Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tính đến hết học kỳ I năm học 2024-2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, gần 65.000 biên chế đã được giao cho các địa phương nhưng mới tuyển được khoảng 6.000 người.
Tình trạng thiếu giáo viên vẫn là một thách thức trong hệ thống giáo dục hiện nay, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đối với những môn học đặc thù. Để duy trì sự ổn định trong hoạt động dạy và học, việc đầu tư phát triển đội ngũ, đồng thời thu hút và giữ chân giáo viên tại những khu vực khó khăn là điều hết sức cần thiết. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm đào tạo thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.
Thiếu giáo viên, “bài toán khó” với các trường vùng cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh (Lai Châu) chia sẻ, hiện nay, nhà trường đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên với những môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh.
Việc thiếu giáo viên, đặc biệt ở các môn đặc thù sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh. Bên cạnh đó, nếu việc thiếu giáo viên với số lượng lớn sẽ dẫn đến việc bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ giảng dạy của trường gặp khó khăn.
Điển hình đối với môn tiếng Anh, đây là môn học cần phải giao tiếp, thực hành nghe, nói, đọc, viết nhiều nhưng do thiếu giáo viên nên trường đã gộp các lớp vào học trong hội trường để các em cùng học tập và trao đổi với nhau.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, thầy Bảo cho biết, bài toán thu hút giáo viên hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại. Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần tại vùng cao đã có cải thiện đáng kể nhưng nhiều thầy cô vẫn còn e ngại do khoảng cách địa lý và việc phải sống xa gia đình.
Một trong những nguyên nhân nữa là do sinh viên tốt nghiệp các ngành Sư phạm, đặc biệt là các môn như tiếng Anh, Thể dục, Tin học rất ít khi muốn lên vùng cao công tác.
Ngoài ra, một số giáo viên chuyển vùng, chuyển công tác về các địa phương miền xuôi có nhiều điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn. Bên cạnh đó, một số giáo viên nghỉ việc do nghỉ hưu hoặc có khả năng chuyển đổi công việc khác phù hợp hơn với điều kiện của bản thân. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, gây áp lực và thách thức không nhỏ cho các trường trong việc duy trì hoạt động giảng dạy.
Không chỉ thiếu giáo viên ở những môn đặc thù, theo thầy Bảo, hiện nay trường không có nhân viên y tế học đường và nhân viên thư viện. Một trong những nhân sự cần thiết ở cấp tiểu học đó là nhân viên y tế học đường. Vì đối tượng học sinh còn nhỏ, số lượng học sinh nhiều, quản lí vấn đề bán trú sẽ vất vả hơn nên vai trò của nhân viên y tế rất quan trọng.
Mặc dù hiện nay chế độ đãi ngộ cho giáo viên công tác ở vùng cao đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, cần có chiến lược dài hạn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực ngay tại địa phương.
Việc bổ sung giáo viên còn giúp tránh tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học quan trọng, đảm bảo chương trình giảng dạy được triển khai đầy đủ, từ đó bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Còn theo cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, để thu hút được giáo viên từ nơi khác về công tác tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn là bài toán khó.
Giáo viên vùng cao không chỉ giảng dạy môn học mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các em học sinh phát triển kỹ năng sống, xây dựng tư duy sáng tạo và phát huy tiềm năng của mình. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực giáo viên, có chính sách phù hợp để thu hút và giữ chân những người làm nghề giáo ở các khu vực khó khăn là hết sức cần thiết và cấp bách.
Theo cô Hải, mặc dù các chế độ đãi ngộ và các chính sách hỗ trợ giáo viên đã được cải thiện so với trước đây, nhưng việc thu hút và giữ chân giáo viên vẫn gặp nhiều thách thức.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở vùng cao là do điều kiện địa hình phức tạp, gây nhiều trở ngại trong việc di chuyển, đặc biệt với những giáo viên phải di chuyển 50 -60km, quá trình đi lại của họ rất vất vả, không chỉ mất thời gian dài mà còn đối mặt với nhiều khó khăn về giao thông, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu hoặc mùa mưa.
Chưa kể, điều kiện sinh hoạt vẫn còn thiếu thốn, đời sống văn hóa tinh thần hạn chế và cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng không nhiều.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tại các vùng sâu, vùng xa không chỉ đảm nhận công việc giảng dạy trên lớp mà còn phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác khiến họ đối mặt với áp lực công việc cao.
Một lí do khác mà các địa phương miền núi gặp khó khi giữ chân giáo viên là môi trường công tác chưa đủ hấp dẫn. Khi có cơ hội làm việc trong môi trường, thu nhập tốt hơn thì địa phương khó giữ được thầy cô ở lại.
Theo cô Hải, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm đang triển khai dạy học 2 buổi/ngày, theo yêu cầu thì cần đến 1,5 giáo viên/lớp mới đảm bảo được chất lượng. Tuy nhiên, do số lượng giáo viên hiện có của trường chưa đủ nên nhà trường buộc phải để giáo viên kiêm nhiệm thêm một số việc ngoài nhiệm vụ ban đầu của thầy cô. Khi giáo viên phải đảm nhận nhiều công việc sẽ dẫn đến áp lực công việc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần làm việc và chất lượng giảng dạy của giáo viên..
Cần có chính sách đãi ngộ thực sự hấp dẫn để thu hút và giữ chân giáo viên
Còn theo một vị hiệu trưởng tại tỉnh Hậu Giang chia sẻ, ngoài cơ sở vật chất trong dạy học ở các vùng sâu, vùng xa có những khác biệt so với vùng đồng bằng thì hiện nay nhà trường cũng đang xảy ra tình trạng thiếu hụt giáo viên dẫn đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp nhiều khó khăn, việc thiếu giáo viên ở các môn như Tin học, tiếng Anh.
Đặc biệt với môn tiếng Anh, từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, môn tiếng Anh đã được dạy từ lớp 3 đến lớp 5, song nhà trường không có đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Đây là một vấn đề nan giải, đặc biệt là đối các trường vùng cao, nơi mà nguồn nhân lực giáo viên có chất lượng còn rất hạn chế. Việc này cũng gây khó khăn nếu muốn triển khai việc dạy môn này thuận lợi, nhất là với nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 rất cần đầu tư thêm về đội ngũ.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, vị hiệu trưởng này cho rằng, trước tiên, nhà trường sẽ tích cực phối hợp, nỗ lực tìm cách bổ sung thêm giáo viên, đặc biệt là cho các môn tích hợp, nhằm đảm bảo rằng việc dạy và học được triển khai hiệu quả.
Đồng thời, cần có những chính sách thu hút giáo viên hơn nữa, đặc biệt là giáo viên tại địa phương cũng như có những chính sách hỗ trợ xây nhà công vụ, bố trí quỹ đất hỗ trợ cho giáo viên. Ngoài ra, cần bổ sung biên chế cho giáo viên, bởi mức lương hợp đồng hiện nay vẫn còn thấp, đặc biệt với những môn tiếng Anh, Tin học khi mà thầy cô có nhiều cơ hội việc làm lương cao hơn.
Còn theo cô Hoàng Thị Thanh Hải, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là ở vùng cao, bên cạnh chính sách đãi ngộ, cần chú trọng cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, nhất là những người đang công tác xa nhà. Bởi khi không thể yên tâm giảng dạy, chất lượng công việc bị ảnh hưởng, giáo viên sẽ có xu hướng rời bỏ vùng khó. Việc giữ chân đội ngũ này sẽ tiếp tục là thách thức lớn nếu không có những giải pháp toàn diện và bền vững.
Ngoài ra, cần có thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ thông qua các chính sách đặc thù, thiết thực và lâu dài dành cho đội ngũ giáo viên đang công tác tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu, đặc biệt là những thầy cô trẻ mới ra trường để họ yên tâm công tác.
Nếu giáo viên có đời sống ổn định và môi trường làm việc tốt, họ sẽ toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đây là yếu tố then chốt nâng cao chất lượng dạy học và thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.
Ngoài giải quyết bài toàn thiếu giáo viên, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục ở những địa bàn khó khăn thì trước hết cần có đầy đủ cơ sở vật chất, kiên cố, đủ phòng học, trang thiết bị giảng dạy như bảng, bàn ghế, đồ dùng học tập và công nghệ hỗ trợ phù hợp.