Ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa không chỉ là trụ cột của các ngành sản xuất hiện đại mà còn là mắt xích quan trọng trong xu hướng công nghệ toàn cầu như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và các giải pháp giảm phát thải carbon.
Đây là ngành học đi đầu trong việc thiết kế và triển khai các hệ thống tự động thông minh, giúp tối ưu hóa hiệu suất, tiết kiệm tài nguyên, và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự động hóa trở thành yếu tố không thể thiếu trong mọi ngành nghề kỹ thuật. Chính vì thế, ngành này không chỉ mang lại thu nhập hấp dẫn mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp bền vững, với triển vọng phát triển không ngừng trong tương lai.
Ngành học của xu thế công nghệ hiện đại đòi hỏi nắm vững kiến thức nền tảng của Toán, Vật lý
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Việt Phương - Trưởng khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định xu thế phát triển nhanh của ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa trong bối cảnh hội nhập.
“Ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa được đánh giá là ngành học có tính ứng dụng thực tiễn cao, cho phép sinh viên học hỏi và phát triển các giải pháp kỹ thuật sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức của thực tiễn công nghiệp.
Bên cạnh đó, lĩnh vực Tự động hóa là một trong bốn trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên thị trường lao động hiện nay đang có nhu cầu nhân lực rất lớn từ các công ty trong và ngoài nước. Sự hiện diện của Tự động hóa được đẩy mạnh trong hàng loạt các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông, y tế,...
Điều này tạo ra cơ hội việc làm đa dạng và tiềm năng phát triển tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo các thống kê hàng năm, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa tại Đại học Bách khoa Hà Nội đều trên 90%”, Tiến sĩ Phạm Việt Phương bày tỏ.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đặng Thái Sơn - Viện trưởng, Viện Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Vinh nhấn mạnh sức hút của ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa đến từ chính vai trò ngày càng quan trọng của tự động hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là lĩnh vực có tính ứng dụng rất rộng - từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông thông minh cho đến y tế hiện đại.
“Hiện nay, nhiều tập đoàn công nghệ và sản xuất lớn trong và ngoài nước đã và đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, kéo theo nhu cầu lớn về kỹ sư có chuyên môn tốt. Cơ hội việc làm rất rộng mở, mức thu nhập khá hấp dẫn, và quan trọng hơn, người học có thể làm việc trong một lĩnh vực năng động, liên tục đổi mới và có nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Có thể nói, thí sinh chọn ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa không chỉ là bắt kịp xu thế công nghệ của thời đại, mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng trong tương lai”, đại diện Trường Đại học Vinh chia sẻ.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Giao thông Vận tải, để theo học tốt ngành này, thí sinh cần có nền tảng kiến thức vững chắc về Toán và Vật lý - những môn học then chốt liên quan trực tiếp đến các môn chuyên ngành.
Ngoài ra, khả năng tư duy logic, sáng tạo, tinh thần học hỏi và sự năng động cũng là những yếu tố quan trọng giúp sinh viên phát triển bền vững trong môi trường học tập và làm việc có tính kỹ thuật cao.
“Đặc biệt, môn Toán rất quan trọng trong ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Nếu thiếu nền tảng Toán học, sinh viên sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khái niệm cốt lõi. Ngoài ra, kỹ năng ngoại ngữ - dù không yêu cầu quá khắt khe - cũng sẽ là lợi thế lớn nếu sinh viên muốn tiếp cận tài liệu chuyên sâu hoặc làm việc trong môi trường quốc tế”, thầy Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Thái Sơn cho biết các tổ hợp xét tuyển phổ biến vào ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa là A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), cùng với một số tổ hợp khác tùy theo quy định của từng trường đại học.
Đây là những môn học phản ánh tốt khả năng tư duy logic, phân tích và giải quyết vấn đề của thí sinh. Ngoài điểm thi đầu vào, một số trường cũng kết hợp xét học bạ hoặc kết quả thi đánh giá năng lực do các đại học quốc gia tổ chức để có cái nhìn toàn diện hơn về năng lực học tập của thí sinh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT) hay hệ thống điều khiển thông minh, sinh viên ngành này cần không ngừng cập nhật tri thức, có tinh thần học hỏi và khả năng thích nghi nhanh với sự thay đổi của công nghệ.
Nhu cầu nhân lực lớn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa hiện nay đang mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.
Trưởng khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa có thể làm việc trong các lĩnh vực như tự động hóa dây chuyền sản xuất, nhà máy thông minh, hệ thống điều khiển giám sát trong sản xuất công nghiệp, robot công nghiệp, các hệ thống tự động trong ngành công nghiệp ô tô, hàng không, y tế và nhiều ngành công nghiệp khác.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tiếp tục học tập nghiên cứu ở bậc đào tạo cao hơn hoặc mở rộng kỹ năng để đảm nhiệm các vị trí quản lý hoặc phát triển các dự án công nghệ cao.
“Khoa Tự động hóa nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung hiện đang có nhiều chương trình hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong ngành để giúp sinh viên có điều kiện trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.
Có thể kể tên một vài đối tác tiêu biểu là nơi có nhiều cựu sinh viên của ngành đang làm việc như Viettel, Vinfast, Samsung, ABB, Unilever, Nestle,… Qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp, nhà trường triển khai chương trình thực tập, đào tạo, dự án doanh nghiệp giúp sinh viên nâng cao năng lực chuyên môn, cải thiện kỹ năng mềm để có thể dễ dàng tiếp cận thị trường lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là những lợi thế lớn giúp sinh viên có thể tự tin bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp”, thầy Phương thông tin.
Trong khi đó, Viện trưởng, Viện Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Vinh khẳng định, nhà trường luôn chú trọng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Một điểm mạnh nổi bật của ngành học này là mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Hàng năm, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đến trực tiếp trường để tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyển dụng sinh viên ngay tại chỗ. Trung bình mỗi năm có khoảng 6-7 doanh nghiệp lớn phối hợp với nhà trường tổ chức các chương trình định hướng nghề nghiệp và tuyển dụng thực tập sinh.
Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để sinh viên được cọ xát thực tế sớm nhất có thể. Nhiều em khi đi thực tập đã được ký hợp đồng làm việc ngay tại doanh nghiệp. Đây là một lợi thế rất lớn để sinh viên có thể tự tin bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp”, thầy Sơn cho biết thêm.

Tốc độ phát triển của công nghệ là thách thức đòi hỏi trường đại học nâng cao chất lượng
Theo Tiến sĩ Phạm Việt Phương, quá trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa tại Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay ghi nhận nhiều thuận lợi song cũng đối mặt với không ít thách thức.
Về mặt thuận lợi, nhà trường sở hữu hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là các phòng thí nghiệm được trang bị đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu thực hành và nghiên cứu của chương trình đào tạo. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và thực tiễn công nghiệp, là nền tảng quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đồng thời, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của trường với các doanh nghiệp và tổ chức lớn mang lại nhiều cơ hội học bổng, thực tập và trải nghiệm thực tế cho sinh viên. Đây cũng là ngành học nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội, tạo thêm động lực để nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ đặt ra yêu cầu chương trình đào tạo phải liên tục được cập nhật để phù hợp với thực tiễn. Là một ngành gắn liền với sản xuất công nghiệp, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa đòi hỏi môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, có tính ứng dụng cao, khiến nhà trường phải chủ động tìm kiếm các nguồn đầu tư và tài trợ để nâng cấp cơ sở vật chất.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Các doanh nghiệp ngày càng yêu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng cao, tư duy sáng tạo và khả năng làm chủ công nghệ mới.
Trước yêu cầu đó, nhà trường thường xuyên cập nhật chương trình, mở rộng hợp tác doanh nghiệp và đẩy mạnh hoạt động thực hành, nghiên cứu ứng dụng. Qua đó, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn sẵn sàng thích ứng và làm chủ công nghệ khi gia nhập thị trường lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp trong tương lai.

Trong khi đó, Viện trưởng, Viện Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Vinh nhận định: “Thách thức không nhỏ trong đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa là việc liên tục cập nhật công nghệ mới, bởi ngành này phát triển rất nhanh, đòi hỏi nhà trường phải đầu tư liên tục vào trang thiết bị và phương pháp giảng dạy để theo kịp xu hướng.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt, các lĩnh vực quan trọng như tự động hóa trong sản xuất, giao thông thông minh,... đều cần lực lượng lao động có khả năng thiết kế, triển khai và vận hành các hệ thống tự động.
Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu này. Bên cạnh việc đào tạo kiến thức chuyên môn vững vàng, chúng tôi cũng chú trọng phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, và khả năng giải quyết vấn đề cho sinh viên. Các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, cơ hội thực tập tại những công ty, đối tác trong ngành tự động hóa giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận công việc thực tế".
Trong khi đó, Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng đào tạo ngành này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa tại Trường Đại học Giao thông Vận tải được rà soát và cập nhật định kỳ khoảng 3 năm một lần. Việc bổ sung các nội dung mới, công nghệ hiện đại và xu hướng toàn cầu giúp sinh viên tiếp cận kịp thời với yêu cầu từ thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.