Học phí 10.000 USD/năm, Đại học Luật Hà Nội chưa kiểm định CTLK dù cấp song bằng

01/03/2024 06:29
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội, Luật số 34 quy định chung về kiểm định CTLKĐT mà chưa có sự phân tách giữa đồng cấp bằng với song bằng nên dẫn đến bất hợp lý.

Trong danh sách các chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật đến ngày 31/01/2024, Trường Đại học Luật Hà Nội có 04 chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng, kiểm định, song trong số đó chưa có tên chương trình liên kết dù đã có khóa sinh viên tốt nghiệp.

Theo thông tin trên website (cập nhật ngày 11/4/2022), Trường Đại học Luật Hà Nội mở rộng hợp tác liên kết đào tạo cử nhân ngành Luật với Đại học Arizona, Hoa Kỳ.

GDVN_HLU 1.jpg
Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Ngân Chi.

Học phí chương trình liên kết 10.000 USD/năm

Chia sẻ về chương trình liên kết với Đại học Arizona (Hoa Kỳ), bà Vũ Nga - chuyên viên Phòng Hành chính - Tổng hợp (Trường Đại học Luật Hà Nội) đã có thông tin trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, bà Nga cho biết: Chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành Luật với Đại học Arizona được triển khai từ năm học 2019-2020 theo Quyết định số 1223/QĐ-BGDĐT ngày 07/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Phê duyệt liên kết đào tạo đại học ngành Luật giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Arizona (Hoa Kỳ).

“Học chương trình này, sinh viên tốt nghiệp đáp ứng điều kiện cấp bằng của mỗi bên thì sẽ được cấp hai bằng: Văn bằng Cử nhân luật do Trường Đại học Luật Hà Nội cấp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; Văn bằng Bachelor of Arts in Law (BA in Law) - Cử nhân ngành Luật do Đại học Arizona (Hoa Kỳ) cấp tuân thủ theo quy định pháp luật của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Ngoài ra, chương trình được thiết kế cho sinh viên có thể học toàn bộ thời gian (4 năm) tại Việt Nam hoặc một phần ở Việt Nam và một phần tại Đại học Arizona. Thời gian học tại Arizona tối đa là 4 học kỳ. Hình thức đào tạo là chính quy tại cả hai trường” - bà Nga cho biết.

Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của chương trình liên kết đào tạo quốc tế là 100. Tình hình tuyển sinh trong hai năm gần nhất cụ thể như sau: Năm 2022, trường tuyển được 33 sinh viên; năm 2023, trường tuyển được 26 sinh viên.

Trước băn khoăn về việc điểm trúng tuyển của sinh viên chương trình liên kết thường thấp hơn nhiều so với hệ đại trà, bà Vũ Nga lý giải: “Chương trình liên kết đào tạo được xét tuyển theo phương thức riêng, độc lập với phương thức xét tuyển các ngành/chương trình khác. Chương trình liên kết đào tạo xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Tiêu chí xét tuyển được quy đổi ra điểm xét tuyển; điểm trúng tuyển dựa trên điểm xét tuyển của chương trình nên không thể nói là điểm trúng tuyển của chương trình liên kết đào tạo thấp hơn so với điểm trúng tuyển của các ngành khác”.

Trên thực tế, đối với một số chương trình liên kết được cấp song bằng, thường gặp khó khăn trong chuyển đổi tín chỉ. Tuy nhiên, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định: “Khi xây dựng chương trình đào tạo, hai trường đã rà soát từng môn học của mỗi bên về nội dung, thời lượng và thống nhất về số tín chỉ để công nhận và quy đổi tín chỉ nên chúng tôi không gặp vướng mắc về vấn đề này”.

Theo thông tin từ website nhà trường, học phí chương trình liên kết đào tạo quốc tế được thông báo là 10.000 USD/năm.

Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Học phí xác định căn cứ trên các chi phí cần thiết cho việc giảng dạy của hai bên và được thống nhất với đối tác nước ngoài, mức thu được ghi rõ trong đề án được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Cần lưu ý là học luật tại Hoa Kỳ có mức học phí rất cao, ở Đại học Arizona mức học phí học luật là khoảng 32.000 USD/năm học. Mức học phí 10.000 USD/năm học là mức học phí thấp nhất mà phía Đại học Arizona chấp nhận để họ có thể cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn của Đại học Arizona, trường đại học thuộc top 1% trường đại học tốt nhất thế giới, với các giảng viên Đại học Arizona được cử sang giảng dạy ở Việt Nam.

Phía Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cung cấp những điều kiện tốt nhất cho sinh viên chương trình như: miễn phí tài liệu học tập; các giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức thực tế đa dạng, ưu tiên lựa chọn các giảng viên đã học tập và nghiên cứu tại nước ngoài; được ưu tiên tham gia các chương trình ngoại khoá học tập tại các Toà án, Viện kiểm sát trong và ngoài địa bàn Hà Nội; thực tập chuyên môn tại các Công ty luật hàng đầu… Sinh viên được đồng thời sử dụng thư viện của Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Arizona.

z5201947551429_bc59bbea9e74693680ceadfa2d0cdfed.jpg
Lễ tốt nghiệp của sinh viên chương trình liên kết với Đại học Arizona (Hoa Kỳ). Ảnh: NTCC.

Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, Luật 34 chưa quy định cụ thể với chương trình song bằng

Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 (Luật số 34) có hiệu lực đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có 01 khoá sinh viên (Khoá 44) tốt nghiệp. Theo đó, các sinh viên Khoá 44 hiện đang làm cho các tổ chức nước ngoài như Công ty luật Allens Linklaters, Công ty KPMG, Tổ chức phi chính phủ PATH hoặc tiếp tục theo học ở trình độ thạc sĩ ở Hoa Kỳ.

Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đầy đủ nội dung thỏa thuận về mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo cấp bằng chính quy;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định của pháp luật hiện hành;...

Về vấn đề thực hiện kiểm định, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Chương trình liên kết đào tạo với Đại học Arizona mới có khóa đầu tiên tốt nghiệp năm 2023. Trường đang tiến hành kiểm định lần lượt các chương trình đào tạo.

Năm 2023, Trường kiểm định 04 chương trình đầu tiên, năm 2024 đang thực hiện thủ tục kiểm định 08 chương trình và sẽ tiếp tục lần lượt kiểm định tất cả các chương trình hiện có”.

“Theo chúng tôi, Luật số 34 quy định chung về kiểm định chương trình liên kết đào tạo mà chưa có sự phân tách chương trình đồng cấp bằng (cả hai bên cùng cấp một bằng), với song bằng (mỗi bên cấp một bằng) nên dẫn đến bất hợp lý.

Quy định kiểm định chương trình liên kết đào tạo chỉ phù hợp với chương trình đồng cấp bằng vì đây là chương trình mới do hai bên cùng xây dựng, chưa được áp dụng tại hai nước sở tại, nên cần được kiểm định. Còn đối với chương trình cấp song bằng (double degree), mỗi bên thực hiện theo chương trình đã được kiểm định tại nước sở tại có tích hợp, công nhận các môn của bên kia thì không cần kiểm định lại, vì mỗi nước thực hiện theo quy định của nước mình.

Hơn nữa, việc kiểm định chương trình cấp bằng kép sẽ khó triển khai vì những quy định về kiểm định chỉ phù hợp với những chương trình được xây dựng mới (đồng cấp bằng), không phù hợp với chương trình công nhận tín chỉ như cấp song bằng. Cần tăng cường kiểm tra, thanh tra những chương trình cấp bằng kép.

Chương trình liên kết đào tạo với Đại học Arizona có đặc thù. Đây là chương trình liên kết đào tạo cấp song bằng: bằng cử nhân luật của Trường Đại học Luật Hà Nội được cấp theo Chương trình đào tạo cử nhân luật của Trường Đại học Luật Hà Nội đã được kiểm định năm 2023; bằng BA in Law của Đại học Arizona được cấp theo Chương trình đào tạo BA in Law của Đại học Arizona đã được kiểm định tại Hoa Kỳ (Giấy chứng nhận kiểm định trong hồ sơ xin cấp phép tại Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Như vậy, chương trình đào tạo của hai trường đều đã được kiểm định tại nước sở tại theo quy định.

Vậy, có cần kiểm định hay không là vấn đề còn vướng mắc, cần sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo” - đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm.

Theo Khoản 7, Điều 45, Luật số 34 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học; thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định.”.

Chia sẻ thêm về kế hoạch nâng cao chất lượng chương trình liên kết, vị này cũng cho hay: “Hằng năm, Trường Đại học Luật Hà Nội đều có kế hoạch cải tiến chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và hiện đại hóa kiến thức cung cấp cho sinh viên.

Chương trình quốc tế nhà trường cũng theo sát năng lực tiếp thu của sinh viên, độ hấp dẫn của các môn học và tính phù hợp với môi trường luật quốc tế và quốc gia trong chương trình liên kết để có điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết”.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung - chuyên gia chuyên nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam từng thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

"Với các chương trình liên kết quốc tế đào tạo tại Việt Nam sau khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp cơ sở giáo dục phải tiến hành kiểm định chất lượng, nếu không sẽ phải tạm dừng tuyển sinh đến khi nào hoàn thành kiểm định.

Tuy nhiên, cũng cần phân ra các trường hợp cụ thể. Thứ nhất, nếu bằng của chương trình liên kết quốc tế do nước ngoài cấp thì chỉ cần kiểm định ở nước ngoài, không cần kiểm định lại tại Việt Nam. Trường hợp bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp hoặc cấp song bằng thì phải tiến hành kiểm định ở Việt Nam".

Hiện Việt Nam hiện có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế.

Trong nước có 7 trung tâm kiểm định gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.

10 tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam, gồm: Hcéres, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, THE-ICE, ACBSP, ABET, ACQUIN.

Ngân Chi