Việc được lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá là mang lại sự linh hoạt, tăng cường tính sáng tạo trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của người học.
Đối với môn Sinh học, sách giáo khoa thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang được nhiều nhà trường sử dụng.
Sách giáo khoa Sinh học mới bổ sung thêm nhiều sơ đồ, hình ảnh
Đánh giá về điểm mới của sách giáo khoa Sinh học của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Nguyễn Việt Cường – Giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Với môn Sinh học, nhìn chung cả 2 cuốn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ Chân trời sáng tạo) đều có các điểm nổi bật so với sách giáo khoa cũ như sau:
Bố cục tươi sáng với nhiều hình ảnh, sơ đồ đẹp, dễ hiểu, phối hợp đồ thị – ảnh thực tế – infographics; có hoạt động học sinh khai thác số liệu, mô phỏng quá trình sinh học.
Kiến thức được tái sắp xếp trình tự logic, giúp tiếp cận kiến thức hiện đại, bản chất. Nhiều nội dung mới, đặc biệt là các ứng dụng thực tiễn được bổ sung nhiều cũng như các phần nội dung liên kết với kiến thức cốt lõi của các môn học khác.
Sách giáo khoa Sinh học mới giúp hỗ trợ đổi mới dạy học, trước hết là do nội dung gợi mở và cách tiếp cận kiến thức hiện đại, tăng cường ứng dụng; cụ thể với từng yêu cầu như câu hỏi đặt ra; các nội dung tích hợp liên môn, nhiều bài thí nghiệm, thực hành rất phù hợp để triển khai dạy học STEM.
Mỗi bài hoặc mỗi chương thường được kết thúc bằng nội dung mở rộng cùng với các nội dung dạy học theo dự án có sẵn, điều này vừa gợi ý cho giáo viên trong việc xây dựng hoạt động dạy học theo dự án, vừa giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và công sức chuẩn bị, vừa hỗ trợ hướng dẫn học sinh thực hiện.
Nội dung kiến thức trình bày logic và đi từ cơ bản đến nâng cao, do vậy giáo viên có thể chủ động xây dựng nội dung phù hợp với trình độ học sinh".
Thầy Cường nhấn mạnh, sách mới hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất học sinh thay vì chỉ cung cấp kiến thức. Nội dung các bài học trong sách giáo khoa chú trọng về phát triển năng lực học sinh với trình tự: Mở đầu, hình thành kiến thức, luyện tập và vận dụng, mở rộng.
Bên cạnh đó, các sách giáo khoa chuyên đề học tập nâng cao giữ vai trò bổ trợ, mở rộng và nâng cao cho học sinh đã học xong nội dung bắt buộc, có tác động tích cực với học sinh và giáo viên, đặc biệt là trong định hướng phát triển năng lực, dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp.

Cùng chia sẻ cảm nhận về sách giáo khoa Sinh học của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cô Lương Thị Thanh Hương - Giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: "Về hình thức, sách giáo khoa mới tăng cường đáng kể kênh hình (bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh…). Thiết kế và trình bày nội dung bài học cũng có sự đầu tư, tạo hứng thú cho học sinh khi sử dụng.
Về nội dung, sách giáo khoa mới, thay đổi toàn bộ tên gọi, danh pháp cũ thành tên gọi, danh pháp tiếng Anh tương ứng; bổ sung một số nội dung mới không có ở chương trình cũ (ví dụ như truyền tin tế bào, công nghệ tế bào); giữa các nội dung có tính hệ thống chặt chẽ và giữa các bài học có liên kết và mối quan hệ mật thiết hơn.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng đến việc tăng cường dạy “cách học, cách làm” thay vì dạy kiến thức có sẵn. Sách giáo khoa tăng cường nội dung liên hệ thực tiễn, ứng dụng khi trình bày bài học. Câu hỏi và bài tập cuối bài cũng được thay đổi về hình thức nhằm chú trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào đời sống (tiếp cận dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh)".
Cô Hương khẳng định, nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là "học liệu" (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất qua các hoạt động học và vận dụng kiến thức cụ thể trong sách giáo khoa.

Nội dung ứng dụng thực tiễn, liên môn thu hút học sinh
Chia sẻ về phản ứng của học sinh với sách giáo khoa mới, thầy Huỳnh Nguyễn Việt Cường cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh thích tìm hiểu các nội dung của sách giáo khoa theo hướng khai thác kiến thức mới và giải quyết vấn đề thực tiễn.
Nếu các câu hỏi gợi mở đủ tốt cho việc khai thác sách giáo khoa, hoạt động nhóm thường rất sôi nổi bởi các em lúc này không còn phụ thuộc vào thiết bị điện tử. Ngoài ra, một số vấn đề mở rộng được đưa ra từ sách giáo khoa cũng là gợi ý hay để các em tìm hiểu thêm ở nhà.
Ngoài ra, những biểu đồ với các giá trị định lượng rõ ràng vừa kích thích trí tò mò, vừa tăng cường tư duy khoa học, các infografic cũng tạo ra sự hấp dẫn lớn với học sinh.
Được biết, sách giáo khoa Sinh học mới có lồng ghép các chủ đề tích hợp, liên môn và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Thầy Cường đưa ra một ví dụ cụ thể về nội dung Di truyền học người và Di truyền y học tư vấn thu hút nhiều sự quan tâm của học sinh lớp 12.
Song song với việc tìm hiểu các nội dung về các phương pháp nghiên cứu di truyền người, di truyền y học và di truyền y học tư vấn, liệu pháp gene, học sinh có thể được tiếp cận những nội dung của môn học khác, tùy vào hoạt động học mà giáo viên thiết kế.
Ví dụ như ngôn ngữ giao tiếp trong tư vấn di truyền (tích hợp Ngữ Văn), Thiết kế poster truyền thông hoặc infographic về phòng ngừa bệnh/tật di truyền cụ thể (tích hợp Tin học), Cơ sở khoa học của luật Hôn nhân và Gia đình (tích hợp Giáo dục Kinh tế và pháp luật)".
Sách giáo khoa mới yêu cầu giáo viên tổ chức hoạt động học tập nhiều hơn, học sinh chủ động hơn. Theo thầy Cường, điều này vừa là thuận lợi, vừa là thách thức cho hoạt động dạy học trong thực tế. Bởi việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm – cốt lõi vẫn là việc xây dựng hoạt động phù hợp cho học sinh.
Do vậy sách giáo khoa mới là một nguồn động lực thúc đẩy người dạy liên tục đổi mới. Vấn đề này cũng sẽ là thách thức bởi việc đổi mới tốn nhiều thời gian, công sức và thậm chí là tiền bạc.
Việc thay đổi cấu trúc nội dung bài học theo sách giáo khoa mới thuận lợi cho giáo viên, bởi khung chương trình cho phép giáo viên hoán đổi các nội dung sao cho phù hợp với thực tiễn và kinh nghiệm dạy học của mình. Những thay đổi cấu trúc bài học (đi kèm với cách tiếp cận nội dung) từ sách giáo khoa là những gợi ý quý báu cho giáo viên có thể linh động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch bài dạy.
Nhờ việc linh động sắp xếp bài dạy, thầy Cường đã áp dụng các kĩ thuật dạy học mang hiệu quả tích cực như dạy học theo trạm, dạy học theo nhóm chuyên gia, kĩ thuật phòng tranh… Những tiết học với kĩ thuật dạy học tích cực đem lại sự hứng thú và hiệu quả học tập tốt cho học sinh.
Với sách giáo khoa mới, trên tinh thần sách giáo khoa là một nguồn tài liệu tham khảo, học sinh cần thay đổi cách tiếp cận chủ động hơn, có thể đối chiếu nội dung giữa các sách giáo khoa, giữa sách giáo khoa và tài liệu khác (internet, sách tham khảo, tài liệu thầy cô cung cấp) để làm rõ hơn nội dung, từ đó hình thành năng lực tự học.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn trong giờ học môn Sinh học. Ảnh: NTCC.
Theo chia sẻ của cô Hương, học sinh thích thú, đam mê, sáng tạo hơn khi học với sách giáo khoa mới. Các em đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi, rèn luyện khả năng tự học và tư duy.
Cụ thể, cô Hương nêu ra một nội dung có lồng ghép các chủ đề tích hợp, liên môn và vận dụng kiến thức vào thực tiễn được học sinh thích thú.

Đề cập thêm đến cách dạy của giáo viên theo sách giáo khoa mới, cô Lương Thị Thanh Hương nói: "Chương trình "mở" (chỉ quy định số tiết/năm học) đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.
Có một số nội dung giáo dục mới trong môn học đòi hỏi giáo viên phải cập nhật; có những yêu cầu về vận dụng kiến thức vào thực tiễn tại địa phương đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo hơn so với những gì đã viết trong sách giáo khoa.
Về phương pháp dạy học, vai trò trò của giáo viên là phải chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh. Thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về phương pháp dạy học "học qua làm".
Để dạy học theo phương pháp tích cực, giáo viên cần phải nỗ lực nhiều hơn so với phương pháp dạy học thụ động; cần phải có bản lĩnh và chuyên môn cao, có sự nhiệt huyết và hoạt động hết công suất trong quá trình dạy học".
Dưới góc nhìn của cô Nguyễn Thị Sơn - Giáo viên môn Sinh học - Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Lâm Đồng) cho biết, hiện tại nhà trường đang dùng sách giáo khoa Sinh học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho cả ba khối 10, 11, 12.
Cô Sơn đánh giá, so với sách giáo khoa cũ, kiến thức trong sách giáo khoa mới sâu hơn, nhiều nội dung ứng dụng thực tiễn, có thể áp dụng STEM, hướng đến phát triển năng lực phẩm chất của học sinh.
Do đó, cách học của học sinh cũng có nhiều thay đổi, các em phải thực hành, tăng cường trải nghiệm thay vì chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết. Cách dạy của giáo viên theo đó phải phải cải tiến. Phương pháp giảng dạy mới với các hoạt động như thảo luận nhóm, phân công nhiệm vụ, thuyết trình, học theo kĩ thuật khăn trải bàn cho thấy khả năng mang lại hứng thú cho học sinh nhiều hơn so với cách học truyền thống.
Để việc dạy học theo sách giáo khoa mới ngày càng hiệu quả, cô Sơn mong muốn được nâng cấp các dụng cụ thực hành, đầu tư thêm cơ sở vật chất, vườn thực nghiệm để trải nghiệm của học sinh đầy đủ, trọn vẹn hơn.