Học bổng hạn chế, NCS áp lực tài chính vì kinh phí thực hành, thí nghiệm tốn kém

07/07/2023 06:48
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đa số nghiên cứu sinh vừa học tập và công tác nên không thể chuyên tâm nghiên cứu, dẫn đến phải kéo dài thời gian đào tạo và chi phí cũng tăng theo.

Theo Dự thảo thông tư quy định “Chuẩn cơ sở giáo dục đại học” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến, yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học về số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ngày càng cao.

Đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ nhà khoa học là nhiệm vụ quan trọng để phát triển hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Dẫu vậy, đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn, cả từ phía người học và phía cơ sở đào tạo.

Nguồn học bổng cho nghiên cứu sinh còn hạn chế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, một số yêu cầu của quá trình tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện cũng là khó khăn với người học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC

Một là, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu vào (tiếng Anh) của ứng viên phải tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục và đào tạo công bố, trong đó đối với chứng chỉ quốc tế (tiếng Anh) chỉ chấp nhận một số chứng chỉ quốc tế uy tín như TOEFL ibt, IELTS hoặc chứng chỉ của Hội đồng Anh. Đây là khó khăn đối với các ứng viên, nhất là các ứng viên đi học khi không còn trẻ tuổi.

Hai là, điều kiện để luận án được thông qua các cấp đòi hỏi nghiên cứu sinh phải có các công bố liên quan đến luận án đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín (được hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tính điểm từ 0,75 điểm trở lên) với tư cách là tác giả chính và đủ điểm tích luỹ từ 2,0 điểm trở lên.

Điều này đòi hỏi nghiên cứu sinh phải hết sức nỗ lực và cố gắng tập trung cao độ trong quá trình thực hiện luận án. Tuy nhiên thực tế hiện nay, đa số nghiên cứu sinh vừa học tập và công tác nên không thể chuyên tâm nghiên cứu, dẫn đến phải kéo dài thời gian đào tạo và chi phí cũng tăng theo.

Trường Đại học Hồng Đức được phép đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 2015. Hiện trường đang thực hiện đào tạo 06 chuyên ngành trình độ tiến sĩ và chuẩn bị mở ngành đào tạo trình độ thứ 7. Tuy nhiên, theo Thầy Dũng, quy mô đào tạo tiến sĩ hiện nay còn thấp, một số chuyên ngành không tuyển sinh được, tỉ lệ nghiên cứu sinh phải gia hạn thời gian đào tạo là đáng kể.

Điều này do một số nguyên nhân về điều kiện tuyển sinh và điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, bên cạnh đó việc tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ ở một số chuyên ngành không đạt chỉ tiêu do nhu cầu học tập bậc tiến sĩ tại địa phương ngày càng giảm. Nguyên nhân một phần vì thiếu chính sách đãi ngộ thoả đáng cho người học sau khi tốt nghiệp và nguồn học bổng cho nghiên cứu sinh còn hạn chế.

“Trong 06 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của Nhà trường hiện nay thì có 02 chuyên ngành đào tạo được trường tự chủ mở ngành.

Khó khăn trong việc mở ngành tiến sĩ hiện nay đó là yêu cầu cao về đội ngũ giảng viên cơ hữu chủ trì ngành đào tạo, cụ thể cần có tối thiểu 05 giảng viên có trình độ tiến sĩ ngành phù hợp trong đó có tối thiểu 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Điều này đòi hỏi Nhà trường cần có lộ trình xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu mở ngành mới theo quy định hiện hành”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho hay.

Phó Giáo sư Bùi Văn Dũng thông tin thêm, một trong số các chuyên ngành khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ là chuyên ngành Khoa học cây trồng, do nhu cầu xã hội tại địa phương giảm.

Đây là chuyên ngành có những khó khăn đặc thù trong quá trình nghiên cứu như: cần có kinh phí thực hành, bố trí thí nghiệm, nghiên cứu sinh tốn nhiều công sức, thời gian trong quá trình thực hành thí nghiệm, kết quả nghiên cứu bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết, khí hậu…

Để nâng cao năng lực, trình độ cho giảng viên, hằng năm, Trường Đại học Hồng Đức đều phê duyệt quy hoạch đào tạo trình độ tiến sĩ đối với giảng viên (trong đó có cả đào tạo nước ngoài, đào tạo trong nước, đạo tạo tại trường) và có thực hiện báo cáo, đánh giá kết quả hằng năm gắn với thi đua-khen thưởng.

Vì vậy đến nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đạt trên 42% (cao hơn trung bình chung cả nước).

Giảng viên tham gia đào tạo tạo trình độ tiến sĩ được nhà trường tạo rất nhiều điều kiện, như: Hỗ trợ học phí theo quy định; hỗ trợ kinh phí đi lại hằng năm; giảm định mức lao động (nếu học không tập trung); hỗ trợ kinh phí mua tài liệu; chế độ các ngày lễ, Tết; chế độ thưởng nếu hoàn thành khóa học sớm (các mức có xu hướng tăng lên hằng năm trong khuôn khổ tài chính của trường); đề nghị Tỉnh khen thưởng; ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm,….; riêng đối với giảng viên đi nước ngoài, ngoài các chế độ theo quy định, nhà trường vẫn thực hiện giống đi đào tạo trong nước.

Kinh phí nghiên cứu khoa học là áp lực tài chính với nghiên cứu sinh

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành (Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT), thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 3 năm đến 4 năm.

Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm, hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm.

Với thực tiễn đào tạo bậc tiến sĩ tại Trường Đại học Tây Nguyên, phần lớn, nghiên cứu sinh là cán bộ của các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước và công ty tư nhân, nghiên cứu sinh vừa đi làm vừa tham gia học, do vậy quỹ thời gian khá eo hẹp.

Cơ quan hay công ty có hỗ trợ tiền đóng học phí và công tác phí, tuy nhiên, kinh phí cho thực hiện nghiên cứu khoa học phần lớn các nghiên cứu sinh phải tự cân đối. Ngoài ra còn một số điều kiện khác, nên một số nghiên cứu sinh cần gia hạn thời gian để hoàn thành chương trình đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về khó khăn tài chính với những người học tiến sĩ hiện nay, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam cho biết, năm 2019, Chính phủ có Đề án 89 nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 25 hướng dẫn đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo đề án này.

Chính phủ có học bổng cho nghiên cứu sinh đào tạo trong nước ở các cơ sở đào tạo đủ điều kiện, các học bổng khác ở dạng hỗ trợ đóng học phí, chế độ công tác …

Tuy nhiên để nhận được các học bổng này, đòi hỏi ứng viên phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, người học đăng kí quy hoạch đào tạo và được cơ quan quyết định cử đi học.

Thực tế số người đủ điều kiện nhận được học bổng đi học tại một số cơ sở đào tạo trong nước không nhiều. Một số nghiên cứu sinh do cơ quan cử đi học có hỗ trợ tiền đóng học phí, công tác phí, nhưng nghiên cứu sinh phải thực hiện nghiên cứu khoa học liên quan đến luận án tiến sĩ, kinh phí này phần lớn các nghiên cứu sinh phải tự chi trả nên có khó khăn về tài chính.

Cũng theo thầy Nam, với các giảng viên học tiến sĩ, họ vừa có nhiệm vụ giảng dạy, vừa làm nghiên cứu khoa học, do đó, giảng viên cần dành thời gian nghiên cứu khoa học cho việc học tập và thực hiện luận án tiến sĩ.

Nếu luận án thuận lợi, nghiên cứu sinh có thể hoàn thành trong thời gian theo qui định. Song, luận án tiến sĩ đòi hỏi tính mới, tính khoa học và thực tiễn, một số yêu cầu phải áp dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại, một số còn liên quan đến yêu cầu chuẩn đầu ra của ngoại ngữ, liên quan đến thời vụ và đối tượng nghiên cứu… do vậy, một số nghiên cứu sinh cần thời gian để hoàn thiện luận án, họ phải gia hạn thời gian đào tạo nhưng đều trong qui định cho phép.

Ở Trường Đại học Tây Nguyên, một số nghiên cứu sinh cũng phải gia hạn thời gian đào tạo nhưng thực hiện theo đúng quy định.

Về khó khăn trong tuyển sinh, thầy Nam cho biết, theo quy định khung trình độ quốc gia và quy chế đào tạo tiến sĩ hiện nay, chuẩn đầu vào tiến sĩ có yêu cầu về ngoại ngữ cao hơn so với trước đây, các ứng viên chưa đáp ứng sẽ không thể tham gia học.

Với các năm sau có sự đáp ứng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của bậc thạc sỹ theo quy chế mới sẽ đáp ứng nguồn đầu vào nghiên cứu sinh, như vậy sẽ có nhiều người học hơn.

Phạm Minh