Học tập để trở thành con người tự do và làm việc có ích cho xã hội

17/01/2021 10:14
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời đại 4.0 cho phép các em học tập mọi lúc, mọi nơi, các em cần học tập suốt đời, biết chấp nhận rủi ro, không ngại khó khăn và không ngừng phấn đấu, vươn lên.

Ngày 16/01/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 (Lục Ngạn - Bắc Giang) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hơn 1.500 học sinh của Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 đã say sưa lắng nghe, giao lưu chia sẻ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Học tập là hành trình không có điểm dừng

Là một người am hiểu sâu rộng về lĩnh vực khoa học, công nghệ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã mang đến cho các em học sinh bức tranh toàn cảnh về thời đại 4.0.

Giáo sư đã đưa các em đi từ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến những công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và ảnh hưởng sâu sắc, tác động mạnh mẽ vào cuộc sống của con người trên khắp thế giới.

Học sinh của Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 không khỏi bất ngờ trước những câu chuyện về robot, xe tự hành, về những trang trại số hóa, thành phố thông minh,... qua lời kể của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Học sinh say sưa lắng nghe những câu chuyện về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh say sưa lắng nghe những câu chuyện về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Ảnh: Phạm Minh)

Những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà giáo sư đã chứng kiến, đã được trải nghiệm chính là những minh chứng sinh động, hấp dẫn nhất đối với các em học sinh.

Bên cạnh đó, giới thiệu của giáo sư về công nghệ in 3D, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối,.... đã "vén màn" bức tranh của thời đại công nghệ số hóa ngày nay.

Chúng ta đang được thừa hưởng những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng 4.0 nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức, phải đối mặt với nhiều xáo trộn, nỗi lo trong cuộc sống.

Chính vì vậy, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi đến các em những lời khuyên ý nghĩa để chuẩn bị hành trang bước chân vào thời đại 4.0.

Thứ nhất, hãy học tập những người thầy xung quanh ta, đó là các thầy cô giáo, là bố mẹ, là bạn bè,... Đặc biệt, thời đại công nghệ các em không thể bỏ qua một người thầy đặc biệt - "Google". Người thầy ấy sẽ giúp các em giải đáp mọi thông tin, giúp các em trả lời vô vàn câu hỏi mà các em đang tìm đáp án.

Thứ hai, các em phải làm ngay những việc cần làm. Nếu chỉ biết ỷ lại, nếu lười biếng, các em sẽ bị bỏ lại phía sau giữa guồng quay phát triển của thế giới.

Thứ ba, các em cần học tập suốt đời, học mọi lúc mọi nơi. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, bản thân giáo sư đang soạn cuốn từ điển Anh - Việt chuyên ngành Công nghệ sinh học. Mặc dù năm nay thầy đã 83 tuổi nhưng vẫn miệt mài học tập, làm việc. Con đường học tập vốn không có điểm dừng, dù có tạo dựng được thành công nào đó cũng không có nghĩa là mình ngừng học.

Ngoài ra, thế hệ trẻ muốn tạo dựng thành công khi hòa mình vào làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải có tinh thần vượt khó, biết chấp nhận rủi ro, biến khó khăn thành cơ hội.

Các em cũng cần luôn luôn khiêm nhường, không tự cao tự đại; biết quản lý cảm xúc, không nóng nảy, giận giữ; phải sống hạnh phúc trong sự thanh thản, lạc quan, khỏe mạnh; phải có lòng biết ơn với công lao của mọi người, phải biết giữ lời hứa, tôn trọng những gì bản thân đã cam kết;...

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ học sinh những yêu cầu đặt ra đối với con người thời đại 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ học sinh những yêu cầu đặt ra đối với con người thời đại 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Đặc biệt, cả sân trường nín lặng khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể về hành trình học tập của mình. Giáo sư tốt nghiệp đại học khi chỉ mới 18 tuổi.

Giáo sư từng học 4 trường sư phạm. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy đã được giữ lại trường để dạy môn Vi sinh vật học - một môn học mới chưa được đào tạo ở Việt Nam.

Qua quá trình học hỏi từ thầy Đặng Văn Ngữ, qua việc tự tìm tòi, nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trở thành người đặt nền móng cho môn học này tại Việt Nam.

Giáo sư học ngoại ngữ để học hỏi, tìm kiếm thông tin về bộ môn mới mẻ này. Đến hiện tại, thầy biết 4 ngoại ngữ bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.

Giáo sư còn viết sách giáo khoa - viết nên cuốn sách 600 trang dùng cho các trường đại học về môn vi sinh vật học.

Không dừng lại ở đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bắt đầu thực hiện nghiên cứu khoa học, xây dựng nguồn lực nghiên cứu từ nhỏ đến lớn, ban đầu là Phòng Nghiên cứu chuyên đề về Vi sinh vật học, tiếp theo là Trung tâm Vi sinh vật ứng dụng, tiếp đến là Trung tâm Công nghệ sinh học và cuối cùng là Viện Quốc gia Vi sinh vật học và Công nghệ sinh học.

Và hành trình học tập của giáo sư là một hành trình không có điểm dừng. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi gắm ước mong các em học sinh sẽ học tập suốt đời và làm việc có ích cho xã hội.

Trước câu hỏi của học sinh lớp 12 về vấn đề nên học đại học hay theo nguyện vọng của bố mẹ là đi làm sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh:

"Em hãy học tập để làm con người tự do, tự quyết định con đường, cuộc đời mình. Nếu em có đam mê theo đuổi con đường học tập, hãy bước đi với niềm tin, ý chí, không sợ hãi, không nhụt chí trước khó khăn".

Khi được biết nguyện vọng học sinh thi vào ngành du lịch, giáo sư khuyên em phải trang bị đầy đủ kiến thức, phải có phong thái tự tin, phải học ngoại ngữ và bồi đắp những cảm xúc trong tâm hồn,...

Để truyền động lực cho các em học sinh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể cho các em nghe những câu chuyện về tấm gương vươn lên trong cuộc sống.

Đó là câu chuyện về Lê Thị Thắm, dù không có hai tay nhưng đã tập viết bằng chân, đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa. Thắm còn trở thành giáo viên Tiếng Anh dạy học miễn phí cho các em trong làng mình.

Tấm gương em Trần Hồng Giang, dù liệt cả tay cả chân nhưng lại trở thành nhà thơ nổi tiếng, có khả năng đánh máy cực nhanh chỉ bằng nửa chiếc đũa ngậm ở miệng, trở thành diễn giả truyền cảm hứng tới bao người.

Đặc biệt anh Trịnh Xuân Mười dù học đến lớp 6 nhưng trở thành tỉ phú nhờ ý tưởng trồng cây Bơ thay cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên. Anh cũng là người mang giống bơ Úc về Việt Nam, giúp người nông dân thay đổi cuộc sống từ việc trồng bơ.

Thầy giáo Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lục Ngại số 2 tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Thầy giáo Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lục Ngại số 2 tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Kết thúc buổi hội thảo, thầy giáo Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lục Ngại số 2 đã chia sẻ sự trân trọng, biết ơn đối với những chia sẻ ý nghĩa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Thầy Thi cũng gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo ý nghĩa giúp các em học sinh chuẩn bị hành trang bước vào thời đại 4.0.

Ngôi trường miền núi vượt khó với nhiều thành tích nổi bật

Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 tiền thân là Trường Phổ thông cấp 2 + 3 Tân Hoa, được tách ra từ trường phổ thông cấp 2 + 3 Tân Hoa theo Quyết định số 105/QĐ-UB ngày 05 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều thiếu thốn, thiếu phòng học phải học nhờ tại Trường Tiểu học Tân Hoa. Năm học 1996 – 1997 là năm học đầu tiên, toàn trường chỉ có 08 lớp (02 lớp cấp Trung học phổ thông, 06 lớp cấp Trung học cơ sở) với 290 học sinh (85 học sinh cấp Trung học phổ thông và 205 học sinh cấp Trung học cơ sở) cùng 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên(07 giáo viên cấp Trung học phổ thông, 09 giáo viên cấp Trung học cơ sở).

Từ khi thành lập đến nay, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng và phát triển, số lượng giáo viên và học sinh ngày càng tăng. Đến năm học 2020 – 2021, Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 có tổng diện tích 22.951,8 m2 với 38 lớp, 1596 học sinh, 89 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó CBQL: 03; GV: 83; Nhân viên: 03; Đảng viên: 38; Thạc sĩ: 07; Đại học: 81; Cao đẳng: 0; Trung cấp: 01).

Cơ sở vật chất nhà trường được trang bị tương đối đầy đủ, khang trang, khuôn viên nhà trường sạch, đẹp, có đầy đủ thiết bị phục vụ dạy và học. Ban lãnh đạo nhà trường luôn đoàn kết, có nhiều biện pháp tích cực nhằm đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Chất lượng dạy và học luôn được nhà trường chú trọng, từ năm 1996 đến nay, Chi bộ nhà trường luôn đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh và được Ban Thường vụ Huyện uỷ Lục Ngạn tặng nhiều giấy khen cho tập thể và cá nhân. Năm 2017, Chi bộ nhà trường được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang tặng cờ thi đua “Chi bộ Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 đạt Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm năm liền, giai đoạn 2013 – 2017”.

Từ khi thành lập đến nay, nhà trường nhiều năm liền đạt chuẩn “Cơ quan văn hóa cấp tỉnh”, liên tục được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” trở lên, trong đó năm học 2017-2018 và 2019-2020 nhà trường được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức quần chúng luôn đạt danh hiệu Vững mạnh và Vững mạnh xuất sắc.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Sau 24 năm thành lập, nhà trường có nhiều giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có nhiều giáo viên được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Đến năm học 2020 – 2021, nhà trường có 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn, đội ngũ giáo viên đồng đều về chuyên môn, nghiệp vụ, qua kiểm tra đánh giá 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp.

Đặc biệt, nhà trường luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Không chỉ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học các bộ môn văn hóa, nhà trường còn chú trọng nhiều hơn đến việc tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, thẩm mỹ cho học sinh.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, mặc dù nhà trường còn nhiều khó khăn, nhất là về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tích, từng bước khẳng định được vị thế của mình trong ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" tại Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2:

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cùng các thầy cô giáo của Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cùng các thầy cô giáo của Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 (Ảnh: Phạm Minh)

Hơn 1500 học sinh Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 tham dự hội thảo (Ảnh: Phạm Minh)

Hơn 1500 học sinh Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 tham dự hội thảo (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh say sưa lắng nghe những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Học sinh say sưa lắng nghe những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Mặc dù số lượng học sinh tham gia hội thảo rất đông nhưng các em vẫn luôn lắng nghe, chia sẻ, giao lưu nhiệt tình cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Mặc dù số lượng học sinh tham gia hội thảo rất đông nhưng các em vẫn luôn lắng nghe, chia sẻ, giao lưu nhiệt tình cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Nhiều em học sinh đặt câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp, hướng nghiệp trong thời đại 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Nhiều em học sinh đặt câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp, hướng nghiệp trong thời đại 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Phần trao đổi, giao lưu vui vẻ, thân thiết giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và các em học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Phần trao đổi, giao lưu vui vẻ, thân thiết giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và các em học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sách cho các em học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sách cho các em học sinh (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp hình kỷ niệm cùng học sinh Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp hình kỷ niệm cùng học sinh Trường Trung học phổ thông Lục Ngạn số 2 (Ảnh: Phạm Minh)

THThầy cô giáo chụp hình kỷ niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Thầy cô giáo chụp hình kỷ niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Phạm Minh)

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Phạm Minh