Bất cập nhất của mô hình trường học mới VNEN có lẽ là cách ngồi học “theo mâm” suốt cả buổi học.
Học sinh nhiều trường học VNEN sẽ không phải ngồi học theo nhóm thế này nữa (Ảnh minh họa Báo Lâm Đồng) |
Cũng vì học sinh ngồi chụm mặt vào nhau suốt cả buổi học nên xảy ra nhiều chuyện bất cập mà giáo viên dù cố gắng cũng khó cải thiện.
Đó là việc học sinh ngồi nói chuyện, chọc ghẹo lẫn nhau, rồi chuyện copy bài, học sinh lười không chịu tương tác nhưng vẫn được hưởng thành quả từ những cố gắng của các bạn khác nỗ lực hơn trong nhóm.
Từ đó, dẫn đến việc đánh giá chất lượng học tập của từng cá nhân chưa được chính xác.
Bên cạnh những bất cập ấy thì việc một tiết dạy VNEN có quá nhiều những bước trung gian mang nặng tính hình thức đã chiếm không ít thời gian trong một tiết dạy khá ít ỏi.
|
Đó là việc học sinh phải giới thiệu, báo cáo, chia sẻ (như mục tiêu, chia sẻ cuối tiết theo định hướng) chiếm nhiều thời gian học một cách lãng phí.
Tạm thời bị xóa bỏ khi có quy định học sinh ngồi học cách nhau 1.5m
Sau thời gian học sinh cả nước nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì cuối tháng 4 các địa phương đã bắt đầu cho học sinh các cấp học đi học trở lại.
Để đảm bảo cho học sinh đến trường an toàn, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Bộ Giáo dục phải thực hiện việc giãn cách học sinh trong lớp.
Cụ thể, mỗi lớp không quá 20 em, mỗi học sinh ngồi cách nhau 1.5m. Thế là, những địa phương hiện đang dạy theo mô hình trường học mới VNEN buộc phải bố trí học sinh ngồi học như chương trình hiện hành.
Đó là việc, học sinh ngồi quay mặt về phía bảng lớp và phương pháp giáo viên truyền tải chắc chắn sẽ nghiêng về phương pháp thuyết trình, hỏi-đáp.
Băn khoăn ngồi học kiểu “truyền thống” nhưng tài liệu lại của VNEN
|
Ngay sau khi có thông báo trường học VNEN học sinh sẽ ngồi học kiểu hiện hành, một số thầy cô đã thắc mắc:
“Ngồi học kiểu hiện hành sẽ dạy thế nào với sách VNEN? Trong khi sách VNEN đã soạn cụ thể theo các bước học nhóm?”
Chẳng ai chỉ đạo chuyện này nhưng để dạy được chắc chắn mỗi giáo viên sẽ có sự điều tiết cho phù hợp.
Học sinh chương trình VNEN ngồi học theo kiểu hiện hành đương nhiên tiết dạy cũng sẽ được triển khai theo cách dạy hiện hành.
Vì thế các bước lên lớp của VNEN như giới thiệu, chia sẻ, báo cáo…cũng sẽ được cắt giảm triệt để.
Thời gian dôi dư của mỗi tiết dạy (do giảm được nhiều khâu hình thức) sẽ được thầy cô tận dụng triệt để ôn và củng cố lại kiến thức cho các em học sinh.
Những bước hướng dẫn hoạt động nhóm trong sách giáo khoa cũng sẽ được thầy cô thay thế bằng kiểu học cá nhân như chương trình hiện hành.
Đây không phải là khó khăn mà chính là thuận lợi để thầy cô giáo tận dụng thời gian tối đa cho việc ôn bài và truyền thụ kiến thức cho học sinh do thời gian nghỉ dịch khá lâu.