Thi tuyển viên chức giáo dục ở Cà Mau - Nỗi buồn cho sinh viên sư phạm

15/01/2018 06:18
Nguyễn Cao
(GDVN) - Có lẽ, chưa bao giờ số phận sinh viên sư phạm khi ra trường lại hẩm hiu như những năm gần đây.

LTS: Liên quan đến câu chuyện thi tuyển viên chức giáo dục tại Cà Mau, thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ một bài suy nghĩ của mình về sinh viên sư phạm ra trường và việc tuyển dụng hiện nay.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện sinh viên sư phạm ra trường khó khăn trong tìm kiếm việc làm đã xảy ra từ nhiều năm nay.

Thế nhưng, chúng tôi vẫn cảm thấy xót xa, man mác buồn khi đọc được thông tin một giáo sinh tham gia thi tuyển vào một trường tiểu học đạt điểm “thủ khoa” lại bị đánh trượt sau khi chấm phúc khảo cho các thí sinh khác ở Cà Mau.

Tuyển dụng 1 chỉ tiêu gần 30 giáo sinh tham gia thi

Vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra đề xuất là từ năm học tới các trường sư phạm sẽ tuyển những học sinh ưu tú nhất để đào tạo giáo viên.

Nhưng, nếu như các em học sinh lớp 12 năm nay biết thông tin này thì em nào có đủ can đảm thi vào sư phạm.

Vì thế, việc tuyển học sinh trung bình đến với ngành cũng đã khó chứ mơ chi đến những em “xuất sắc nhất” vào sư phạm.

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Việc thí sinh Nguyễn Thái Tâm (ngụ xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) tham gia thi tuyển viên chức giáo dục cùng gần 30 thí sinh khác vào làm giáo viên Trường Tiểu học Tân Xuân (huyện Thới Bình) hơn 2 tháng trước đã đạt tổng điểm thi là 394 điểm/ thang điểm 400. 

Đây là điểm số cao nhất so với các thí sinh còn lại.

Thế nhưng, đến giữa tháng 12/2017, Uỷ ban nhân dân huyện Thới Bình bất ngờ có thông báo cho biết, có 3 thí sinh từ thấp điểm hơn thí sinh Nguyễn Thái Tâm lại bằng và cao điểm hơn sau khi chấm phúc khảo khiến em Tâm đang ở vị trí cao nhất bị tụt xuống đứng thứ 3 cùng với một thí sinh khác.

Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội trúng viên chức của em Tâm không còn vì trường chỉ tuyển 1 chỉ tiêu.

Có lẽ, chưa bao giờ số phận sinh viên sư phạm khi ra trường lại hẩm hiu như những năm gần đây.

Thi tuyển viên chức giáo dục ở Cà Mau - Nỗi buồn cho sinh viên sư phạm ảnh 2Thủ khoa không có việc làm, sao mơ đến chuyện “học sinh ưu tú vào ngành sư phạm”

Khi tuyển đầu vào thì tuyển ồ ạt 3-4/môn để đủ chỉ tiêu đào tạo nhưng khi ra trường thì sinh viên không xin được việc làm, thất nghiệp hàng loạt. 

Chúng ta cứ thử hình dung gần 30 con người đăng kí thi mà tuyển chỉ có 1 chỉ tiêu thì đến bao giờ mới có cơ hội cho những thí sinh còn lại.

Bởi, năm sau lại có hàng loạt sinh viên sư phạm tốt nghiệp, cộng với sinh viên đã tốt nghiệp từ nhiều năm trước tạo nên một lực lượng sinh viên thất nghiệp ngày một nhiều.

Chuyện tham gia thi tuyển để tìm một suất đi dạy càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Chấm phúc khảo tăng đến 6 điểm, nhiều câu hỏi được đặt ra

Một số thí sinh có thấp hơn em Tâm đã làm đơn phúc khảo nên từ số điểm thủ khoa, em Tâm đã tuột xuống đứng sau những người bạn của mình.

Ai cũng biết, chuyện phúc khảo trong các kì thi thì lâu nay vẫn thường xuyên xảy ra ở tất cả các kì thi.

Nhưng có lẽ việc phúc khảo mà có thí sinh tăng đến 6 điểm và 5,5 điểm thì có đây là lần đầu tiên dư luận được chứng kiến. 

Bởi môn thi “kiến thức chung” thì phần lớn là trắc nghiệm, điểm môn “chuyên ngành” thì phải là người cùng chuyên môn mới chấm được. 

Những người chấm thi tuyển dụng viên chức phải là những người có vị thế, có chuyên môn tốt mới có thể tham gia chấm.

Thi tuyển viên chức giáo dục ở Cà Mau - Nỗi buồn cho sinh viên sư phạm ảnh 3Tại sao giáo viên cứ phải cắm đầu “chạy” vào biên chế?

Nhưng, vì sao lại lệch một số điểm lớn đến như vậy? Theo chúng tôi, có 3 khả năng xảy ra như sau:

Thứ nhất là khi chấm thi thì những giám khảo chấm không tập trung dẫn đến sai sót so với đáp án chấm và dẫn đến sai điểm số.

Nhưng, nếu 1 môn sai sót đã đành chứ 2 môn và có ít nhất là 4 giám khảo chấm mà sao lại cùng sai sót như nhau?

Thứ hai là trình độ người chấm có …vấn đề. Bởi chúng ta nhìn vào thang điểm chấm phần thực hành có thang điểm là 100 mà có nhiều thí sinh đạt được mức điểm tối đa.

Xin nhấn mạnh rằng thang điểm 100 là điểm xếp loại dạy giỏi. Trong khi, sinh viên mới ra trường mà dạy thực hành có nhiều em được điểm tuyệt đối là điều hoàn toàn phi lí.

Bởi chấm thực hành ngoài nội dung bài học thì còn có cả phương pháp giảng dạy, truyền đạt cho học trò.

Cho dù các thí sinh có đảm bảo được nội dung kiến thức thì phương pháp không thể nào mà cùng lúc có nhiều em vừa ra trường đã có những phương pháp tối ưu để ban giám khảo chấm điểm tối đa?

Thứ ba là phải có một “ngoại lực” tác động, can thiệp thì kết quả mới có thể có sai số lớn như vậy.

Bởi thang điểm cho các câu trắc nghiệm hay các câu nhỏ của phần tự luận thường có số điểm rất nhỏ. Nếu có sai sót thì chỉ có thể chênh lệch khoảng 0.5-> 1.0 điểm là cùng.

Đúng quy chế nhưng tạo nhiều điều nghi ngờ

Thi tuyển viên chức giáo dục ở Cà Mau - Nỗi buồn cho sinh viên sư phạm ảnh 4Nói không với “chạy biên chế”, được không?

Sau bị đánh tuột điểm “thủ khoa” thì thí sinh Nguyễn Thái Tâm đã có đơn gửi cơ quan chức năng và Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau đề nghị xem xét, làm rõ những “bất thường” trong việc phúc khảo.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Tráng Kiện, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thới Bình cho rằng, thí sinh sau khi chấm phúc khảo tăng điểm hơn là bình thường, và nằm trong khung cho phép, được thực hiện theo đúng quy chế.

Cách trả lời của ông Phó Chủ tịch Nguyễn Tráng Kiện rõ ràng chưa thuyết phục được người trong cuộc và dư luận.

Có “khung cho phép”, “quy chế” nào lại có thể quy định như vậy chứ? Phúc khảo mà tăng từ 5.5 - 6.0 điểm thì làm sao có thể cho là bình thường được?

Nếu điểm phúc khảo tăng là “bình thường” thì chắc chắn rằng người chấm điểm thi và chấm điểm phúc khảo sẽ… “không bình thường” mới có thể có những số điểm chênh nhau nhiều thế.

Ai cũng biết, Cà Mau là một tỉnh cuối cùng của đất nước, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Các em học sinh nơi đây đến trường đã là sự cố gắng lắm rồi.

Vì vậy, khi ra trường không tìm kiếm được việc làm đã là một nỗi đau lớn cho những người đã cố gắng học tập để mong hy vọng có công việc làm ổn định.

Nhưng, có lẽ nỗi buồn còn lớn hơn khi thấy những người có trách nhiệm lại không làm tròn trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước đất nước để dẫn đến kết quả thi viên chức tréo ngoe như câu chuyện của em Nguyễn Thái Tâm.                                                                       

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/ca-mau-thi-vien-chuc-nguoi-cao-diem-nhat-thanh-rot-201801130829562.htm

Nguyễn Cao