Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được đánh giá có nhiều điểm mới hay, tiến bộ hình thành năng lực và phẩm chất người học. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện ở bậc trung học cơ sở, điểm nghẽn, vướng mắc lớn nhất vẫn là môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý và qua nhiều hội thảo, hướng dẫn,…chưa có lối ra thích hợp.
Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng thực hiện toàn bộ chương trình mới, năm thực hiện ở lớp 9, trong đó có vấn đề bồi dưỡng học sinh giỏi ở lớp 9 tiếp tục “nghẽn, vướng”, chưa có lối ra hợp lý, nhất là môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Theo tìm hiểu của người viết, hầu hết các địa phương ban hành cấu trúc, nội dung đề thi học sinh giỏi văn hóa cấp Trung học cơ sở cho năm học 2024-2025, theo đó đa số các địa phương đều tổ chức thi môn 1 môn Khoa học tự nhiên gồm 3 phân môn, có thể phân môn Vật lý 3 điểm, Hóa học 3 điểm, Sinh học 3 điểm và phần chung (tích hợp) 1 điểm, tổng điểm 10.
Do các địa phương dù giáo viên có được bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp hay chưa thì theo các hướng dẫn hiện hành và năng lực giáo viên, năm học 2024-2025 này, các trường đã “linh hoạt” 3 giáo viên dạy 1 môn Khoa học tự nhiên theo hình thức cuốn chiếu từng chủ đề hoặc dạy song song, vì không có giáo viên nào am hiểu chuyên sâu để “ôm” cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhất là chương trình ở lớp 8,9 rất nhiều kiến thức khó, chuyên sâu.
Đối với việc thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên thì mức độ chuyên sâu, phức tạp hơn rất nhiều.
3 giáo viên dạy 1 học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, ai được hưởng chế độ bồi dưỡng?
Điều khó nhất là tìm được học sinh giỏi cả 3 phân môn để bồi dưỡng, sau 3 năm thực hiện chương trình mới và thực tiễn thời gian qua đã cho thấy rất ít học sinh giỏi được cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Học sinh giỏi có thể 1 hoặc chỉ 2 phân môn nên năm học này, tìm được học sinh giỏi để ôn luyện, bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên là khá ít ỏi.
Nhiều em học sinh dù yêu thích các môn tự nhiên nhưng khi biết được việc thi đến 3 phân môn và do 3 giáo viên bồi dưỡng nên xin rút thi môn khác hoặc không dự thi.
Điểm khó tiếp theo là 3 giáo viên thuộc 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phải bồi dưỡng 1 học sinh để dự thi 1 môn nên rất khó sắp xếp thời khóa biểu, thời gian bồi dưỡng, vì các giáo viên cũng bận nhiều thời gian khó sắp xếp để cả 3 người dạy được 1 học sinh vào thời điểm thời gian phù hợp.
Ví dụ, 1 phân môn chỉ cần bồi dưỡng 2 buổi/tuần thì 3 phân môn phải học đến 6 buổi/tuần, học sinh quá tải, giáo viên loay hoay, lúng túng.
Bên cạnh đó, môn Khoa học tự nhiên là một môn nên chỉ trả chế độ cho 1 môn, tức 1 người bồi dưỡng, 3 giáo viên bồi dưỡng 3 phân môn nhưng chỉ chi chế độ cho 1 người sẽ là vấn đề phức tạp, khó giải quyết, dễ mâu thuẫn. 3 người cùng dạy nhưng sẽ có người dạy ít dạy nhiều, chia đều cũng không phù hợp, và dù dạy vất vả nhưng giáo viên có thể chỉ nhận được 1/3 của môn khác.
Ví dụ, theo quy chế giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện được chi trả 60 tiết, đối với các môn Toán, Ngữ văn,…giáo viên được hưởng 60 tiết, còn đối với môn Khoa học tự nhiên 60 tiết nhưng do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên chỉ được hưởng 20 tiết.
Học sinh trước đây bồi dưỡng chỉ 1 phân môn là đã khó khăn, thì nay bồi dưỡng cả 3 phân môn với 3 giáo viên sẽ khiến học sinh khó tiếp thu, vừa bồi dưỡng môn Vật lý học sinh chưa kịp tiếp thu, vận dụng đã chuyển sang phân môn Hóa học, Sinh học, học sinh dễ “tẩu hỏa nhập ma”.
Còn nhiều bất cập khi thực hiện 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở
Nhiều giáo viên đơn môn đã được đào tạo thêm 1,2 phân môn để trở thành giáo viên tích hợp, theo Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, giáo viên có chứng chỉ hay chưa vẫn phân công giáo viên nào dạy phân môn đó, vì 1 giáo viên không thể “ôm” cả 2,3 phân môn.
Một giáo viên nắm được sâu kiến thức, am hiểu tường tận cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học của lớp 6,7,8,9 để dạy cho học sinh hay tự tin đứng trước học sinh giảng dạy là không khả thi.
Nên, đến thời điểm này, cách mà nhiều nơi đang áp dụng là một môn học nhưng được 2,3 giáo viên giảng dạy. Nhưng phân công 2,3 giáo viên dạy một môn học thì bộc lộ rất nhiều khó khăn, vướng mắc,…
Nếu thời gian tới không có những điều chỉnh thích hợp, cả 4 khối lớp 6,7,8,9 có 2 môn học nhưng đến 5 giáo viên dạy sẽ tiếp tục là điểm nghẽn, vướng khi thực hiện chương trình mới.
Rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi 2,3 thầy dạy 1 môn về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh,…như:
Thứ nhất, về ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh
Hiện nay, các môn học ở chương trình mới sẽ ở mỗi học kỳ sẽ có 1 cột điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ, 1 cột điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ.
Đối với các cột điểm kiểm tra định kỳ, nội dung kiểm tra có thể gồm 2,3 phân môn, tức sẽ do 2,3 giáo viên dạy các phân môn ra đề.
Hiện nay tại các cơ sở cách thường áp dụng để ra 1 đề kiểm tra định kỳ môn tích hợp, đầu tiên là họp các giáo viên phân công ra ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra.
Phân công giáo viên phân môn chiếm bao nhiêu % sẽ tương ứng bao nhiêu điểm, phân công bao nhiêu câu trắc nghiệm, bao nhiêu câu tự luận,..
Mỗi giáo viên dạy phân môn nào soạn phân môn đó, sau đó tiếp tục họp bàn để thống nhất nội dung phân công, các giáo viên soạn từng phần xong giao 1 giáo viên tổng hợp thành 1 đề. Sau đó tiếp tục họp bàn, xem xét lại đề, đáp án phù hợp hay chưa và gửi ban giám hiệu phê duyệt.
Quá trình ra 1 đề tích hợp quá nhiêu khê, phức tạp và không thể đảm bảo tính bảo mật của đề kiểm tra khi phải họp nhiều lần để thống nhất, trao đổi đề, nếu có giáo viên làm sai phải họp để triển khai, chỉnh sửa,…
Thứ hai, chấm bài kiểm tra môn tích hợp
Việc ra 1 đề kiểm tra môn tích hợp đã phức tạp, việc chấm bài cũng khó khăn không kém. Sau khi học sinh kiểm tra bài xong, thường là làm 3 phần trong 1 tờ giấy kiểm tra.
2,3 giáo viên dạy nên phải do 2,3 giáo viên chấm, sau khi có bài kiểm tra sẽ được giao cho 2,3 giáo viên cùng chấm 1 bài kiểm tra của học sinh.
Nhưng học sinh khi thực hiện bài làm thì không làm theo thứ tự nên có thể làm câu 1 phần vật lý, câu 2 phần sinh quay về câu 3 phần vật lý,..rất khó khăn khi chấm bài.
Từng người chấm xong, tới phần tổng hợp điểm cũng khó khăn không kém, khi phải tổng hợp điểm của từng học sinh.
Thứ ba, việc nhận xét học sinh
2,3 giáo viên dạy 1 môn học nhưng chung 1 cột điểm, chung 1 nhận xét, nên khi giao giáo viên vật lý nhận xét học sinh cả 2,3 phân môn, giáo viên Vật lý không thể biết học sinh có năng lực gì của môn Hóa học, Sinh học để nhận xét.
Giao giáo viên dạy phân môn này nhận xét cả phân môn khác không khác gì việc “thầy bói mù xem voi”.
Thứ tư, việc kiểm tra lại cũng khó khăn không kém
Nếu học sinh không đủ điều kiện lên lớp, thuộc đối tượng phải kiểm tra lại, việc kiểm tra lại cũng nhiêu khê không kém.
Việc ra đề kiểm tra lại, chấm bài cũng như trên, phức tạp.
Bên cạnh đó, cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn khi học sinh học khá 1,2 phân môn, học yếu 1 phân môn nhưng khi kiểm tra lại phải kiểm tra lại cả 2,3 phân môn, có phần bất công cho học sinh và cả giáo viên dạy học sinh có điểm khá.
Khi học sinh ở lại, thi lại thì không biết ai chịu trách nhiệm, dễ phát sinh mâu thuẫn khi dạy 2,3 phân môn có chênh lệch điểm lớn.
Giáo viên chỉ cần dạy 2,3 khối lớp môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì chỉ riêng việc ra đề, kiểm tra, đánh giá,…đã chiếm rất nhiều thời gian, trong đó có nhiều bất cập, bất hợp lý, vướng mắc.
Không những thế, nếu năm học tới cả 4 khối lớp 6,7,8,9, chỉ 2 môn học mà có đến 5 giáo viên dạy thì việc phân công thời khóa biểu, phân công chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn,..cũng gặp lắm gian truân.
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn gần đây khá vất vả, phức tạp với việc phân công, sắp xếp chuyên môn cho các môn tích hợp, không chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý mà còn cho các Nội dung Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Người viết cũng 20 năm giảng dạy môn Vật lý, gần đây đảm nhận tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên đã nhận thấy nhiều bất cập, rắc rối, phức tạp nảy sinh, dù cố gắng khắc phục nhưng cách nào cũng không giải quyết triệt để vấn đề, càng phát sinh thêm những khó khăn, rất tội nghiệp cho các em học sinh.
Nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời và sớm trong thời gian tới, bậc trung học cơ sở loay hoay với môn tích hợp sẽ khiến chương trình mới khó đạt thành công và kỳ vọng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.