Khối ngành STEM ( khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là một khối ngành quan trọng trong việc phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, đây lại là khối ngành đào tạo chưa thu hút được người học lên các bậc học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), bởi những yêu cầu về đào tạo sau đại học của khối ngành này được đánh giá là tương đối cao và khó khăn hơn so với ngành đào tạo khác nhưng lại chưa có nhiều chính sách hấp dẫn.
Việc này khiến nhiều người lo lắng sẽ kéo theo sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ giảng dạy kế nhiệm của khối ngành này trong tương lai.
Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Tấn Tú, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Đà Lạt cho hay, tiền thân của Trường Đại học Đà Lạt là Viện Đại học Đà Lạt được thành lập vào năm 1957. Khi mới tái lập lại có tên là Trường Đại học Tổng hợp Đà Lạt (10/1976), vì là một trường tổng hợp nên thế mạnh của trường là nghiên cứu khoa học cơ bản, như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Lịch sử…
Trên cơ sở nền tảng lịch sử như vậy nên thế mạnh của trường hiện nay là đào tạo bậc sau đại học về khối ngành STEM.
Những năm gần đây, Trường Đại học Đà Lạt tuyển sinh bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) của khối ngành này không đủ chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, theo thầy Tú, nguyên nhân của vấn đề là do xu thế nhận thức của xã hội.
Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt trong giờ học thực hành (Nguồn: Website nhà trường). |
Ở bậc đại học, người học thường chọn những ngành học được cho là “hot”, thuộc các nhóm ngành như: luật, kinh tế, du lịch, ngôn ngữ tiếng nước ngoài… bởi khi tốt nghiệp sẽ dễ xin việc hơn, hay thu nhập sẽ cao hơn. Còn học những ngành thuộc khối ngành STEM ra trường sẽ khó xin việc, và nếu xin được việc thì thường thu nhập không được cao.
Với xu thế xã hội như vậy, nguồn tuyển sinh học viên lên bậc học cao hơn, nghiên cứu sinh ngày càng trở nên ít đi. Hơn nữa, ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo được cơ quan chủ quản cho phép đào tạo bậc sau đại học nhóm ngành STEM nên nguồn tuyển sinh của trường càng trở nên hạn hẹp.
“Theo tôi được biết, những năm gần đây, không chỉ riêng Trường Đại học Đà Lạt mà ở các cơ sở giáo dục đại học khác có đào tạo bậc sau đại học thuộc khối ngành này tuyển sinh rất khó khăn. Do vậy, công tác đào tạo để duy trì ngành gặp nhiều vướng mắc, nhất là bài toán về kinh tế, thường các cơ sở đào tạo bù lỗ chi phí đào tạo cho các lớp học này.
Đào tạo bậc sau đại học nhóm ngành STEM phải đảm bảo các các điều kiện về cơ sở vật chất, như: thư viện, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, hóa chất… Trường Đại học Đà Lạt đã đầu tư cơ sở vật chất rất nhiều cho công tác đào tạo nhóm ngành này, nhưng người học vẫn ít, học phí lại thấp”, thầy Tú chia sẻ.
Thầy Tú cho rằng, việc phát triển khoa học và công nghệ vừa là biện pháp để thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… vừa đồng thời tạo ra các tiền đề tiềm lực khoa học và công nghệ cho phát triển dài hạn của đất nước.
Vậy nên, nếu thiếu nguồn lực chất lượng cao khối ngành này thì các mục tiêu phát triển đặt ra của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.
“Sự phát triển của một xã hội không phải chỉ có nhiều nhà kinh tế, nhiều nhà làm luật, nhiều người thông thạo tiếng nước ngoài… mà phải có nhiều người có trình độ cao thuộc khối ngành này, hay nói cách khác, nguồn nhân lực chất lượng cao khối ngành STEM đóng một vai trò rất quan trọng, không thể thiếu hụt trong thời đại 4.0”, thầy Tú nhấn mạnh.
Mặt khác, việc xác định rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao về khối ngành STEM, nên từ rất sớm Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm. Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, đường lối, chính sách khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Do đó, việc thiếu số lượng nguồn nhân lực cao của khối ngành này trong tương lai sẽ gây trở ngại cho việc khai thác các cơ hội trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Để nâng cao được nguồn nhân lực chất lượng cao cho khối ngành STEM hiện nay, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Đà Lạt đã đưa ra một số kiến nghị.
Thứ nhất, xã hội cần nhận thức vai trò quan trọng về nguồn nhân lực chất lượng cao của khối ngành này trong sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, Nhà nước cần có thêm những chính sách phù hợp đối với những người theo học khối ngành này, nhất là tạo cơ hội việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp cả bậc đại học và sau đại học.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, đối với khối ngành khoa học kỹ thuật, chủ yếu những người học có nhu cầu làm việc tại các cơ quan nhà nước, các sở, ban, ngành hay đi giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học mới lựa chọn học lên bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ).
Các bạn sinh viên khác sau khi tốt nghiệp nếu lựa chọn đi làm ở các nhà máy, xí nghiệp thường ít có nhu cầu học lên các trình độ cao hơn do nhu cầu công việc không yêu cầu phải có trình cao hơn. Hơn nữa, để có thể xin được học bổng ở bậc cao hơn, người học cũng phải đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có ngoại ngữ, vấn đề đang là trở ngại của nhiều người học hiện nay.
Thầy Tùng cho rằng, để nâng cao được nguồn nhân lực chất lượng cao đối với khối ngành này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải có các máy móc, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo cho công tác đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội.