Hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc cấp bách quy hoạch trường sư phạm để "siết" chất lượng, số lượng.
Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội - thầy Nguyễn Văn Minh đề xuất xây dựng hệ thống trường sư phạm của Việt Nam gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở.
Chia sẻ thêm về đề xuất này, thầy Minh đưa ra kinh nghiệm của một số nước về đào tạo giáo viên để từ đó Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng phù hợp.
Thầy Minh nêu cụ thể:
Tại Mỹ
Ngày nay ở một số bang của Mỹ, chỉ có gần một nửa giáo viên mới vào nghề là sinh viên sư phạm tốt nghiệp từ các trường sư phạm theo kiểu truyền thống.
Một số nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng các trường sư phạm và các chương trình đào tạo giáo viên truyền thống đã tỏ ra thất bại trong việc tạo ra những “sản phẩm” chất lượng cao theo yêu cầu được nêu trong Luật.
Hàng năm số thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm ở các trường đại học tại Phần Lan rất lớn và chỉ khoảng 1/10 số ứng viên đăng ký được chọn. (Ảnh minh họa: Sông Hồng) |
Họ cho rằng các giáo viên chuyên nghiệp này thực ra chỉ sử dụng rất ít những gì họ học được trong trường sư phạm vào việc giảng dạy thực tế và như vậy quả là lãng phí.
Chính vì lẽ đó, trong thập kỷ vừa qua, những chương trình đào tạo theo kiểu truyền thống đã có những chiến lược cải cách nhằm bảo đảm mọi giáo viên đều am hiểu cặn kẽ bộ môn mà mình phụ trách, cũng như am hiểu cách học của học sinh, biết sử dụng những kỹ thuật dạy học hiện đại một cách có hiệu quả, và có thể hợp tác với đồng nghiệp trong việc tạo nên một môi trường học tập phong phú cho học sinh.
Tại Úc
Đào tạo giáo viên của Úc thay đổi qua nhiều thời kỳ và các chương trình đào tạo giáo viên đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu đào tạo và chú trọng nghiên cứu, đổi mới các phương pháp giáo dục và học tập trong đào tạo giáo viên.
Úc chưa có trường chuyên đào tạo giáo viên cho giáo dục kỹ thuật và dạy nghề, chủ yếu đào tạo theo mô hình nối tiếp (Giáo dục phổ thông – giáo dục kỹ thuật và dạy nghề - giáo dục đại học).
Ở Úc hiện nay có tới 62 trường đại học có khoa học ngành đào tạo giáo viên, điểm đầu vào được từng trường quy định thường là điểm kết quả các bài thi năm cuối cấp cộng với điểm đánh giá năng lực.
Các chương trình đào tạo giáo viên của Úc được xây dựng phải có luận chứng để trình duyệt, thẩm định theo quy định.
Cấu trúc chương trình gồm kiến thức chuyên ngành, phương pháp giáo dục, kiến thức, kỹ năng sư phạm, thực hành giảng dạy chuyên ngành…
Chương trình đào tạo giáo viên ở Úc có: Chương trình quốc gia, chương trình khu vực và cuối cùng là chương trình nhà trường, có nhiều bộ sách giáo khoa để được lựa chọn, các bộ sách giáo khoa đều được viết dựa vào chương trình quốc gia, chương trình khu vực, chính vì vậy có những Bang sẽ sử dụng riêng một bộ sách giáo khoa.
Tại Phần Lan
Giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục Phần Lan.
Để có được đội ngũ giáo viên có chất lượng, từ năm 1974 việc đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được thực hiện ở các trường đại học.
Năm 1979 việc đổi mới giáo dục đại học được thực hiện, bằng cấp trong lĩnh vực giáo dục có giá trị cao.
Từ đó, giáo viên tốt nghiệp được cấp bằng thạc sĩ, trong đó các giáo viên dạy từ lớp 1đến lớp 6 dạy chung các môn, còn giáo viên dạy từ lớp 7 đến 12 dạy các môn riêng biệt.
Từ năm 1995, giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo cũng được đào tạo ở trường đại học.
Điểm đặc biệt của việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan là từ giáo viên tiểu học đến giáo viên trung học đều phải học có bằng thạc sĩ. Còn giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo cần có bằng cử nhân.
• Quy trình xét tuyển
Giáo viên là nghề được đề cao và tôn trọng trong xã hội Phần Lan. Vì thế, hàng năm số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm ở các trường đại học rất lớn và chỉ khoảng một phần mười trong số ứng viên đăng ký được chọn lựa (Pasi Sahlberg, 2016).
Việc tuyển chọn thí sinh do các trường đào tạo phụ trách và được tiến hành một cách kỹ lưỡng qua hai giai đoạn:
– Giai đoạn 1, ban tuyển sinh sẽ lựa chọn sinh viên trong danh sách đăng ký một số lượng nhiều gấp 4 hoặc 5 lần số chỉ tiêu đào tạo dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và điểm số các môn trong các năm học cuối cấp của các thí sinh.
Những thí sinh có kinh nghiệm làm việc với trẻ em có thể được cộng thêm điểm.
- Giai đoạn hai gồm ba bước, bắt đầu bằng một bài thi viết dựa trên một cuốn sách được chọn, tiếp theo là một bài thi tương tác xã hội và kỹ năng giao tiếp.
Cuối cùng là một bài phỏng vấn trực tiếp với ban giám khảo xung quanh lý do muốn trở thành giáo viên của thí sinh.
Việc tuyển chọn còn bao gồm cả những kiểm tra về sức khỏe. Vấn đề đạo đức, lối sống cũng rất được coi trọng trong suốt quá trình đào tạo.
Các sinh viên được tiếp tục việc học nếu duy trì những thói quen ứng xử và lối sống hàng ngày không chỉ trong phạm vi trường học mà cả ngoài giờ học và ở ngoài trường học.
Chẳng hạn việc đi quán bar, sàn nhảy hay hút thuốc trước đây bị cấm và nếu vi phạm sẽ bị đuổi.
Giáo viên các trường dạy nghề: được đào tạo ở năm trường đào tạo giáo viên liên kết với các đại học thực hành. Việc đào tạo giáo viên dạy nghề có thể được thực hiện dưới hai hình thức: toàn bộ thời gian và bán thời gian (kết hợp học với làm).
Trình độ của giáo viên dạy nghề được đánh giá dựa trên bằng cấp và kinh nghiệm công việc.
Trình độ chuyên môn cao của ngành sư phạm ngoài việc đảm bảo cho những người học không chỉ có trình độ chuyên môn tốt, làm chủ công việc giảng dạy trong ngành giáo dục mà còn giúp họ dễ dàng tìm được việc làm khác.
Tại Pháp
Ở Pháp, trước năm 1989, việc đào tạo giáo viên do các trường sư phạm đảm nhận. Từ năm1989, Pháp thành lập các Học viện Đại học đào tạo giáo viên (IUFM).
Trước đây, hệ thống giáo dục đại học của Pháp chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 gồm hai năm đầu tương đương giáo dục đại cương;
Giai đoạn 2 gồm hai năm tiếp theo tương đương đào tạo nghề nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên sẽ có bằng Cử nhân và có thể được bổ nhiệm làm giáo viên chính thức.
Giáo sư người Đan Mạch khuyên giáo viên Việt Nam ...lười đi một chút |
Tuy nhiên, hiện nay, để thống nhất với các hệ thống giáo dục khác ở Châu Âu, Pháp đã chuyển sang mô hình LMD (Licence – Master – Doctorat), nghĩa là để trở thành giáo viên, sinh viên phải trải qua đào tạo bậc Cử nhân (L), sau đó phải qua bậc đào tạo Thạc sĩ (M) ở Học viện Đại học đào tạo giáo viên thì mới được Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp công nhận và bổ nhiệm vào ngạch giáo viên.
Như vậy, các giáo viên muốn trở thành giáo viên chính thức của hệ thống Giáo dục Pháp phải có bằng thạc sĩ.
Bộ Giáo dục dự định sẽ có hai loại thạc sĩ: với giáo viên tiểu học, cố vấn giáo dục, các nhà tâm lý học đường – thạc sĩ chuyên biệt và đa ngành; với giáo viên phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông): thạc sĩ chuyên ngành cộng với các mô-đun về dạy học.
Tại Đức
Mô hình đào tạo giáo viên ở Đức trước năm 1980 tiến hành trong các trường đại học sư phạm. Sau đó, các trường đại học được tích hợp vào các trường đại học đa ngành.
Từ đó đến nay, giáo viên được đào tạo trong các trường đại học đa ngành. Có một số ít bang như Baden – Wüttemberg đến nay vẫn tồn tại các trường sư phạm độc lập nhưng chỉ đào tạo các loại hình giáo viên cho các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Giáo viên được đào tạo theo cấp học và theo loại hình trường. Cũng có những giáo viên được đào tạo cho 2 cấp hoặc cho nhiều loại hình trường ở bậc trung học cơ sở.
Giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông được đào tạo cho hai môn học chuyên ngành, trong đó có phân biệt môn thứ nhất và môn thứ hai với tỷ trọng thời gian đào tạo khác nhau. Mô hình đào tạo giáo viên tích hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành.
Ngay từ những năm đầu của các khóa đào tạo giáo viên, bên cạnh các môn học chuyên ngành, sinh viên được học về các môn khoa học giáo dục và thực tiễn trường học.
Đào tạo giáo viên được diễn ra trong 2 giai đoạn: Quá trình đào tạo giáo viên trong trường đại học được gọi là giai đoạn 1, sau kì thi tốt nghiệp với kỳ thi quốc gia thứ nhất, các giáo viên mới ra trường này được tham gia vào giai đoạn đào tạo giáo viên tập sự của các bang.
Tại Nhật Bản
Đến năm 2014, theo tác giả Mai Quang Huy, “Nhật Bản có khoảng 800 trường đại học (bao gồm cả các trường, khoa sau đại học) và cao đẳng có các chương trình đào tạo giáo viên”.
Ba đặc điểm cơ bản trong mô hình đào tạo giáo viên của Nhật Bản từ nửa sau thế kỉ XX là:
“Thứ nhất, đào tạo giáo viên được tiến hành trong các trường đại học đa ngành. Để trở thành giáo viên, điều đầu tiên là ứng viên phải hoàn thành một chương trình giáo dục đại học.
Thứ hai, đào tạo giáo viên được tiến hành trong một hệ thống mở: các cơ sở giáo dục đại học nếu có đủ điều kiện đều được tổ chức các khóa đào tạo phần chuyên môn và nghiệp vụ chuẩn bị cho việc thi lấy chứng chỉ dạy học.
Thứ ba, dựa trên hệ thống chứng chỉ: để trở thành giáo viên sau khi học xong các chương trình đào tạo phải tham dự một bài thi lấy chứng chỉ dạy học do Hội đồng Giáo dục tỉnh thành tổ chức”.
Đến đầu thế kỉ XXI, các văn kiện trình bày về đào tạo giáo viên và hệ thống chứng chỉ dạy học trong tương lai vẫn tiếp tục xác định các nguyên tắc cơ bản của đào tạo giáo viên đó là: “đào tạo giáo viên trong các trường đại học” và “đào tạo giáo viên trong một hệ thống mở”, dựa trên các chứng chỉ dạy học.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhật Bản tập trung cải tiến các tiêu chuẩn chất lượng trong các chương trình đào tạo giáo viên và xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên ở trình độ sau đại học.
Yêu cầu bắt buộc để trở thành giáo viên ở Nhật Bản là phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo dục đại học hoặc thạc sĩ và hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên được quy định trong Luật Chứng chỉ nhân sự Giáo dục, và tham gia kì thi cấp chứng chỉ dạy học do Hội đồng Giáo dục các tỉnh, thành tổ chức.
Các chứng chỉ dạy học được chia theo cấp học, giáo viên ở các trường liên cấp có thể dạy ở nhiều cấp học nếu có đủ chứng chỉ dạy học tương ứng với các cấp học đó.
Sinh viên các ngành có thể đăng ký theo học chương trình lấy chứng chỉ dạy học đồng thời với việc theo học chương trình chính thức họ đang theo học. Sinh viên cũng có thể theo học lấy đồng thời ba chứng chỉ dạy ở ba cấp học của giáo dục phổ thông trong thời gian 4 năm học như tại Đại học Chiba.
Các trường phổ thông trực thuộc trường sư phạm được chú ý và xác định rõ vai trò trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và là cơ sở để giáo sinh chủ động thực hiện chương trình rèn luyện thực tế.
Tại Singapore
Singapore duy trì quản lí tập trung hệ thống đào tạo giáo viên. NIE là một đơn vị thành viên của Đại học Công nghệ Nanyang - NTU (Singapore);
Là đơn vị tự chủ về tài chính nhưng chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của NTU và nhận kinh phí tài trợ chủ yếu từ Bộ Giáo dục Singapore cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; là đơn vị duy nhất ở Singapore có chức năng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Trong xây dựng chương trình đào tạo, NIE chủ động xây dựng, đề xuất chương trình và triển khai khi có sự tán thành từ NTU; văn bằng, chứng chỉ cho học viên của NIE do NTU cấp.
Singapore quản lí tập trung hệ thống sư phạm, đào tạo dựa trên cân bằng cung và cầu. Sinh viên do Bộ Giáo dục tuyển chọn sẽ có sự đảm bảo về việc làm.
Với cách làm này, Singapore tuyển sinh vào sư phạm được sinh viên trong tốp 30% học sinh giỏi nhất. Đào tạo có qui hoạch cân đối cung-cầu là giải pháp để đầu tư kinh phí cao cho đào tạo mỗi sinh viên sư phạm.