Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành báo cáo về Kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn đối tượng khảo sát là các trường học trên địa bàn huyện Cao Phong và huyện Lạc Sơn.
Đối tượng tham gia khảo sát là phụ huynh học sinh (đối với Giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông); Học sinh (đối với học sinh cấp Trung học phổ thông, học viên Giáo dục thường xuyên).
Về số lượng đối tượng tham gia khảo sát, bậc mầm non có 300 cha mẹ học sinh; Bậc tiểu học là 200; Bậc trung học cơ sở là 394; Bậc trung học phổ thông là 578 cha mẹ học sinh cùng 1261 học sinh; . Đối với Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên là 200 học viên.
Việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công được thông qua phiếu hỏi với 07 nội dung.
Cụ thể: A. Tiếp cận dịch vụ giáo dục; B. Cơ sở vật chất, trang thiết bị; C. Môi trường giáo dục; D. Hoạt động giáo dục; E. Sự phát triển và tiến bộ của người học; F. Đánh giá chung G. Kiến nghị, đề xuất.
Trong lĩnh vực tiếp cận giáo dục, về thực hiện thủ tục nhập học, chuyển trường thuận tiện, tại bậc mầm non có 297/300 người được khảo sát trả lời hài lòng và rất hài lòng, đạt tỷ lệ 99,0%; Đối với bậc tiểu học có tỷ lệ hài lòng là 93,5% (187/200 người); Đối với bậc trung học cơ sở là 89,3% (352/394 người); Bậc trung học phổ thông có tỷ lệ 77,5% (448/578 người), với học sinh tham gia khảo sát có 993/1261 người trả lời hài lòng và rất hài lòng, tỷ lệ 78,7%.
Bên cạnh đó, bậc trung học phổ thông cũng có sự hài lòng thấp nhất về khu vệ sinh sạch sẽ, có thiết bị cơ bản.
Cụ thể, về lĩnh vực “Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học”, với tiêu chí khu vệ sinh cho học viên an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản, bậc mầm non có 297/300 người được khảo sát trả lời hài lòng và rất hài lòng, tỷ lệ 99,0%; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có 162/200 người tham gia khảo sát và tỷ lệ số người hài lòng đạt 81%; Với bậc trung học cơ sở có 311/394 người được khảo sát trả lời hài lòng và rất hài lòng, tỷ lệ 78,9%; Bậc tiểu học có 130/200 người được khảo sát trả lời hài lòng và rất hài lòng, tỷ lệ 65,0%; Bậc trung học phổ thông có 357/578 người được khảo sát trả lời hài lòng và rất hài lòng, tỉ lệ 61,7%.
Việc khảo sát tiêu chí trên cũng được thực hiện đối với học sinh. Theo đó, có 693/1261 người được khảo sát trả lời hài lòng và rất hài lòng, tỷ lệ 54,9%.
Về tỷ lệ hài lòng toàn diện đối với 7 nội dung được khảo sát, bậc mầm non đạt 99,9%; Bậc trung học cơ sở đạt 97,1%; Bậc tiểu học đạt 96,9%; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt 96,4%; Bậc trung học phổ thông: phụ huynh hài lòng đạt 89,1% và học sinh là 82,9%.
Tỉ lệ hài lòng toàn diện của toàn ngành: 92,6%.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công
Thông qua khảo sát, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo thuận lợi, nhanh chóng cho nhân dân, hạn chế phiền hà và chờ đợi.
Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về cải cách hành chính và cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Nâng cao chất lượng thông tin đưa lên mạng. Thường xuyên cập nhật thông tin rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của ngành cho tổ chức, công dân biết thông tin cung ứng các loại dịch vụ giáo dục công cũng như người có thẩm quyền giải quyết hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian.
Đẩy mạnh xã hội hóa Giáo dục và Đào tạo để phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
Bố trí kinh phí tổ chức khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh hàng năm để nắm bắt được những nhận xét, đánh giá cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục công theo kế hoạch đã đề ra.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học trong các nhà trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh.
Những khó khăn và đề xuất
Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nhận định, kinh phí phục vụ cho việc triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công không được cấp riêng mà vẫn sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị nên không thể triển khai khảo sát với 100% các huyện, thành phố.
Phần mềm nhập dữ liệu và phần mềm xử lý dữ liệu chưa đồng bộ, đều là các phần mềm miễn phí nên tốn nhiều thời gian và khó khăn trong việc kết xuất dữ liệu, phân tích kết quả khảo sát.
Từ đó, Sở kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phần mềm khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trực tuyến để có thể lấy ý kiến của người dân ngay tại cơ quan, đơn vị hoặc người dân có thể cung cấp thông tin trực tiếp thông qua điện thoại thông minh và mạng Internet qua đó đảm bảo tính chính xác, khách quan và hiệu quả.
Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý rà soát và hoàn thiện theo các tiêu chí của Bộ công cụ khảo sát được ban hành kèm theo Quyết định số 3476/QĐ-BGDĐT ngày 04/10/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong muốn của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn.