Mục đích của Hội thảo là luận giải một cách căn bản về sự cần thiết, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, giá trị khoa học triết học của các khoa học cụ thể; luận giải trên phương diện lý luận một số vấn đề triết học đương đại đặt ra liên quan đến triết học của các khoa học cụ thể.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh nhà trường cung cấp. |
Tham dự hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa – Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch thường trực Hội Triết học Việt Nam;...
Về phía lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có các phó hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban trong trường.
Dự hội thảo còn có các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên ngành Triết học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định giữa triết học và các khoa học cụ thể luôn tồn tại mối quan hệ song hành, tương tác và thúc đẩy lẫn nhau phát triển, làm cho nền văn minh nhân loại ngày càng mang đậm tính nhân văn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh nhà trường cung cấp |
““Những vấn đề triết học của các khoa học” là hội thảo quốc gia đầu tiên tập trung thảo luận về sự gắn kết, không tách rời giữa triết học của các khoa học cụ thể tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội thảo có chủ đề và nội dung độc đáo, góp phần kết tinh trí tuệ của nhiều nhà khoa học”, Phó Giáo sư Trào chia sẻ.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng Khoa Triết học, Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết, ở Việt Nam bước đầu đã có một vài đề tài, công trình, tài liệu, sách nghiên cứu về mối quan hệ, mối liên hệ giữa triết học với các khoa học, triết học của các khoa học được công bố, xuất bản. Một số cơ sở, trung tâm nghiên cứu, đào tạo triết học đã có dự định tổ chức hội thảo khoa học về triết học của các khoa học, nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thực hiện được.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng Khoa Triết học, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. |
“Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng kế hoạch và đề xuất tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Những vấn đề triết học của các khoa học”. Sau một quá trình chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo nhận được 63 bài viết, báo cáo giá trị, tâm huyết và thực sự là những công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc.
Trong đó, có bài viết rất giá trị và sâu sắc về tầm quan trọng, cần thiết nghiên cứu lý luận, vận dụng thực tiễn về triết học của các khoa học, mối quan hệ của triết học với các khoa học và triết học với triết học của các khoa học cụ thể. Những vấn đề triết học của từng khoa học cụ thể thuộc các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - công nghệ, ví dụ: Triết học của Toán học, Triết học của Sinh học, Triết học của Vật lý học,... Tại Hội thảo, Ban tổ chức lựa chọn một số báo cáo trình bày, cùng với việc nghiên cứu nội dung trong kỷ yếu”, Tiến sĩ Nhiên chia sẻ.
Hội thảo bao gồm 2 Phiên, trong đó, phiên thứ nhất tập trung chủ đề: “Những vấn đề triết học của Khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ”. Phiên thứ hai với chủ đề: “Những vấn đề triết học của Khoa học xã hội và nhân văn”.
Sinh viên thường nghĩ triết học là môn Khoa học nhân văn
Trình bày trong Phiên thứ nhất, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn có bài cáo báo ngắn gọn về “Cần lắm việc khôi phục lại chuyên ngành Triết học trong Khoa học tự nhiên tại các trường đại học và viện nghiên cứu”. Báo cáo trên cơ sở luận giải về mối liên hệ giữa triết học và các khoa học tự nhiên, giá trị to lớn của triết học của các khoa học tự nhiên đã đi đến khẳng định mạnh mẽ và tha thiết đề nghị khôi phục lại chuyên ngành chuyên sâu Triết học của các khoa học tự nhiên.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Triết học phát biểu tại Hội thảo. |
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Văn Chung, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra những vấn đề cần quan tâm về triết học của các khoa học cụ thể ở Việt Nam hiện nay và đề xuất những giải pháp trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập môn Triết học về các khoa học.
Tiến sĩ Phạm Văn Chung, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày báo cáo tại Hội thảo. |
Cũng trong Phiên thứ nhất, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo với tựa đề: “Cập nhật khoa học hiện đại cho Chủ nghĩa duy vật biện chứng” chỉ ra rằng, cập nhật các tri thức của khoa học hiện đại cho Triết học Marx-Lenin, cho chủ nghĩa duy vật biện chứng là cần thiết và cần đưa vào giảng dạy ở một số chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. |
Cũng trong khuôn khổ của Phiên thứ nhất, Tiến sĩ Quách Nghiêm - Giám đốc Viện Nghiên cứu ứng dụng các Công nghệ tái sinh và trẻ hóa đã mang đến góc nhìn mới mẻ về triết học của tự nhiên sống.
Cần tận dụng tư tưởng triết học tích cực vào việc xây dựng chương trình Ngữ văn
Trong Phiên thứ hai “Những vấn đề triết học của Khoa học xã hội và nhân văn”, Hội thảo được nghe báo cáo khoa học với giá trị xây dựng cao. Điển hình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chữ - giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày báo cáo khoa học về triết học với nghệ thuật, văn chương và việc dạy học tác phẩm văn chương từ ảnh hưởng của triết học.
Theo Phó Giáo sư Chữ, cần tận dụng tư tưởng triết học tích cực vào việc xây dựng chương trình Ngữ văn ngay từ cấp tiểu học, sớm hình thành triết lý nhân sinh lành mạnh ảnh hưởng đến kỹ năng sống của các em sau này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chữ - giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. |
“Việc chọn tác phẩm văn chương không thể xa rời triết lý nhân sinh được tạo ra từ thần thái của tác phẩm. Việc dạy học tác phẩm văn chương dù phương pháp nào, công nghệ gì đi nữa vẫn phải bám sát triết lý nhân sinh trong quá trình tiếp nhận”, Phó Giáo sư Chữ chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Tuấn Thành, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú,... đã lần lượt trình bày báo cáo khoa học liên quan đến triết học của Khoa học xã hội và nhân văn, nhận được sự quan tâm, bình luận, trao đổi của các nhà khoa học, thầy cô, học viên, nghiên cứu sinh, sinh viên.
Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, thầy cô, nghiên cứu sinh, học viên cao học và các bạn sinh viên. |
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh – nguyên Trưởng khoa Khoa Triết học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của Hội thảo: “Sau Hội thảo, chúng ta có một cơ sở để tự tin hơn trong truyền đạt kiến thức triết học của các khoa học cho các sinh viên chuyên ngành Triết học - những nhà nghiên cứu khoa học tương lai - là chiếc cầu nối, liên kết giữa khoa học và triết học.
Khoa học tự nhiên cũng giống như các khoa học khác, nếu thiếu triết học thì sẽ không biết đi về đâu khi trong lĩnh vực hoạt động chồng chất những phát minh, nhưng để làm gì khi không lý giải được tính hợp lý của những phát minh đó. Còn các luận điểm triết học, nếu thiếu khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn thì ai tin những luận điểm đó là đúng đắn, là chân lý. Người xây dựng những vấn đề triết học của các khoa học trước hết phải quan tâm tới thành tựu của khoa học đó”.
Được biết, công tác chuẩn bị Hội thảo được tiến hành từ năm 2022 đến nay, riêng Khoa Triết học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội viết 15 bài đúng chuyên môn Hội thảo. Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực, được coi là một sự kiện rất ấn tượng trong nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng Triết học ở Việt Nam nói chung, Triết học của các khoa học cụ thể nói riêng.