Học sinh nghiên cứu đạt giải KHKT quốc gia, nên công bố rộng rãi

31/03/2022 07:09
Ly Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cũng cần xem xét khả năng ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm đoạt giải từ trước đến nay - nhất là những đề tài về ung thư.

Ngày 27/3/2022, lễ bế mạc và trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2021-2022 được tổ chức tại Học viện Viettel theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc.

Tại lễ bế mạc, ban tổ chức đã trao 12 giải Nhất, 15 giải Nhì, 17 giải Ba, 27 giải Tư và 23 giải Triển vọng ở tất cả các lĩnh vực học sinh đăng ký dự thi.

Thế nhưng, một số đề tài năm nay bị phản ánh có nội dung, ý tưởng tương tự luận văn thạc sĩ đã được công bố trên mạng Internet. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên công bố toàn văn nghiên cứu để minh bạch, tránh dư luận bàn tán xôn xao không đáng có.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai)(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai)

Nhiều dự án đoạt giải Nhất đều rất "tầm cỡ"

Công bằng mà nói, một số dự án năm nay mang tính thực tiễn, nhân văn, có thể phù hợp với khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông như: “Tháp cho cá ăn tự động” - lĩnh vực Rô bốt và máy thông minh; “Thiết kế hệ thống theo dõi và cảnh báo tự động cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà”

Tuy vậy, cũng có những dự án rất "tầm cỡ" như: “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus) - Y sinh và khoa học sức khoẻ; Dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)” - Sinh học tế bào và phân tử - nhận được nhiều sự quan tâm bàn tán của dư luận vì giải quyết những vấn đề hóc búa trong y học, vượt tầm trình độ học sinh phổ thông.

Học sinh hay... siêu nhân làm dự án khoa học?

Liên quan đến cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông, ngày 28/3/2022, sinh viên N.H., Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (cựu học sinh một trường trung học phổ thông ở tỉnh Bình Phước) chia sẻ với người viết rằng:

"Em từng thi khoa học kĩ thuật một vài lần và đạt giải cấp tỉnh, rồi được chọn đi thi quốc gia nhưng rớt. Em nhớ một dự án có tên "Hiện tượng chuyển ngữ Tiếng Anh trong khi sử dụng tiếng Việt", các dự án khác thì... quên mất tên.

Bạn em làm về sản phẩm nước rửa tay, lúc đi thi cũng rất buồn cười vì nó "chém" nhiều lắm. Chai nước rửa tay chỉ có cồn thôi, bơm thêm tí tinh dầu vào, rồi thuyết trình là có khả năng bảo vệ da tay, ngăn ngừa muỗi cắn mà hình như ban giám khảo vẫn tưởng thật.

Nói thật là em và đứa bạn chẳng đụng gì vào sản phẩm, toàn thầy cô làm sẵn cho xong đem đi thi. Chúng em cũng không suy nghĩ gì (chuyện giáo viên làm thay) vì muốn có giải, có tiền và nếu may mắn đạt giải quốc gia thì được tuyển thẳng đại học."

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục nên công bố tất cả 12 dự án đoạt giải Nhất cũng như các quy định, yêu cầu bắt buộc về liêm chính học thuật trong nghiên cứu các đề tài này, các quy định chống sao chép (đạo văn) lên cổng thông tin điện tử của ngành để dư luận giám sát, tránh lời ong tiếng ve không đáng có về cuộc thi khoa học kĩ thuật năm nay.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục cũng cần xem xét khả năng ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm đoạt giải từ trước đến nay - nhất là những đề tài về ung thư. Nếu chỉ đi thi, được giải thưởng, sau đó bỏ sản phẩm vào ngăn kéo thì gây lãng phí chất xám quá lớn.

Những dự án thực sự là công sức, trí tuệ do học sinh làm ra thì rất đáng khen ngợi, đây là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho nền khoa học nước nhà.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ly Ly