Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày?

19/05/2018 07:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Hà Nội "mọc" ra trường chất lượng cao, dùng ngân sách đầu tư cho một số trường có dịch vụ giáo dục cao và chi phí thấp, tạo nên vòng xoáy luyện thi đêm ngày.

Ngày 16/5, Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam phát phóng sự "Lò" luyện thi vào lớp 6 mọc lên như nấm, áp lực thi cử thêm nặng nề, phản ánh tình trạng các em học sinh chuẩn bị vào lớp 6 tại trung tâm thủ đô đang phải "học ngày, cày đêm".

VTV cho biết, công văn mới nhất mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi tới các quận, huyện nhấn mạnh: 

"Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh phải đảm bảo không gây áp lực thi cử cho các em, không tạo việc dạy thêm học thêm".

Ảnh minh họa chụp màn hình chương trình Vấn đề hôm nay, VTV.vn ngày 17/5/2018.
Ảnh minh họa chụp màn hình chương trình Vấn đề hôm nay, VTV.vn ngày 17/5/2018.

Mong muốn như vậy nhưng trên thực tế, tình trạng dạy thêm, học thêm, luyện thi vào lớp 6 đang diễn ra tràn lan tại nhiều nơi, khiến áp lực của kỳ thi càng trở nên nặng nề. [1]

Tại sao "đặc sản luyện thi tuyển sinh lớp 6" chỉ Hà Nội mới có?

Tháng Sáu hàng năm luôn được ví như "tháng củ mật" đối với ngành giáo dục, vì khoảng thời gian này tập trung rất nhiều kỳ thi, kiểm tra. 

Năm nay tháng Sáu trở nên "bức bối" hơn tại Hà Nội vì kỳ thi tuyển sinh đầu cấp nghẹt thở tại 10 trường trung học cơ sở chất lượng cao, dẫn đến tình trạng bùng phát lò luyện, học thêm tối ngày như VTV phản ánh.

Ngày 8/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019. 

Theo đó, 16 trường có lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được tuyển sinh vào lớp 6 bằng phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. 

Cụ thể, 10 trường trung học cơ sở công lập được kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 gồm: 

Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày? ảnh 2

3 cách giảm áp lực sĩ số trường công Hà Nội hiệu quả, không tốn ngân sách

Trung học cơ sở Cầu Giấy; hệ trung học cơ sở của trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam; Trung học cơ sở Nam Từ Liêm; Trung học cơ sở Chu Văn An (Thanh Trì); Trung học cơ sở Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ); 

Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), Trung học cơ sở Thị Việt Hưng (Long Biên); Trung học cơ sở Trưng Vương (Mê Linh), Trung học cơ sở Sơn Tây, Trung học cơ sở Thanh Xuân. [2]

Những trường "chất lượng cao" này gây sốt mỗi mùa tuyển sinh tại Hà Nội vì đâu? Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam được Báo Thanh Niên dẫn lời, cho biết:

"Nếu vẫn cho phép các trường trung học cơ sở công lập được vận hành theo cơ chế trường chất lượng cao kiểu như hiện nay, nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, phụ huynh sẽ thấy việc đóng tiền ít hưởng dịch vụ giáo dục cao là một lợi thế và việc căng thẳng đầu vào sẽ khó tránh khỏi." [3]

Hà Nội đang quạt cho chiếc lò học thêm thêm nóng bằng "chương trình đào tạo song bằng".

Ngày 18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo công bố mẫu đơn đăng ký vào lớp 6 chương trình song bằng tại 7 trường trung học cơ sở:

Trung học cơ sở Chu Văn An, Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trung học cơ sở Cầu Giấy, Trung học cơ sở Nghĩa Tân, Trung học cơ sở Trưng Vương, Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, Trung học cơ sở Thanh Xuân.

Thí sinh đăng ký vào lớp 6 chương trình song bằng sẽ phải dự kiểm tra ở hai môn Tiếng Anh và Toán bằng Tiếng Anh.

Lịch luyện thi dày đặc của một trung tâm luyện thi cho học sinh lớp 5 Hà Nội chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 6 trong phóng sự của VTV.
Lịch luyện thi dày đặc của một trung tâm luyện thi cho học sinh lớp 5 Hà Nội chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 6 trong phóng sự của VTV.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, chương trình song bằng cấp trung học cơ sở giúp học sinh đạt chuẩn học thuật chương trình quốc tế Cambridge, một trong những chương trình giáo dục chuẩn quốc tế hàng đầu thế giới mà không phải sống xa gia đình trong lứa tuổi vị thành niên, đồng thời gia đình không phải chi trả mức học phí lớn. [4]

Đây chính là động lực đẩy các em học sinh lớp 5 nội thành Hà Nội lao vào các lò luyện thi học đêm học ngày, mà không thấy ở các địa phương khác, ngay cả thành phố Hồ Chí Minh đất chật người đông không kém gì Hà Nội.

Hà Nội quyết tâm "né" Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII?

Năm 1996, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, ra đời.

Nghị quyết này đã chỉ rõ: Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học. Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường nǎng khiếu về nghệ thuật và thể thao.  [5]

Trong bài "Hệ lụy trường chuyên, lớp chọn" đăng ngày 24/6/2015, Báo Sài Gòn Giải phóng cho biết:

Cách đây gần 20 năm, mô hình trường chuyên lớp chọn ở bậc tiểu học, trung học cơ sở đã bị xóa bỏ theo Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. 

Thế nhưng, với mục đích tạo nguồn cho trường chuyên ở bậc trung học phổ thông, nhiều địa phương vẫn tổ chức trường chuyên lớp chọn ở bậc trung học cơ sở. 

Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày? ảnh 4

Cấp phép tuyển sinh trường tư, Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa?

Vì thế, loại hình này vẫn tồn tại “chui” ở nhiều tỉnh, thành phố và nơi này học tập nơi kia để phát triển, nhân rộng nó...

Hết mùa tuyển sinh vào lớp 6 này đến mùa tuyển sinh khác, hàng ngàn thí sinh lớp 5 đủ mác học giỏi suốt 5 năm tiểu học phải ứng thí với kỳ thi có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng tựa thi đại học (chọi 1/7 hoặc cao hơn). [6]

Ngành giáo dục Hà Nội dường như đi tiên phong trong việc mở trường chuyên, lớp chọn "chui" dưới dạng "chất lượng cao", như Báo Sài Gòn Giải phóng đã gọi tên.

Ngày 24/06/2013, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục phổ thông chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao (Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật Thủ đô). [7]

Quyết định này được ban hành theo tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 4951/TTr-SGD&ĐT, càng làm cho cuộc đua vào các trường chuyên, lớp chọn dưới tên gọi mới ngày càng khốc liệt.

Năm 2014, trường chuyên Hà Nội-Amsterdam chỉ lấy 200 học sinh nhưng có tới hơn 4.150 thí sinh đăng ký dự thi; Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành có hơn 2.600 học sinh đăng ký thi; Trung học cơ sở Cầu Giấy có 2.020 em thi vào lớp 6…[8]

Trong cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie ngày 17/5 vừa qua, biên tập viên chuyên mục Vấn đề hôm nay của VTV cũng đã nhận thấy:

Giáo dục Phần Lan tuyệt vời, không có áp lực thi cử vì Phần Lan không có trường chuyên lớp chọn. Còn giáo dục Hà Nội cứ luẩn quẩn với các kỳ thì, cũng chỉ vì trường chuyên lớp chọn, bây giờ được gọi là trường chất lượng cao. [9]

Chính thực tế này đã dẫn đến "lệnh cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6" của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015 và nhiều hệ lụy phức tạp, chúng tôi xin phân tích trong bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vtv.vn/giao-duc/tran-lan-lop-luyen-thi-vao-lop-6-20180515193020239.htm

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/tre-luyen-thi-cap-toc-gianh-suat-vao-lop-6-truong-top-o-ha-noi-3751224.html

[3]https://thanhnien.vn/giao-duc/thi-hay-khong-thi-vao-lop-6-906525.html

[4]http://giadinh.net.vn/giao-duc/ha-noi-cong-bo-mau-don-dang-ky-vao-lop-6-thcs-he-song-bang-20180518220102787.htm

[5]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/nghi-quyet-hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-viii/doc-3925201510285446.html

[6]http://www.sggp.org.vn/he-luy-truong-chuyen-lop-chon-349504.html

[7]http://vanban.hanoi.gov.vn/documents/10182/12079/DLFE-31628.pdf

[8]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-tuyet-doi-khong-to-chuc-thi-tuyen-vao-lop-6-3158734.html

[9]http://vtv.vn/giao-duc/khong-nen-gay-ap-luc-thi-cu-cho-cac-em-hoc-sinh-vao-lop-6-20180517040710407.htm

Hồng Thủy