Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành thông báo Kết quả kiểm tra Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hòa Bình; các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
Nhận xét về mặt ưu điểm, Đoàn kiểm tra của Sở nhận thấy, trong các năm học 2022-2023 và 2023-2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hòa Bình và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn thành phố Hòa Bình đã tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện các công tác: cải cách hành chính; thư viện trường học; truyền thông; thi đua khen thưởng; thực hiện dân chủ ở cơ sở; văn thư lưu trữ; giáo dục chính trị và học sinh, sinh viên; giáo dục thể chất; giáo dục dân tộc; giáo dục quốc phòng an ninh và quân sự địa phương; y tế trường học; tổ chức bộ máy và biên chế; quản lý chất lượng giáo dục.
Hệ thống các thư viện trường học được đầu tư về cơ sở vật chất, tư liệu sách báo, chất lượng hoạt động ngày một đi vào chiều sâu, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập tại các nhà trường.
Công tác truyền thông được triển khai dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Giáo dục và Đào tạo.
Đối với các đơn vị trực thuộc Sở trên địa bàn thành phố Hòa Bình
Một số đơn vị xây dựng kế hoạch cải cách hành chính không bám sát kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo (Trung học phổ thông Phú Cường, Trung học phổ thông Ngô Quyền); chưa thể hiện được minh chứng triển khai nội dung các văn bản về cải cách hành chính đến cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường (Trung học phổ thông Phú Cường, Trung học phổ thông Ngô Quyền); chưa thể hiện được phân công nhiệm vụ cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính.
Việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ Đoàn kiểm tra của một số đơn vị còn sơ sài, chưa đảm bảo (Trung học phổ thông Ngô Quyền). Một số đơn vị không có Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 (Trung học phổ thông Phú Cường, Trung học phổ thông Lạc Long Quân, Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ).
Lãnh đạo một số đơn vị chưa tích cực chỉ đạo hoạt động thư viện một cách thường xuyên, nền nếp. Việc bổ sung tài nguyên thông tin chủ yếu là sách giáo khoa, sách nghiệp vụ phục vụ cho chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018; chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để bổ sung vốn tài nguyên thông tin cho thư viện.
Tỷ lệ giáo viên, học sinh thường xuyên mượn sách tại thư viện còn thấp.
Một số đơn vị còn thiếu một số văn bản chỉ đạo công tác thư viện (Trung học phổ thông Phú Cường, Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trung học phổ thông Lạc Long Quân);
Chưa có đầy đủ các kế hoạch theo quy định tại Thông tư 16/2022/TT/BGD&ĐT (Trung học phổ thông Phú Cường, Trung học phổ thông Ngô Quyền); chưa tổ chức tiết đọc, tiết học thư viện theo quy định; chưa tích cực tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc; chưa có các hoạt động nổi bật về công tác thư viện...
Các đơn vị chưa cập nhật đầy đủ Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2022. Hồ sơ công tác thi đua, khen thưởng của một số đơn vị, trường học tới thời điểm kiểm tra còn sơ sài (Trung học phổ thông Lạc Long Quân, Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ).
Tại thời điểm kiểm tra, 6/7 đơn vị chưa có Kế hoạch hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp phát động; chưa có các nội dung phát động các phong trào thi đua, chưa có hồ sơ sơ kết, tổng kết các cuộc vận động và phong trào thi đua (trừ Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình);
Có 5/7 đơn vị chưa có các văn bản triển khai xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến (trừ Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh, Trung học phổ thông Công Nghiệp). Nội dung công tác thi đua, khen thưởng trong báo cáo làm việc với Đoàn kiểm tra của 4/7 đơn vị quá sơ sài, thiếu các nội dung theo đề cương (Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trung học phổ thông Công Nghiệp, Trung học phổ thông Phú Cường, Trung học phổ thông Lạc Long Quân).
Công tác phát động, hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến bước đầu đã quan tâm nhưng chất lượng các văn bản triển khai chưa cao.
Nội dung phát động thi đua còn thiếu yếu tố định lượng; trong các kế hoạch hưởng ứng, phát động chưa xác định rõ đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện để khen thưởng trong các đợt sơ kết, tổng kết (gây khó khăn trong việc đánh giá, xếp loại, bầu chọn khi tiến hành sơ tổng kết).
Một số đơn vị chưa xây dựng Kế hoạch thực hiện dân chủ năm 2023 và 2024 (Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trung học phổ thông Phú Cường).
Kết luận nhận định, đa số các trường (6/7 trường, trừ Trung học phổ thông Lạc Long Quân) mới chỉ công khai các nội dung theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, không có biểu mẫu công khai các nội dung khác theo quy định.
"Hồ sơ công khai chưa có biên bản công khai (Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh, Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trung học phổ thông Công Nghiệp, Trung học phổ thông Phú Cường); một số nội dung phải công khai trong các cuộc họp không được thể hiện trong biên bản ghi nghị quyết cuộc họp (6/7 trường, trừ Trung học phổ thông Lạc Long Quân)", trích văn bản.
Hầu hết các đơn vị chưa xây kế hoạch, báo cáo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức hằng năm (trừ Trung học phổ thông Công Nghiệp). Hồ sơ của viên chức thiếu cập nhật thông tin (Khen thưởng, thay đổi về thông tin cá nhân,…).
Một số hồ sơ viên chức thiếu phiếu bổ sung viên chức hằng năm, thiếu chữ ký, ngày tháng của Thủ trưởng đơn vị. Phiếu đánh giá kết quả, xếp loại viên chức hàng tháng thiếu chữ ký, thiếu kết quả xếp loại của Thủ trưởng đơn vị. Một số đơn vị chưa ban hành Quyết định phân công chuyên môn đối với viên chức (Trung học phổ thông Phú Cường, Trung học phổ thông Kỳ Sơn, Trung học phổ thông Ngô Quyền). Trường Trung học phổ thông Phú Cường chưa cung cấp đủ minh chứng phục vụ công tác kiểm tra...
Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị
Về những hạn chế nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các nhà trường chủ động rà soát các tiêu chuẩn thư viện theo Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị kiểm tra công nhận trong thời gian sớm nhất;
Xây dựng lộ trình cho việc công nhận đạt mức độ 2 và đạt giải thưởng Văn hóa đọc theo Quyết định số 2608/QĐ-BVHTTDL ngày 07/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Quan tâm chỉ đạo bổ sung tài nguyên thông tin cho thư viện nhà trường bằng nhiều hình thức: ngân sách nhà nước (Quỹ chi tiêu nội bộ), xã hội hóa, liên thông thư viện, qua mạng Internet; bổ sung các bộ sách giáo khoa khác (ngoài danh mục sách giáo khoa giảng dạy của nhà trường) làm ngữ liệu trong quá trình dạy học; cập nhật hệ thống văn bản quy pháp luật liên quan tại thư viện nhà trường.
Đẩy mạnh hoạt động của thư viện nhà trường; tổ chức tiết đọc, tiết học theo quy định; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, các bộ phận liên quan tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sân chơi liên quan đến sách cho học sinh. Tổ chức các hoạt động về thư viện theo các chủ đề, chủ điểm hàng tháng, nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Tham dự cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, cuộc thi đọc sách trực tuyến năm 2024. Trưng bày các sản phẩm, hình ảnh hoạt động của học sinh tại thư viện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thư viện; bố trí máy tính cho học sinh tra cứu học tập. Thực hiện liên thông thư viện giữa các trường học trên địa bàn thành phố. Tăng cường kiểm tra công tác thư viện, hiệu quả làm việc của cán bộ thư viện; chỉ đạo công tác thanh lý, kiểm kê cuối năm học và cuối năm tài chính.
Tổ chức đánh giá công tác thư viện vào cuối năm học và gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo đúng thời gian quy định....