Mới đây, Trường Phổ thông liên cấp Newton đã chia sẻ một bức thư tâm huyết của phụ huynh Nguyễn Minh Tuấn (có con học lớp 11A5) gửi tới Hiệu trưởng nhà trường về vấn đề dạy trực tuyến cho học sinh trong thời gian chống dịch, chưa thể trở lại trường. Bức thư nhận được sự quan tâm của hàng nghìn học sinh, phụ huynh.
Dịch bệnh do Covid-19 xảy ra thực sự là nỗi lo âu rất lớn của phụ huynh học sinh trong cả nước.
Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ khi các trường học Việt Nam đồng loạt quyết định cho học sinh ở nhà tránh dịch. Đây cũng là thời gian rất thích hợp để chúng ta cùng suy nghĩ về chuyện này, bởi lẽ chương trình giáo dục con em phải được vận hành suôn sẻ.
Tôi xin đặt ra một số vấn đề và những khả năng thích ứng.
1) Học sinh có tiếp tục ở nhà không?
Rõ ràng, Covid-19 và những biến chủng của nó rất khó lường, đã và đang gây hoang mang cho cả nhân loại.
Châu Âu và Hoa Kỳ đang gánh chịu những thách thức ghê gớm của việc này, ở đó nhiều trường học đã đóng cửa và chuyển sang hình thức dạy học hiệu quả khác.
Việc mong chờ một quyết định mở cửa trường học ở Việt Nam trước thời điểm bệnh dịch thuyên giảm, hiển nhiên là viển vông. Không ai biết được khi nào bệnh dịch ngừng lây lan.
Cô và trò lớp 5G1-New trong giờ học online “Hội vui học tập”. |
2) Ở nhà có đồng nghĩa với nghỉ học không?
Rõ ràng bạn sẽ nói “không” cho câu hỏi này. Tôi cũng phản đối quyết liệt điều: học sinh ở nhà và ngừng học tập.
Con bạn sẽ tự học bài mới ư? Thử hỏi, có bao nhiêu học sinh từ mầm non đến lớp 12 sẽ mở sách ra và có khả năng tự học bài mới ở nhà với sự hứng khởi như ở trường? Con bạn nằm trong số đó không?
Có bao nhiêu trong số hàng triệu học sinh sẵn sàng tự học bài mới một cách hiệu quả? Không ai khác ngoài phụ huynh phải đối mặt với câu hỏi khó khăn này.
Con bạn sẽ làm việc nhà ư? Đây chắc chắn không phải là kỳ vọng duy nhất của phụ huynh, khi mà chúng đang ở độ tuổi đến trường.
3) Quyền được giáo dục của trẻ em?
Theo Luật giáo dục Việt Nam vừa được sửa đổi và Quốc hội thông qua, trẻ em có quyền được giáo dục để trưởng thành và trở thành công dân có ích.
Mọi phụ huynh có quyền đòi hỏi điều này. Mọi trẻ em trong thời kỳ đến trường có quyền yêu cầu các nhà trường và bố mẹ thực thi nhiệm vụ cao cả này. Không đáp ứng điều này được tham chiếu là trái luật.
Vậy là, việc để con em chúng ta ngừng được giáo dục có thể vi phạm luật pháp và trái đạo lý chuẩn mực.
4) Chúng ta sẽ làm gì mà không vi phạm pháp luật?
Việc đặt ra và hiểu câu hỏi này khá dễ dàng, nhưng tìm được câu trả lời thỏa đáng cho nó, thực sự là một thách thức cho mỗi phụ huynh, trong khi trẻ em nên ở nhà để tránh những rủi ro khó lường của bệnh dịch.
Có lẽ, câu trả lời thích hợp nằm ở chỗ, liệu có phương pháp giáo dục khác mà vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả không?
Bằng quan sát cá nhân, tôi chắc chắn rằng ở Châu Âu và Hoa Kỳ, mọi kế hoạch đều được chính phủ hoạch định một cách chặt chẽ và chính xác. Học trực tuyến có thể là phương pháp phù hợp trong tình hình hiện nay.
Tôi tin rằng, một số trường học ở Châu Âu và Mỹ đã sẵn sàng cho câu chuyện này.
Ở Đại học Quốc gia Hà Nội - một trường đại học nằm trong top đầu về chất lượng ở Việt Nam theo một số đánh giá quốc tế, việc học trực tuyến đã và đang được tiến hành từ đầu tháng ba này.
Có những đánh giá khả quan từ những nhà quản trị giáo dục, và phản hồi tích cực từ người học cho cách thức dạy học trực tuyến.
Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, quy trình quản lý và giám sát học sinh học online có vai trò rất quan trọng, đặc biệt với học sinh phổ thông.
Giờ sinh hoạt lớp online của thầy cô và các bạn học sinh lớp 5G0 trường Niu Tơn. |
5) Không có cái nào là hoàn hảo, nhưng luôn tồn tại điều phù hợp?
Điều này dường như là một chân lý vững chắc. Những nghiên cứu về tâm lý trẻ vị thành niên cho thấy, các em độ tuổi này chưa đủ mạnh về tính kiên định để theo đuổi những mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt. Các em cần phải được nhắc nhở và giáo dục thường xuyên.
Nghĩa là, phụ huynh và nhà trường cần phải giữ nhịp độ không ngắt quãng cho học sinh trong giáo dục toàn diện. Những thay đổi kéo dài và ngưng trệ học tập có thể làm xuất hiện một số biểu hiện và thái độ tiêu cực, điều mà không phụ huynh nào mong chờ.
Để thực thi tốt quyền được giáo dục của trẻ em và tuân thủ luật lệ, dạy trực tuyến ở Việt Nam trong các trường phổ thông, có lẽ là cách thức phù hợp trong tình hình hiện nay, dù nó không được gọi là tốt nhất.
6) Phụ huynh và học sinh có quyền gì nữa?
Hiển nhiên, phụ huynh và học sinh có quyền đòi hỏi nhà trường giáo dục đúng chương trình và đạt hiệu quả.
Ngoài câu chuyện luật lệ, tiền thuế của dân đóng góp đảm bảo cho đòi hỏi tại những trường công lập, do Nhà nước đã trả lương cho hệ thống xuyên năm tháng.
Đóng học phí cả năm học sẽ đảm bảo chắc chắn cho phụ huynh và học sinh yêu cầu sự giáo dục ở các trường tư thục và bán công.
Phụ huynh có quyền rất lớn cho những đòi hỏi về dạy học chất lượng, và học sinh có quyền được học hiệu quả. Phụ huynh và học sinh nên tận dụng quyền chính đáng này.
Bởi vậy, nếu nhà trường dạy học trực tuyến nhằm duy trì nhịp độ dạy và giáo dục học sinh thì cần có giải pháp cho quản lý và giám sát nghiêm ngặt. Phụ huynh nên tham gia vào quá trình theo dõi, đánh giá, và giám sát chất lượng.
Sau khi mức độ hiệu quả trong học tập của học sinh được đánh giá, chúng ta vẫn luôn luôn giữ quyền đòi hỏi sự giáo dục không ngừng với chất lượng chấp nhận được cho trẻ em ở độ tuổi đến trường.