Học sinh thích thú với nhiều bài toán ứng dụng trong SGK Toán lớp 10

11/03/2023 07:45
Bài và ảnh: Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tăng cường hoạt động nhóm cho HS chủ động tự “ra đề”, làm bài, nhận xét, đánh giá và giới thiệu các bài toán ứng dụng, GV tạo hứng thú môn Toán với HS.

Học sinh hứng thú với việc... thử “ra đề” Toán

Chiều ngày 10/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề “Đánh giá năng lực phát triển của học sinh trong bài dạy” tại Trường Trung học phổ thông Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Tham gia dự giờ trực tiếp, có Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) và các giáo viên môn Toán thuộc các trường trung học phổ thông cụm Tây Hồ - Ba Đình.

Đồng thời, các thầy cô là tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn và các giáo viên môn Toán (không có giờ dạy) tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, cùng theo dõi và trao đổi chuyên môn qua hình thức trực tuyến.

Mở đầu là tiết dạy môn Toán, bộ sách Cánh Diều của thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng - giáo viên Toán (Trường Trung học phổ thông Tây Hồ) với 48 học sinh lớp 10D8.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng - giáo viên Toán (Trường Trung học phổ thông Tây Hồ) trong giờ luyện tập với 48 học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng - giáo viên Toán (Trường Trung học phổ thông Tây Hồ) trong giờ luyện tập với 48 học sinh.

Trong buổi học, học sinh được chia nhóm hoạt động, nhận các phiếu học tập với những nhiệm vụ khác nhau. Đáng chú ý, thầy Hoàng cho nhóm học sinh được trải nghiệm vai trò “ra đề” với phương trình đường tròn, sau đó các nhóm sẽ trao đề chéo cho nhau để giải và học sinh tự nhận xét bài làm của các nhóm khác.

Sau các hoạt động nhóm, thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng giới thiệu đến học sinh những bài toán ứng dụng thông qua video clip và gợi mở để học sinh về nhà tìm hiểu thêm, thực hiện các nhiệm vụ tương tự ở phiếu bài tập.

Học sinh hoạt động nhóm.

Học sinh hoạt động nhóm.

Kết thúc tiết học, học sinh Phùng Ngọc Hà (lớp 10D8) cho biết: “Nội dung môn Toán ở lớp 10 hiện tại đối với em khá là dễ hiểu. Trước đây, đối với chương trình lớp 9, em thường chỉ ngồi học ở trên lớp thông qua việc nghe thầy cô giảng, sau đó làm bài tập tại lớp và bài tập về nhà. Còn bây giờ, với chương trình lớp 10, chúng em lên lớp thường được thực hành nhiều hơn, thầy chỉ là người hướng dẫn, và vì đã tự tìm hiểu trước ở nhà nên cũng phần nào dễ nắm bắt hơn.

Trong giờ Toán hôm nay, em thích nhất là phần hoạt động nhóm, có sự trao đổi phiếu học tập cho nhau, nhóm này ra đề cho nhóm kia làm bài và sau đó là nhận xét... Hôm nay, cũng có một trải nghiệm lần đầu tiên đối với chúng em, đó là được thử ra đề theo phiếu học tập, mặc dù còn khá bỡ ngỡ, nhưng thông qua đó, ít nhiều chúng em cũng đã hiểu bài hơn”.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông tham gia dự giờ.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông tham gia dự giờ.

Với học sinh Nguyễn Khánh Vy (lớp 10D8), ấn tượng lớn nhất lại nằm ở những bài toán ứng dụng. “Trong tiết hôm nay, em thấy phần giới thiệu và liên hệ bài toán ứng dụng là hấp dẫn nhất, vì chúng em được áp dụng vào thực tế, như vậy, môn Toán đã gần gũi với đời sống hơn... Ngoài ra, trong các hoạt động nhóm, em cũng khá thích phần các nhóm nhận xét chéo cho nhau, bởi vì em có thể học từ chính những lỗi sai của các bạn” - nữ sinh chia sẻ.

Hai nữ sinh Phùng Ngọc Hà (bên phải) và Nguyễn Khánh Vy đều rất hứng thú với giờ Toán.

Hai nữ sinh Phùng Ngọc Hà (bên phải) và Nguyễn Khánh Vy đều rất hứng thú với giờ Toán.

Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Nguyễn Văn Hoàng bày tỏ: “Chương trình đã có sự thay đổi rất lớn với nhiều ưu điểm. Chẳng hạn, chương trình đã chuyển quyền chủ động từ phía giáo viên về phía học sinh; tức là, ở chương trình cũ, giáo viên phải chủ động để dẫn dắt, gợi mở, đưa ra kiến thức để học sinh tiếp nhận. Còn đối với chương trình mới, như sách giáo khoa bộ Cánh Diều này đã được viết theo đúng mô hình để học sinh tự tìm hiểu kiến thức, sau đó sẽ thảo luận với nhau tại lớp, giáo viên sẽ chốt lại kiến thức để học sinh tiếp tục tìm hiểu. Đây cũng là một ưu điểm, để học sinh có thể chủ động tiếp cận kiến thức và phát triển một cách tích cực, sáng tạo.

Ví dụ như trong tiết luyện tập hôm nay, tôi đã chuẩn bị rất nhiều phiếu học tập để học sinh có thể luyện theo từng khả năng phát triển như: Nắm bắt kiến thức cơ bản, áp dụng giải quyết bài toán, vận dụng, hình thành các bài toán dạng mô hình hóa toán học,... Sau đó, giáo viên sẽ chấm các phiếu học tập, để biết năng lực của mỗi học sinh, và có hướng giúp các em tiến bộ hơn.

Một ví dụ về bài toán ứng dụng trong phần luyện tập Phương trình đường tròn.

Một ví dụ về bài toán ứng dụng trong phần luyện tập Phương trình đường tròn.

Thông qua các hoạt động nhóm, học sinh được rèn luyện khả năng giao tiếp, khả năng hợp tác và cảm thấy mình có trách nhiệm hơn cũng như sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kiến thức của mình với các bạn.

Về phía giáo viên, chúng tôi cũng phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, đặc biệt, trong quá trình lên lớp, có những tình huống sẽ có thể xảy ra, chẳng hạn khi học sinh đặt ra một bài toán thực tiễn, thì giáo viên phải giải quyết ngay trên lớp… Như vậy, bản thân giáo viên cũng sẽ phải trau dồi rất nhiều về kiến thức chuyên môn cũng như cập nhật những kiến thức xã hội mới”.

Các bài toán ứng dụng giúp khơi gợi tình yêu với môn học

Sau khi dự giờ giảng, thầy Đinh Hữu Lâm - chuyên viên Toán (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, vẫn còn những khó khăn nhất định: “Qua dự các giờ giảng tại các trường trung học phổ thông, tôi nhận thấy các thầy cô vẫn còn gặp một số khó khăn.

Thứ nhất, học sinh của chúng ta đã học từ lớp 1 đến lớp 9 theo chương trình cũ và bây giờ phải học theo chương trình mới. Thứ hai, các thầy cô trong trường phải vừa dạy chương trình cũ với lớp 11 và 12, vừa dạy chương trình mới với lớp 10. Thứ ba, khó khăn trong việc đổi mới về kiểm tra đánh giá năng lực học sinh...

Từ đó, Phòng Giáo dục trung học đã tổ chức chuyên đề về Đổi mới phương pháp dạy học và Đánh giá năng lực phát triển của học sinh trong bài dạy”.

Ông Đinh Hữu Lâm (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) phát biểu.

Ông Đinh Hữu Lâm (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) phát biểu.

Ông Lâm bày tỏ: “Thông qua buổi trao đổi, thảo luận hôm nay, tôi mong các thầy cô có thể nhận xét về tiết dạy của thầy Hoàng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để chúng ta có thể hoàn thiện, làm tốt hơn trong thời gian tới”.

Trao đổi về tiết dạy, thầy Nguyễn Trọng Hiệp - Tổ trưởng tổ Toán (Trường Trung học phổ thông Bắc Thăng Long, Hà Nội) đánh giá: “Giờ luyện tập vừa rồi của thầy Hoàng đã có những ý tưởng rất hay và mới mẻ. Việc chia 3 nhóm học sinh trong lớp cùng được thử ra đề và làm bài thực sự rất hay, tôi sẽ học hỏi để áp dụng vào các tiết dạy học của mình...”.

Thầy Nguyễn Trọng Hiệp - Tổ trưởng tổ Toán (Trường Trung học phổ thông Bắc Thăng Long) cho biết sẽ áp dụng ý tưởng tổ chức hoạt động nhóm cho các tiết dạy cả mình.

Thầy Nguyễn Trọng Hiệp - Tổ trưởng tổ Toán (Trường Trung học phổ thông Bắc Thăng Long) cho biết sẽ áp dụng ý tưởng tổ chức hoạt động nhóm cho các tiết dạy cả mình.

Thầy Nguyễn Như Tùng - Tổ trưởng tổ Toán - Tin (Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội) chia sẻ: “Là một trong những thầy cô dự giờ trực tiếp, tôi cũng nắm bắt được bài dạy rõ hơn các thầy cô dạy trực tuyến. Tiết dạy đã thể hiện rất tốt sự phối hợp giữa trình bày bảng và máy chiếu, đồng thời cũng đã thể hiện được tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, các hoạt động đã phát huy được sự chủ động của học sinh.

Thứ hai, thầy giáo cũng chú ý đến các ứng dụng toán học trong thực tiễn, đây cũng là điểm phổ biến trong sách giáo khoa mới, các bài toán thực tế được đưa vào rất nhiều. Hệ thống các phiếu bài tập cũng hết sức đa dạng, cả thầy và trò đều phải hoạt động rất tích cực cả trước, trong và sau giờ học.

Tuy nhiên, tôi cũng xin được trao đổi thêm, hệ thống câu hỏi trong phiếu bài tập có thể đa dạng hơn. Ngoài những dạng như điền khuyết và trắc nghiệm 4 lựa chọn, tôi cho rằng, chúng ta có thể rèn cho học sinh thêm những dạng khác như chọn đúng - sai hoặc ghép đôi, để cùng một vấn đề nhưng với cách thức hỏi khác nhau, học sinh có thể tư duy được nhiều góc độ hơn”.

Thầy Nguyễn Kim Cương - Tổ trưởng tổ Toán (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: “Trong buổi hôm nay, có 3 điều khiến tôi rất tâm đắc. Thứ nhất, các hoạt động được đưa ra hết sức hợp lý, đặc biệt là khi nhiều thầy cô vẫn đang băn khoăn môn Toán có những đặc thù riêng khác với những môn học khác, phải tổ chức hoạt động nhóm như thế nào để hiệu quả... thì giờ dạy hôm nay đã tổ chức rất vừa vặn.

Thứ hai, chính là các bài toán ứng dụng vào thực tế, có thể khơi gợi tình yêu với môn Toán cho các em học sinh, vì nhìn thấy được vai trò trong thực tiễn. Thứ ba, năng lực của học sinh thực sự phải được hình thành qua các hoạt động và được các thầy cô thiết kế trong bài giảng”.

Thầy Nguyễn Kim Cương - Tổ trưởng tổ Toán (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội) chia sẻ về những điều tâm đắc trong tiết dạy tại Trường Trung học phổ thông Tây Hồ.

Thầy Nguyễn Kim Cương - Tổ trưởng tổ Toán (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội) chia sẻ về những điều tâm đắc trong tiết dạy tại Trường Trung học phổ thông Tây Hồ.

Bên cạnh đó, góp ý với tiết dạy của Trường Trung học phổ thông Tây Hồ, thầy Nghiêm Ngọc Phương - Tổ trưởng tổ Toán - Tin (Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ) cho rằng: “Với một tiết học 45 phút theo tôi, nên thiết kế nội dung đơn giản hơn, đưa lượng kiến thức ít hơn để học sinh có thể nắm được kỹ hơn. Ngoài ra, việc mô hình hóa bài toán thực tế, cần được xây dựng tự nhiên hơn nữa”.

Nhận xét thêm về tiết dạy, ông Lâm cũng phân tích: “Bên cạnh những ý mà các thầy cô đã tham gia thảo luận, tôi cũng xin đề cập thêm trong việc kiểm tra đánh giá học sinh. Chẳng hạn, khi một học sinh mặc dù đã có đủ điểm nhưng vẫn hăng hái giơ tay phát biểu, xung phong làm bài, giáo viên có thể trao cơ hội bằng cách cộng điểm cho học sinh, điểm hôm nay đã cộng thì có thể để cộng vào điểm hôm sau... Có nghĩa là thầy cô có thể chủ động trong đánh giá học sinh.

Thứ hai, khi một học sinh phát biểu sai, thầy cô nên để học sinh giải thích về lỗi sai đó, phải cho học sinh cơ hội để học thông qua chính lỗi sai của mình”.

Cơ hội vàng để hiểu thực tiễn, điều chỉnh việc viết sách kịp thời

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán Tin (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đồng thời cũng là Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông đánh giá: “Theo tôi, nhìn một cách tổng thể, tiết Luyện tập Phương trình đường tròn ngày hôm nay của thầy Nguyễn Văn Hoàng đã rất thành công, thành công trên 3 ý chính.

Thứ nhất, thầy giáo đã hiểu nội dung cơ bản của bài học đó dưới góc độ chương trình mới, dưới góc độ đổi mới phương pháp dạy học như chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán Tin (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phát biểu tại buổi chuyên đề.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán Tin (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phát biểu tại buổi chuyên đề.

Thứ hai, thầy giáo đã rất sáng tạo trong việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực hóa những kỹ thuật dạy học mới mẻ, đã động viên và thực sự lôi cuốn các em học sinh tham gia vào các hoạt động học tập trong suốt giờ học. Và đó chính là tiền đề căn cốt để hình thành và phát triển năng lực cho học sinh.

Thứ ba, về mặt sư phạm, một quy trình dạy học với nhịp độ, tốc độ phù hợp với học sinh, để học sinh có thể nắm bắt được bài học tại lớp, đồng thời nắm bắt được các công việc mà giáo viên yêu cầu, học sinh tự mình làm những công việc đó để phát huy năng lực.

Tất nhiên, mỗi giờ học dù có tốt đến mấy, có thể cũng sẽ có những vấn đề cần phải luôn luôn cải tiến.

Đối với những người biên soạn sách giáo khoa như chúng tôi, dự một giờ học như thế là rất bổ ích, cho chúng tôi một cơ hội vàng để nhìn thấy cuốn sách giáo khoa được sử dụng, triển khai trong thực tiễn như thế nào, giúp chúng tôi biết được thầy cô giáo và các em học sinh đang gặp những khó khăn gì trong quá trình dạy và học... Từ những chia sẻ trong cuộc đối thoại mở, giúp người soạn sách giáo khoa có thể có những điều chỉnh kịp thời trong việc viết những cuốn sách ở các năm tiếp theo”.

“Điều tôi cho rằng cần phải cải tiến nhiều nhất là nội dung giờ học cần phải giảm tải hơn nữa. Phải cố gắng chắt lọc hơn nữa bởi vì chỉ có thực sự giảm tải, thực sự tinh giản, chỉ nhấn mạnh những học vấn cốt lõi, thì chúng ta mới có thời gian, không gian để hình thành phát triển năng lực cho học sinh” - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Ngân Chi