Học sinh chuyên Văn nghiên cứu cách học để không "nhắc lại" sách giáo khoa

21/07/2021 06:06
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhóm học sinh đã nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp học tập mới, thú vị hơn, giúp phát triển lối tư duy rành mạch, rõ ràng trong việc viết văn nghị luận

Chiều 16/7, Hội thảo “NJC e-International Humanities Symposium (IHS) 2021” do trường National Junior College (NJC) của Singapore tổ chức với chủ đề: “Humanity - Challenges, Adaptation and Innovation” đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Cuộc thi sự thu hút sự tham gia của hơn 200 học sinh đến từ 20 trường của Singapore và 10 trường từ nhiều nước khác nhau. Chủ đề nghiên cứu trải dài trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, giáo dục, môi trường, thực phẩm và sức khỏe, khoa học xã hội, dịch bệnh, văn hóa xã hội, công nghệ.

Tham gia hội thảo, các bạn học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) đã mang đến đề tài “Đổi mới phương pháp viết văn nghị luận ở nhà trường phổ thông hiện nay bằng kỹ thuật: Sáu chiếc mũ tư duy”.

Đề tài này đã xuất sắc được giải đề tài được bình chọn nhiều nhất, do bạn bè trong và ngoài nước từ các trường tham gia bình chọn.

Đề tài với sự tham gia của nhóm gồm 4 học sinh Nguyễn Ngọc Trâm Anh, Trịnh Lan Anh, Nguyễn Ngọc Linh, Trần Phương Linh đến từ lớp 10 Văn - Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn.

4 em học sinh của nhóm đề tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

4 em học sinh của nhóm đề tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc gặp và trao đổi với nhóm học sinh đạt giải đề tài được bình chọn nhiều nhất của Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Em Nguyễn Ngọc Trâm Anh - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Nhóm em chọn đề tài dựa theo chủ đề hội thảo cùng với việc chúng em học lớp chuyên Văn nên muốn tìm ra những phương pháp tối ưu và sáng tạo nhất trong học tập để giúp môn học này không còn bị coi là khó nhằn hay nhàm chán nữa.

Chúng em nhận thấy việc học văn của học sinh trong trường phổ thông hiện nay chủ yếu là thuộc lòng những kiến thức giáo viên giảng dạy hay “nhắc lại” sách giáo khoa. Các bạn thường chỉ tập trung vào vấn đề đọc - hiểu tác phẩm và chưa có nhiều hứng thú với việc làm văn, đặc biệt là dạng văn nghị luận.

Việc học và làm bài văn nghị luận thường mang tính “ép buộc”, “học để thi” với nhiều “quái chiêu”, được thể hiện trực tiếp qua những kỳ thi chuyển cấp”.

Theo nhóm, “Sáu chiếc mũ tư duy” là phương pháp mới mẻ, đem đến sự hứng thú cho môn học cũng như tăng khả năng hợp tác, tranh biện giữa học sinh, đã và đang được triển khai áp dụng hiệu quả.

Đề tài có tính ứng dụng cao

Trâm Anh cho biết: “Đề tài đã đem đến thêm cho chúng em cũng như cho các bạn học sinh một phương pháp học tập mới thú vị hơn, giúp phát triển lối tư duy rành mạch, rõ ràng trong việc viết văn nghị luận, đem lại lợi ích không chỉ cho việc học tập trên lớp mà còn có khả năng áp dụng trong đời sống hàng ngày”.

“Sáu chiếc mũ tư duy” là một công cụ trợ giúp tư duy được Tiến sĩ Edward de Bono phát kiến năm 1980 và giới thiệu trong cuốn “6 Thinking Hats” năm 1985. Đây là một phương pháp hiệu quả, giúp bạn đánh giá sự việc từ nhiều góc nhìn để đưa ra quyết định tốt hơn.

6 chiếc mũ tư duy. Ảnh minh họa: vanphongit.com

6 chiếc mũ tư duy. Ảnh minh họa: vanphongit.com

Nhóm nhận thấy, phương pháp “Sáu chiếc mũ tư duy” có thể được áp dụng trong văn nghị luận xã hội theo 6 bước:

Bước 1: Nón trắng tập trung vào những câu hỏi xoay quanh yêu cầu của đề, tìm những thông tin để làm rõ chính yêu cầu đó:

- Chúng ta đang bàn luận xoay quanh vấn đề gì?

- Tìm thông tin về vấn đề này như thế nào?

- Có những thông tin gì liên quan đến vấn đề đang tìm hiểu?

- Phạm vi tư liệu để khai thác vấn đề này là gì?

Bước 2: Nón đỏ đưa ra những câu hỏi về cảm giác, cảm nhận tự nhiên quanh vấn đề đang được tìm hiểu:

- Tôi thích hay không thích vấn đề này?

- Trực giác của tôi định hướng như thế nào về vấn đề này?

- Vấn đề này đang được quan tâm như thế nào?

- Vấn đề này thú vị ở điểm nào?

Bước 3: Nón vàng tập trung vào các mặt lợi ích, tích cực của vấn đề đang tìm hiểu qua những câu hỏi như sau:

- Vấn đề này biểu hiện như thế nào?

- Đâu là mặt tích cực của vấn đề?

- Vấn đề này có khả thi hay không?

Bước 4: Nón đen sử dụng những câu hỏi nhằm chỉ ra những điểm bất hợp lý từ các ý kiến đang xoay quanh vấn đề:

- Những điều hạn chế của vấn đề này là gì?

- Những khó khăn nào có thể phát sinh khi tiến hành?

- Những nguy cơ nào đang tiềm ẩn?

Bước 5: Nón xanh lá cây đưa ra các câu hỏi có thể tạo ra ý kiến về cách thức giải quyết vấn đề. Người học sẽ tập trung đưa ra giải pháp, ý tưởng cho vấn đề:

- Những giải pháp để giải quyết vấn đề này là gì?

- Những tình huống nào có thể phát sinh?

- Trong vấn đề này, chúng ta có những hướng giải quyết nào khác hay không?

Bước 6: Nón xanh dương tổng kết lại các ý kiến và chốt lại vấn đề:

- Chúng ta đang tập trung tư duy về vấn đề gì?

- Mục tiêu cuối cùng cần đạt được là gì? - Những ý tưởng quan trọng cần chốt lại ở đây là gì?

- Sắp xếp các ý theo trình tự như thế nào?

““Sáu chiếc mũ tư duy” không chỉ có hiệu quả với Văn học, tính ứng dụng của phương pháp này còn được thể hiện ở một số lĩnh vực khác như trong bài thi IELTS.

Với phần Writing trong bài thi IELTS, cấu trúc và tư duy làm bài vẫn là cản trở lớn. Áp dụng phương pháp này, các bạn có thể dần khắc phục những lỗi sai và đạt hiệu quả cao trong những bài viết của mình với “khung xương” đã được chuẩn bị.

Ngoài ra, nó còn có công dụng lớn trong các cuộc tranh luận cũng như công cụ để giải quyết các vấn đề cuộc sống một cách hiệu quả”, Trâm Anh chia sẻ.

Đây là phương pháp hiệu quả để các bạn có thể trao đổi, thảo luận cũng như rèn luyện tư duy phản biện cho cá nhân ngay cả khi hình thức học trực tuyến đang được áp dụng do dịch Covid-19 .

Em Trần Phương Linh, một thành viên nhóm nghiên cứu, tâm sự: “Từ lúc tìm đề tài, nghiên cứu đến khi tham gia dự thi mất thời gian khoảng 3 tháng, nhóm em gặp khá nhiều khó khăn.

Vì là đề tài mở, nên thật sự rất khó để có thể chạm đến cốt lõi mà đề tài muốn hướng tới. Bọn em cũng đã có một quãng thời gian phân vân về nội dung đề tài mình làm.

Hơn nữa, do tình hình dịch bệnh nên bọn em không thể đến Singapore để thuyết trình dự án. Thay vào đó, bọn em phải làm video để dự thi. Chính vì thế, bọn em lại mất thêm thời gian để sửa kịch bản và biên tập video, cố gắng rút gọn nhất có thể, song vẫn phải đủ lý thuyết và mục đích mà chúng em hướng tới.

Trong khoảng thời gian làm đề tài, các bạn trong nhóm vừa phải duy trì việc học và nghiên cứu đề tài nên ảnh hướng lớn đến thời gian sinh hoạt hàng ngày. Có những hôm đã 3h sáng nhưng nhóm em vẫn phải thức ngồi sửa nốt từng chi tiết”.

Cô giáo Phạm Hải Linh - Giáo viên chủ nhiệm, người hướng dẫn đề tài chia sẻ: “Cuộc thi là sân chơi mới mẻ, hiếm hoi trong bối cảnh dạy và học ở trường phổ thông hiện nay. Đây là cơ hội hợp tác quốc tế mà học sinh Chuyên Nhân văn được thừa hưởng từ “trường mẹ” – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trong cuộc thi này, các em được bồi dưỡng khả năng nghiên cứu, tự học và trau dồi vốn ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các em cũng có cơ hội được cọ xát trong môi trường quốc tế, phát huy những thế mạnh sẵn có của mình và học hỏi từ bạn bè cùng trang lứa”.

Trần Lý