Học ngành Khoa học quản lý có phải để làm lãnh đạo?

29/02/2024 06:45
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học ngành Khoa học quản lý có những khó khăn nhất định. Một số môn học trong ngành này đòi hỏi sự tập trung cao trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Khi nhắc đến đào tạo quản lý, mọi người vẫn thường nghĩ đây là một hoạt động đào tạo kỹ năng dành cho những người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc như các cán bộ cao cấp, lãnh đạo,… Nhưng hiện nay đã có một số trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành Khoa học quản lý.

Sinh viên liệu đã đủ “chín” để học quản lý hay chưa?

Ở Việt Nam, ngành Khoa học quản lý (Management Science) được tiếp cận dưới góc độ là một ngành chuyên đào tạo về quản lý như: nguyên tắc quản lý, phương pháp quản lý, chức năng quản lý và quyết định quản lý để áp dụng vào thực tế công việc sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Theo học ngành này, sinh viên sẽ hiểu rõ các phạm trù của khoa học quản lý và nắm vững quy luật quản lý để từ đó có cơ sở nhận thức một cách đúng đắn về ngành nghề này và áp dụng vào công việc sau khi tốt nghiệp.

Tùy vào mục tiêu riêng mà mỗi trường sẽ có định hướng chuyên ngành đào tạo khác nhau.

887a75d0c535686b3124.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hải Hà – Trưởng khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hải Hà – Trưởng khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Khoa học quản lý từ năm 2018 và đây là ngành được phát triển trên cơ sở chuyên ngành đào tạo Quản lý kinh tế (đã tuyển sinh bậc đại học từ năm 1996).

Bên cạnh mục tiêu đào tạo chung dựa trên triết lý giáo dục của nhà trường, ngành Khoa học quản lý của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng hướng tới việc đào tạo các nhà quản lý kinh tế ở trình độ cao, có bản lĩnh và trí tuệ tốt để ứng xử với các thay đổi, biến động của môi trường kinh tế ngày nay, nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức trên thị trường lao động”.

Khi nói đến việc liệu đối tượng là sinh viên đã đủ “chín” để học kiến thức liên quan đến Khoa học quản lý hay chưa, Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà nhận định, trước hết, phải khẳng định đào tạo quản lý là một trong 03 trụ cột truyền thống của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân “Kinh tế - Quản lý – Quản trị kinh doanh”.

Sinh viên vào học ngành học này cũng như bất kỳ chương trình đào tạo nào khác của trường cũng đều được trang bị những kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, khoa học tự nhiên, kinh doanh và quản lý; kỹ năng phân tích, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Khoa học quản lý còn được trang bị sâu hơn kiến thức, kỹ năng thực tiễn trong quản lý tổ chức, quản lý nhà nước về kinh tế nhằm giúp các em có được những năng lực cần thiết của một nhà quản lý.

Như vậy có nghĩa là, sinh viên được đào tạo trên một lộ trình khoa học, phù hợp, đủ để các em tích hợp được từ các kiến thức cơ bản, đại cương (ở năm thứ 1, 2), đến kiến thức cơ sở ngành và chuyên sâu (ở năm thứ 3, 4)”.

Hơn nữa, với khả năng tư duy, độ nhạy bén, năng lực cập nhật kiến thức và khoa học công nghệ hiện đại cùng với môi trường đào tạo tốt sẽ hỗ trợ các bạn sinh viên đủ độ “chín” để tiếp thu kiến thức, trau dồi kinh nghiệm và năng lực bản thân ngay trên ghế nhà trường.

Các kiến thức, kỹ năng được trang bị là nền tảng cần thiết để sinh viên có thể quản lý hiệu quả công việc của bản thân dù ở bất kỳ vị trí việc làm nào.

Là cựu sinh viên của một cơ sở giáo dục đại học khác, bạn Hồ Ngọc Tân – Thủ khoa đầu ra chương trình Đào tạo Chất lượng cao khoa Khoa học Quản lý, khóa QH – 2019 – X, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Việc học kiến thức quản lý từ sớm có thể giúp mình và các bạn trẻ áp dụng ngay vào những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống như: kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giao tiếp,... ".

0b8b6f8a4caee1f0b8bf.jpg
Bạn bạn Hồ Ngọc Tân – Thủ khoa đầu ra chương trình Đào tạo Chất lượng cao khoa Khoa học Quản lý, khóa QH – 2019 – X, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm về những điểm thú vị khi học Khoa học quản lý, Tân cho rằng, nhiều chương trình học chuyên ngành của Khoa học quản lý đặc biệt tập trung vào việc áp dụng kiến thức vào thực tế, thông qua dự án nghiên cứu, thực tập và các hoạt động thực hành khác nhau. Điều này làm cho việc học tập trở nên thú vị hơn vì sinh viên có thể nhìn thấy và áp dụng ngay kiến thức.

Tuy nhiên, với nam sinh này, học Khoa học quản lý cũng có những khó khăn nhất định. Trước hết, phải nói đến độ phức tạp của môn học. Một số môn học trong ngành Khoa học quản lý đòi hỏi sự tập trung cao trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Ngành học này cũng bao quát về nhiều lĩnh vực khác nhau như marketing, quản lý chiến lược, quản lý dự án, và quản lý tài chính... Điều này có thể tạo ra khó khăn cho sinh viên khi chưa quen với cách tự học, tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nguồn tài liệu,…; đòi hỏi tính tự giác lớn của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng/ thực hành các học phần cũng rất quan trọng. Nếu người học không nghiêm túc học tập để hiểu bản chất vấn đề và có cơ hội ứng dụng kiến thức vào thực tế sẽ dễ bị quá tải, khiến việc học trở nên phức tạp.

Ngoài ra, ngành Khoa học quản lý cũng đang thu hút một số lượng lớn sinh viên, do đó sự cạnh tranh trong việc tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cũng rất cao”.

Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà cho biết: “Thách thức lớn nhất đối với người học là vượt qua được tư duy học tập ở bậc trung học phổ thông, để các em có thể bắt nhịp nhanh chóng với bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong giảng dạy, nghiên cứu ở bậc đại học. Do đó, sinh viên cần phải thích nghi sớm và sử dụng tốt ngoại ngữ, cũng như các ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, việc bố trí thời gian và kế hoạch học tập, nghiên cứu khoa học, trau dồi kinh nghiệm, sớm thích nghi với phương pháp giảng dạy Seminar/Lecturer cũng là thách thức đối với các em”.

23.jpg
Khoa Khoa học quản lý - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm nghiên cứu khoa học và các chương trình thực tập, thực tế tại nhiều doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường nghiên cứu, làm việc. Ảnh: NTCC

Để bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn về ngành học này, phóng viên đã thống kê điểm chuẩn tuyển sinh đại học (hệ chuẩn) ngành Khoa học quản lý của 2 cơ sở giáo dục đại học uy tín là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong 5 năm (từ 2029 – 2023) như sau:

32a3cb4159a4f4faadb5.jpg
Điểm chuẩn tuyển sinh đại học (hệ chuẩn) ngành Khoa học quản lý của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong 5 năm (từ 2029 – 2023).

Kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên ngành Khoa học quản lý tốt nghiệp đã có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo Đề án tuyển sinh năm 2024 là 93,42% (số liệu được cập nhật tại thời điểm ngày 31/12/2022); còn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội theo Đề án tuyển sinh năm 2023 là 96,15% (Thống kê dựa trên 847/1290 sinh viên đã tốt nghiệp có phản hồi khảo sát việc làm).

Học Khoa học quản lý có nhất định phải làm quản lý?

Từ góc độ của một sinh viên đã ra trường và bước chân vào thị trường lao động, Ngọc Tân cũng cho biết thêm: “Việc học Khoa học quản lý mở ra cơ hội nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có nhiều tiềm năng để phát triển sự nghiệp.

Ngành học này đa dạng về lĩnh vực làm việc, giúp sinh viên tìm kiếm được việc làm ở cả các cơ quan hành chính nhà nước, đến các tổ chức phi lợi nhuận, hay các doanh nghiệp tư nhân, công ty đa quốc gia…

Với kiến thức vững về quản lý và kỹ năng lãnh đạo, người học sẽ có nhiều hướng phát triển công việc, như bắt đầu làm việc từ một vị trí thấp rồi thăng tiến dần trong tương lai, hoặc cũng có thể tự thành lập công ty/doanh nghiệp riêng.

Cá nhân mình hiện nay đang làm trong lĩnh vực In-house Marketing và truyền thông nội bộ. Mình nhận thấy, những kiến thức nền tảng về Khoa học Quản lý mà mình được học trong trường đã đáp ứng được khoảng 80% công việc hiện tại, đặc biệt bổ trợ về tư duy hiểu biết, tiếp cận và quản lý các vấn đề, nâng cao hiệu suất công việc. Còn lại sẽ là những kiến thức chuyên môn riêng của lĩnh vực làm việc và các kỹ năng mềm khác của bản thân”.

Bên cạnh đó, khi mới ra trường tìm kiếm việc làm, Tân cũng khảo sát thông tin về cơ hội việc làm và mức lương của sinh viên ngành học này. Theo đó, mức lương khởi điểm của ngành Khoa học dao động từ 6 - 15 triệu đồng (tùy thuộc vào vị trí công tác, kinh nghiệm thực tập và trình độ khác của các bạn sinh viên mới ra trường).

Còn mức lương khởi điểm của ngành nghề Tân đang làm là từ 10 - 15 triệu đồng.

Trưởng khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin thêm: “Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành học này cũng vô cùng đa dạng, ở nhiều vị trí khác nhau.

Đặc biệt, đối với cử nhân Quản lý kinh tế, ngành Khoa học quản lý do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang đào tạo, sẽ có lợi thế lớn hơn để trở thành công chức, cán bộ quản lý kinh tế trong các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế ở trung ương và địa phương; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; nhà quản lý, tư vấn viên trong các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp,…”.

Anh Bùi Tuấn Minh – CEO Công ty TNHH Phân phối Sản phẩm cao cấp LPD, Thương hiệu chuỗi cửa hàng Galle Watch – đơn vị sử dụng lao động có tuyển dụng sinh viên học ngành Khoa học quản lý đã chia sẻ về lý do anh lựa chọn sinh viên ngành học này vào làm việc tại các vị trí của công ty như sau:

“Bản thân tôi là người tốt nghiệp ngành Khoa học quản lý (Quản lý kinh tế trước đây), nên tôi hiểu được những giá trị và khác biệt của ngành này. Cũng từ thực tiễn tuyển dụng nhân sự, tôi đánh giá sinh viên ngành Khoa học quản lý có kiến thức tổng quan về pháp luật, kinh tế xã hội, kinh doanh khá tốt;

Đồng thời, có năng lực quản lý tổ chức và năng lực phân tích các chính sách/ yếu tố kinh tế - xã hội tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Ngoài ra, các bạn chăm chỉ, nhiệt tình, lăn xả trong công việc”.

3be009b105aea8f0f1bf.jpg
Doanh nhân Bùi Tuấn Minh – CEO Công ty TNHH Phân phối Sản phẩm cao cấp LPD, Thương hiệu chuỗi cửa hàng Galle Watch – đơn vị sử dụng lao động có tuyển dụng sinh viên học ngành Khoa học quản lý. Ảnh: NVCC

Cũng theo anh Minh, hiện nay, Công ty TNHH Phân phối Sản phẩm cao cấp LPD đang áp dụng Bộ tiêu chí Khung năng lực trong việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân sự.

Theo đó, nhân sự trước hết phải có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, tư duy tích cực, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của công ty; tiếp đến là phải có được các kiến thức và kỹ năng phù hợp với từng vị trí tuyển dụng.

“Sinh viên ngành Khoa học quản lý cơ bản đáp ứng được các yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để lên được các vị trí cao hơn và đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp, các bạn cần không ngừng học hỏi kiến thức, kỹ năng mới (đặc biệt là trình độ ngoại ngữ - vì đây còn là một điểm hạn chế) và cần cải thiện năng lực giải quyết vấn đề” – anh Minh thông tin thêm.

Hiện nay, sinh viên học ngành Khoa học quản lý đã và đang giữ nhiều vị trí quản lý tại Công ty TNHH Phân phối Sản phẩm cao cấp LPD như giám đốc kinh doanh, quản lý dự án, quản lý hàng hóa và thương hiệu…

Còn với sinh viên mới ra trường, các bạn có thể làm ở các vị trí như thấp hơn như chuyên viên hàng hóa và thương hiệu, chuyên viên nhân sự hành chính, chuyên viên dự án, trợ lý giám đốc,...

Anh Minh cho rằng: “Hàng năm, công ty của chúng tôi đều có chương trình đào tạo “Phát triển bản thân” áp dụng cho toàn bộ nhân viên từ các vị trí thấp đến cao. Nội dung chính của chương trình này giúp cho học viên học và hiểu được việc "quản lý chính bản thân” – là việc thiết lập mục tiêu, quản lý thời gian, quản lý công việc.., sau đó hướng đến quản lý đội nhóm.

Vì thế theo tôi, việc sinh viên có được những kiến thức này từ sớm sẽ rất tốt. Đối với sinh viên ngành Khoa học quản lý, các bạn được học nhiều về những phương pháp, nguyên tắc, chức năng quản lý từ việc lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện, giám sát... cộng thêm những kiến thức chuyên ngành.

Đây là những kiến thức chung áp dụng cho mọi vị trí công việc, nếu thực hành tốt cộng thêm kỹ năng mềm và kiến thức chuyên ngành tốt thì hiệu quả công việc sẽ càng tốt hơn, có cơ hội thăng tiến lớn trong môi trường làm việc”.

Kim Minh Châu