Mặc dù Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở năm thứ 3 đối với bậc trung học cơ sở và năm thứ 2 bậc trung học phổ thông nhưng nhiều trường vẫn còn thói quen cho học sinh ôn tập theo đề cương để làm bài kiểm tra thường xuyên, định kì.
Người viết - là giáo viên bậc trung học phổ thông - cho rằng điều này chưa phù hợp với Chương trình mới và xin có đôi điều cùng chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn. |
Học theo đề cương - lợi bất cập hại
Khách quan mà nói, việc cho học sinh học theo đề cương để làm bài kiểm tra thường xuyên, định kì giúp các em được giảm tải lượng kiến thức đáng kể trong từng môn học. Kéo theo, học sinh cũng giảm bớt áp lực trong kiểm tra, đánh giá.
Cùng với đó, học theo đề cương giúp học sinh có cơ hội cải thiện điểm số và kết quả học tập, nhất là đối với những em có học lực trung bình, yếu hoặc những lớp thuộc tốp dưới.
Ngoài ra, giáo viên cũng dễ dàng đạt được (hoặc vượt) chỉ tiêu phần trăm xếp loại học lực học sinh đã đề ra ngay từ đầu năm học. Thầy cô không bị hiệu trưởng, hiệu phó hay cơ quan quản lí giáo dục phê bình.
Tuy nhiên, việc cho học sinh học theo đề cương khi ngành giáo dục đã và đang triển khai Chương trình mới là lợi bất cập hại vì một số lí do sau đây.
Thứ nhất, quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT "chú trọng phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh". Từ đó, giúp các em "khả năng tự học... khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới".
Vậy nên, giáo viên cho học sinh học theo đề cương thì các em sẽ có tâm lý ỷ lại, học vẹt để đối phó với các kì kiểm tra. Nhiều em rất lười trong quá trình học tập nhưng nhờ thuộc đề cương chỉ vài ba ngày là có thể đạt được điểm cao.
Thứ hai, việc cho học sinh học theo đề cương là đi ngược với Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Theo đó, Điều 6 Thông tư quy định đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Còn Điều 7 Thông tư quy định đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Như vậy, học sinh học theo đề cương thì rất khó, thậm chí không thể làm bài kiểm tra thường xuyên, định kì thông qua việc thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập hay dự án học tập.
Thứ ba, khi dạy theo Chương trình mới thì sách giáo khoa có tác dụng cụ thể hóa chương trình, là tài liệu tham khảo, nên việc giáo viên soạn đề cương và học sinh học theo đề cương là hoàn toàn không phù hợp.
Ví dụ, học sinh lớp 10 học môn Ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo, đến kì kiểm tra giữa học kì 1 thì giáo viên cần giúp các em nắm được thể loại thần thoại, sử thi, thơ và nghị luận xã hội.
Chẳng hạn, học sinh học thần thoại "Thần Trụ Trời" trong sách giáo khoa thì các em phải biết viết bài nghị luận đánh giá về chủ đề và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm tương đương (vị dụ Sơn Tinh, Thủy Tinh; Thần Lúa,...) vì đề kiểm tra không lấy tác phẩm đã học.
Như thế, có chăng việc soạn đề cương là do học sinh thực hiện để các em hệ thống hóa chương trình, minh họa bài luyện tập, thực hành từ chương trình chứ không phải do giáo viên soạn sẵn.
Một vài phương pháp giúp học sinh học tập hiệu quả
Thứ nhất, thay vì yêu cầu học sinh học theo đề cương thì giáo viên cần hướng dẫn học sinh ôn tập theo ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra được tổ chuyên môn quy định sẵn cho các kì kiểm tra.
Bản đặc tả một đề kiểm tra được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu, vận dụng (mức thấp, cao). Dựa vào bản đặc tả, học sinh sử dụng để chủ động đánh giá việc học và tự chấm điểm sản phẩm học tập của mình.
Ngoài ra, bản đặc tả cũng giúp hiệu trưởng và lãnh đạo cơ quan giáo dục kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục của từng đơn vị trường học. Chúng ta phải chấp nhận việc phân hóa điểm số của học sinh từ giỏi đến yếu.
Thứ hai, muốn học sinh thoát li đề cương thì giáo viên ra đề cần giảm bớt những câu hỏi đơn thuần chỉ kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức của học sinh.
Thay vào đó, thầy cô cần tăng dần số lượng câu hỏi kiểm tra khả năng học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống một cách thiết thực.
Nếu chỉ học tủ, học vẹt, học theo đề cương, học sinh khó có thể trả lời thỏa đáng những câu hỏi vận dụng theo kiểu này. Và khi thấy học sinh bị điểm yếu, kém thì giáo viên sẽ phải thay đổi phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Thứ ba, giáo viên hướng dẫn học sinh tự học để nâng cao năng lực học tập: tự học từ kiến thức giáo khoa; tự học từ kiến thức cũ đến kiến thức mới; tự học từ thế giới Internet...
Đáng chú ý, việc tự học từ Internet là một cơ hội rộng mở nhưng cũng là một thách thức lớn cho học sinh trong quá trình tự học.
Vì thế, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách sử dụng Internet hiệu quả trong học tập như: chỉ sử dụng app giải bài tập với mục đích kiểm tra bài đã làm có đúng kết quả hay không.
Học sinh tham gia các diễn đàn học tập để cùng chia sẻ; học tập trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi trên các trang web hữu ích phục vụ học tập đã được kiểm duyệt.
Để học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng học tập thì cần rất nhiều ý thức, quyết tâm từ chính bản thân học sinh cũng như sự hướng dẫn, định hướng từ thầy cô và gia đình.
Có thể khẳng định, dạy học sinh theo kiểu đề cương, bài mẫu chính là làm thui chột sự sáng tạo, khả năng tư duy, tự học của các em và đi ngược với quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2018-tt-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-169745-d1.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2021-tt-bgddt-207846-d1.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.