kg/học sinh/tháng cho tất cả các lứa tuổi là chưa phù hợp

13/07/2023 06:42
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, trẻ mầm non cũng nên được hỗ trợ dựa trên lương cơ sở thay vì quy định cứng một mức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là dự thảo).

Dự thảo đã mang lại nhiều phấn khởi cho thầy trò các trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo bởi sự quan tâm kịp thời của các cấp các ngành đến học sinh vùng khó.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: “Trong thời gian qua, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi như Mường Nhé đã có những tiến bộ rõ rệt, giảm đáng kể tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học và tăng tỷ lệ học sinh hoàn thành, tốt nghiệp các cấp học.

Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên ngành giáo dục ở địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập trong áp dụng chính sách, trong đó có chính sách hỗ trợ ăn trưa/bán trú.

Hiện nay, trẻ mầm non đang được hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Còn học sinh bán trú được hưởng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh đối với hỗ trợ tiền ăn.

Bữa ăn bán trú của học sinh vùng cao. Ảnh: LC

Bữa ăn bán trú của học sinh vùng cao. Ảnh: LC

Cùng với sự phát triển của xã hội, các chính sách ưu đãi cũng cần phải có sự thay đổi. Do vậy, dự thảo nâng mức hỗ trợ lên là một tin mừng với thầy trò vùng khó như Mường Nhé.

Tuy nhiên để phù hợp và có thể áp dụng cho nhiều năm tiếp theo, tôi cho rằng, thay vì quy định một mức tiền nhất định, dự thảo nên nâng mức hỗ trợ từ 40% lương cơ sở như hiện nay lên 55% đối với hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú bậc tiểu học và 65% đối với học sinh trung học cơ sở (vì còn nhiều chi phí phục vụ bán trú, giá thực phẩm, ...).

Bên cạnh đó, cần bổ sung (hoặc thay thế) Nghị định số 105/2020/NĐ-CP với mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non theo tỷ lệ % mức lương cơ sở cho đồng nhất.

Về kinh phí phục vụ nấu ăn ở trường mầm non, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho rằng: “Kinh phí phục vụ nấu ăn cho trẻ mầm non nên chia rõ lớp ở điểm trường lẻ và lớp ở điểm trường chính lần lượt theo mức 3.500.000 đồng/người/lớp (nếu là lớp học tại điểm trường lẻ) và 3.500.000 đồng/người/30 học sinh (đối với lớp ở điểm trường chính)”.

Bày tỏ quan điểm về dự thảo, thầy giáo Nguyễn Văn Quynh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch (Mường Nhé) cho biết:

“Đứng chân trên địa bàn xã vùng cao còn nhiều gian khó, song những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch đã luôn nỗ lực vươn lên trong công tác giảng dạy và học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện kỹ năng, tri thức để con em đồng bào dân tộc thiểu số hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Nhiều năm qua, Nhà trường đã duy trì, thực hiện đầy đủ chế độ bán trú cho học sinh, qua đó đảm bảo sức khỏe, chế độ chăm sóc toàn diện học sinh. Năm học 2022 - 2023, toàn trường có 270 học sinh, trong đó gần 200 em là học sinh bán trú được ăn, ở tại trường.

Đến nay cơ sở vật chất cơ bản đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Việc được chăm sóc bán trú tốt nên duy trì chuyên cần của nhà trường cũng vì thế đạt tỷ lệ cao.

Thầy và trò nhà trường rất vui mừng phấn khởi khi chính sách hỗ trợ học sinh, cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn như Huổi Lếch đã có sự thay đổi. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với những người làm giáo dục nơi đây".

Bữa cơm bán trú ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Bữa cơm bán trú ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu một số điểm trong dự thảo, thầy Quynh thấy còn một số điểm chưa phù hợp.

Ví dụ khoản 3 Điều 6 Chương II dự thảo quy định chính sách cho dân tộc nội trú, ở mục hỗ trợ gạo, mỗi học sinh được hỗ trợ 15kg gạo/tháng và khoản 5 Điều 10 Chương III quy định thời gian giao nhận gạo không quá 2 lần/học kỳ (4 lần/năm học).

Như vậy việc hỗ trợ một mức gạo 15 kg/học sinh/tháng cho tất cả các lứa tuổi là chưa phù hợp cần tính toán và xem xét lại.

"Nhu cầu sử dụng gạo hàng tháng của các cháu hoàn toàn khác nhau, không thể đồng loạt một mức cho một học sinh suốt các năm học học được.

Cùng với đó là việc hỗ trợ gạo nên tính toán lại sao cho hợp lý tránh việc “no dồn, đói góp”. Việc phát gạo về cho học sinh theo kỳ rất khó trong việc bảo quản”, thầy Quynh cho biết.

Ngoài ra, theo điểm b, điều 6 của Chương II dự thảo có nêu “mỗi học sinh, học viên phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường, hoặc do cần có sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt của người thân (sức khỏe yếu, khuyết tật, nhỏ tuổi) thì mỗi tháng được hỗ trợ là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Về việc này, các cơ quan chức năng cần có khảo sát thực tế và tính toán sao cho học sinh và cơ sở giáo dục thuận tiện nhất. Theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng, tuy nhiên, như ở Huổi Lếch, trường nằm ngay trên 1 quả đồi, dân cư thưa thớt nên việc các em trọ ở ngoài trường là không thể.

Trường cũng không thể để các em cắm chòi để tự học được mà buộc phải xây dựng và tận dụng mọi nguồn lực để có nhà bán trú.

Ở vùng cao, dù là trường bán trú nhưng thực tế các em học tập và sinh hoạt như học sinh nội trú. Có những em học sinh nhà xa, thứ 7 – Chủ nhật cũng không về nhà.

Do đó, dự thảo nên quy định mức kinh phí đầu tư, duy tu sửa chữa nhà bán trú.

Trần Phương