“Học để hạnh phúc chứ không phải để khổ sở, chịu đựng”

12/01/2020 06:28
TẤN TÀI
(GDVN) - Có một thực tế là nhiều học sinh, sinh viên ở Việt Nam học rất giỏi, đạt các giải thưởng cao nhưng liệu các học sinh đó có hạnh phúc hay không?

Đó là câu hỏi và cũng là vấn đề mà anh Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia vận hành giáo dục với 10 năm kinh nghiệm gắn bó cùng hệ thống giáo dục Việt Nam (hiện là giám đốc khu vực Đông Nam Á của Oksidia) chia sẻ tại buổi hội thảo:

Phụ huynh với hướng nghiệp và lựa chọn giáo dục đại học cho con trong nền kinh tế 4.0” do Viện Nguyên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) tổ chức ngày 11/1.

Quan niệm “học thế này mới giỏi” đã trở thành lạc hậu

Trong thời đại 4.0, sự thay đổi về công nghệ đã tạo ra những biến đổi lớn trong xã hội và đang định nghĩa lại những khái niệm quen thuộc như giáo dục, nghề nghiệp và vai trò của con người trong kinh tế xã hội.

Anh Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia vận hành giáo dục với 10 năm kinh nghiệm gắn bó cùng hệ thống giáo dục Việt Nam (hiện là giám đốc khu vực Đông Nam Á của Oksidia) chia sẻ về nền giáo dục Phần Lan. Ảnh: TT
Anh Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia vận hành giáo dục với 10 năm kinh nghiệm gắn bó cùng hệ thống giáo dục Việt Nam (hiện là giám đốc khu vực Đông Nam Á của Oksidia) chia sẻ về nền giáo dục Phần Lan. Ảnh: TT

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương – Viện trưởng Viện Nguyên cứu và Đào tạo Việt Anh cho rằng, chúng ta từng có những quan niệm rằng:

Học thế này mới giỏi, học ngành này, trường này mới tốt. Rồi học cái này ra dễ tìm việc làm, nhiều cơ hội. Và nghề này nóng, lương lao động cao...

Tất cả những niềm tin đó đã và đang nhanh chóng lạc hậu, dẫn đến phụ huynh và học sinh sẽ cảm thấy hoang mang nếu không hiểu rõ được bản chất của thay đổi và những xu hướng chủ đạo.

Hội thảo lần này cung cấp bức tranh toàn cảnh về bối cảnh kinh tế, xã hội và cách hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Sự khác biệt trong cách đánh giá học sinh giữa Việt Nam và Phần Lan, Nhật Bản

Bao gồm: hướng nghiệp trong thời đại 4.0, cách mạng 4.0 – khoảng cách giữa tuyển dụng, hướng và đào tạo nghề nghiệp. Vai trò của hướng nghiệp, giáo dục đại học trong nền kinh tế 4.0.

Chị Phạm Hải Yến, Giám đốc và đồng sáng lập của School of Gumption, một doanh nghiệp xã hội về giáo dục tại Singapore đã cung cấp cho phụ huynh góc nhìn về những điểm ưu việt của con người so với công nghệ robot, AI (trí tuệ nhân tạo)...

Từ đó, chị Yến đưa ra những quan điểm giúp phụ huynh tìm ra yếu tố cốt lõi của hướng nghiệp bao gồm: trí thông minh cảm xúc, xã hội sáng tạo, xây dựng nguồn lực bản thận.

Ở một góc nhin thực tế hơn, anh Đỗ Xuân Khoa, sáng lập và điều hành Ella Study – Startup giáo dục kết nối du học sinh đã cung cấp cho phụ huynh những thông tin cần thiết để tìm ra công việc đam mê của mình  dựa trên nền tảng khoa học.

Học để hạnh phúc

Còn đối với câu chuyện của anh Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia vận hành giáo dục với 10 năm kinh nghiệm gắn bó cùng hệ thống giáo dục Việt Nam (hiện là giám đốc khu vực Đông Nam Á của Oksidia) đã chia sẻ câu chuyện từ đất nước Phần Lan, đất nước học để hạnh phúc.

Sự nhất quán trong Hệ thống giáo dục ở Phần Lan

Anh Dũng dẫn ra một thực tế là ở Việt Nam và một số nước châu Á có tình trạng là học để thi và coi nó như là một nghề (học ra để làm quan như từ: sĩ tổng, thủ khoa... ngày trước). Và mối quan tâm nhất hiện nay của nhiều gia đình là bằng cấp.

“Trong các cuộc trò chuyện với những học sinh cấp 3, mình đặt câu hỏi: các em học có hạnh phúc không? Câu trả lời nhận được là học cho bù đầu, lấy đâu ra hạnh phúc.

Học giỏi mà hạnh phúc là hiếm lắm. Có nhiều em quanh năm học đều đạt 10 điểm, chỉ cần một lần chỉ có 9,5 điểm là nhăn nhó, buồn bực.

Ở châu Á thì câu chuyện phụ huynh đi xem trường thường đặt nặng vấn đề là trường đó có hồ bơi không, có phòng tập gym không?

Nhưng chả có ai hỏi rằng những giáo viên giảng dạy trong trường đó là những người như thế nào?”.

Đó là thực tế mà anh Dũng đã trải nghiệm, còn ở Phần Lan thì gia đình quan tâm đến giáo dục luôn đặt câu hỏi, con học có vui không? Việc học đã thay đổi quan điểm sống của con ra sao? Đối với họ, học là hạnh phúc, là một thú vui để tận hưởng cuộc sống.

“Ở Phần Lan, khi họ dạy học quan trọng nhất là hứng thú tự học và khả năng tự học. Người thầy là người khai mở cho học sinh thôi, chứ không phải là người bắt tay chỉ việc”.

Anh Dũng cũng cho rằng, ở các nước tiên tiến trên thế giới và các hãng công nghệ lớn thì họ không còn cần bằng cấp nữa. Mà họ có những bài kiểm tra riêng phù hợp với từng đối tượng họ cần tuyển.

Ở Phần Lan, giáo viên đứng ở vị trí nào?

Trong giáo dục cũng như hướng nghiệp cho con cái, anh Dũng cho rằng, gia đình là quan trọng và đóng vai trò tiên quyết. Những vấn đề về giáo dục con cái, các kỹ năng, thói quen tốt, phần lớn do cha mẹ tạo nên.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương cũng chia sẻ những câu chuyện về việc sinh viên chọn sai ngành nghề, khiến họ phải hao tốn tiền của, công sức, thời gian để định hướng lại.

Trong đó, có một phần lỗi không nhỏ của các bậc phụ huynh khi “bỏ quên” vấn đề hướng nghiệp cho con.

TẤN TÀI