Học trò cũ, sao để thầy cô mang quà biếu mình như thế?

16/11/2019 07:41
Trúc Hạ
(GDVN) - Ngày lễ tri ân nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo nhưng đâu đó vẫn còn những kiểu “tri ân ngược” để mua lợi cho cá nhân rất cần lên án để dẹp bỏ.

Sẽ có người thắc mắc “tri ân ngược” là thế nào? Đó là kiểu thầy cô giáo lại mang phong bì, quà cáp đi biếu xén chính học sinh cũ mà mình đã từng dạy trước đây.

Đã có quy định nghiêm cấm biếu quà cáp cấp trên (Ảnh minh họa Vnreview.vn)
Đã có quy định nghiêm cấm biếu quà cáp cấp trên (Ảnh minh họa Vnreview.vn)

Làm chuyện ngược đời này chỉ vì giờ đây học sinh cũ lại là lãnh đạo của thầy cô giáo cũ.

Nếu như trước kia, học trò có thi đỗ đạt làm quan to đến tể tướng, quyền thế chỉ đứng dưới một người mà đứng trên vạn người nhưng khi về làng gặp thầy giáo cũ họ vẫn cung kính, quỳ lạy hành lễ theo đúng đạo thầy trò.

Ngày lễ, Tết vẫn tới thăm thầy với lòng thành kính thì ngày nay, đạo lý ấy đã bị không ít người cơ hội làm đảo lộn lên hết thảy.

Chúng tôi gọi đây là kiểu “tri ân ngược”, là vấn nạn. Bởi, không chỉ xảy ra ở một địa phương mà khá nhiều nơi hiện vẫn đang tồn tại kiểu “tri ân” biến tướng này.

Đây không phải là nét đẹp trong văn hóa của chúng ta mà chính là sự hoen ố trong tâm hồn những kẻ cơ hội cần phải lên án để dẹp bỏ.

Thầy cô cũng phải quà cáp, phong bì cho học trò

Học trò cũ, sao để thầy cô mang quà biếu mình như thế? ảnh 2
Thầy cô nhận hay không nhận quà cũng khổ

Cô M. Trưởng phòng giáo dục huyện K. còn khá trẻ.

Nghe hiệu trưởng trường tôi nói, cô ấy chính là học trò của cô từ hồi còn học lớp 5.

Sau này, khi vừa tốt nghiệp sư phạm ra trường cô hiệu trưởng cũng chính là giáo viên hướng dẫn tập sự cho cô M. những ngày tháng chập chững vào nghề.

Vậy mà từ ngày lên phòng làm cán bộ thì năm nào cô hiệu trưởng của chúng tôi cũng phải lo quà cáp để đi Tết cô M.

Cô giải thích với giáo viên, mình làm như thế là để họ bớt khe khắt cũng là vì anh chị em trong trường mình cả.

Không riêng cô M., cô Y. vốn là chuyên viên của phòng giáo dục phụ trách khối tiểu học.

Cô Y. chính là học trò và là nhân viên của hiệu trưởng một trường của đồng nghiệp tôi.

Từ ngày cô Y. lên làm chuyên viên của phòng, năm nào hiệu trưởng trường bạn cũng phải lo quà cáp, phong bì để đi lễ 20/11 thật chu đáo.

Chúng tôi cũng đã từng hỏi hiệu trưởng của mình, cô học trò cũ nay là trưởng phòng có bao giờ đi thăm cô giáo cũ?

Cô nói trước đang đi dạy thì có nhưng từ khi lên lãnh đạo đã không còn chuyện đó nữa và thay vào đó là cô phải đi thăm trò.

Nhịn miệng đãi khách

Học trò cũ, sao để thầy cô mang quà biếu mình như thế? ảnh 3
Thầy cô nhận hay không nhận quà cũng khổ

Nhiều năm về trước, cứ gần đến ngày 20/11 gần như tất cả các trường học ở quê tôi lại chộn rộn việc mua quà, lo phong bì để đi Tết phòng giáo dục.

Sẽ có 4 người được nhận quà của trường, đó là Trưởng phòng, Phó phòng, Trưởng phòng tổ chức và chuyên viên phụ trách.

Đi quà gì, phong bì bao nhiêu cũng làm các sếp trường đau đầu vì không chỉ phải cân đối số tiền trường có được mà phải nghĩ xem đi bao nhiêu sẽ không bị hố so với các trường láng giềng. Thường nhiều hơn thì được chứ ít hơn nhiều quá cũng khó coi.

Một kế toán tiết lộ, ngân sách không cho chi khoản tiền quà cáp thế nên chi rồi phải nặn óc suy nghĩ chi vào khoản gì cho hợp lý luôn là chuyện không hề đơn giản chút nào.

Vài năm trở lại đây, có quy định cấm lãnh đạo không được nhận quà cáp. Nhiều trường không còn mua quà nữa mà quy tất cả ra tiền để bỏ vào phong bì.

Những chiếc phong bì đựng tiền được kẹp vào tấm thiệp mang lên phòng để tặng.

Chuyện này đã gây điều tiếng không tốt trong giáo viên. Bởi, nhiều trường không có tiền để tổ chức cho giáo viên một ngày lễ cho ý nghĩa (đôi khi tổ chức ăn uống, giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra góp vào), nhưng tiền phong bì đi cấp trên vẫn buộc phải có.

Giáo viên luôn hiểu rằng, đi quà cho cấp phòng là các hiệu trưởng đang lo cho bản thân mình chứ giáo viên thì chẳng bao giờ được hưởng lợi vì điều đó.  

Ngày lễ tri ân nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta nhưng đâu đó vẫn còn những kiểu “tri ân ngược” để mua lợi cho cá nhân như thế rất cần lên án để dẹp bỏ.

Trúc Hạ