Hướng dẫn mới nhất của Bộ Giáo dục về soạn giáo án, GV cần biết

09/08/2023 09:59
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án).

Ngày 3/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.

Theo đó, Công văn này có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Ảnh minh họa: VnDoc.com

Ảnh minh họa: VnDoc.com

Đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đối với môn Khoa học tự nhiên: Phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Xây dựng kế hoạch dạy học trong đó bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kì phù hợp với việc phân công giáo viên dạy học, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: Ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên; giáo viên đảm nhận nội dung nào được thể hiện trên kế hoạch giáo dục và được tính giờ thực hiện đối với nội dung đó theo phân phối chương trình (không trùng với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành).

Xây dựng kế hoạch giáo dục trong đó xác định cụ thể nội dung hoạt động và thời lượng thực hiện theo từng loại hình hoạt động quy định trong chương trình; linh hoạt thời lượng dành cho các loại hình hoạt động với quy mô tổ chức khác nhau giữa các tuần; phân định rõ thời lượng dành cho hoạt động chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp và các hoạt động giáo dục tập thể khác của nhà trường bảo đảm không trùng với thời lượng thực hiện các nội dung theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đối với Nội dung giáo dục của địa phương: Ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên.

Xây dựng kế hoạch dạy học các chủ đề/bài học Nội dung giáo dục của địa phương phù hợp với kế hoạch dạy học các môn học có nội dung liên quan.

Đối với việc tổ chức dạy học các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn cấp trung học phổ thông: Khuyến khích các nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.

Đẩy mạnh tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng kí, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh, đảm bảo công khai, minh bạch.

Đối với các môn chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên: Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4171/BGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2022 về việc hướng dẫn nội dung dạy học các môn chuyên cấp trung học phổ thông.

Đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006

Tiếp tục thực hiện dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, lưu ý bổ trợ các nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 học lên lớp 10 theo Chương trình này.

Đối với các trường thực hiện mô hình trường học mới, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH; Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH; Công văn số 1461/BGDĐT-GDTrH ngày 08/4/2019.

Đối với các trường có tổ chức các lớp song ngữ, tăng cường Tiếng Pháp, tiếp tục thực hiện Chương trình Tiếng Pháp song ngữ ban hành kèm theo Quyết định số 3452/QĐ-BGDĐT cho đến hết lớp 12.

Đối với các lớp chưa thực hiện được môn Ngoại ngữ theo lộ trình quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 2 của Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT đến hết lớp 12.

Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học

Đáng chú ý, Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) có những điểm mới như sau:

Xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; việc xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy.

Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Đối với môn Lịch sử: Cần tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong học tập môn Lịch sử.

Đối với môn Ngữ văn: Cần thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá

Thực hiện việc đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông: Theo quy định (Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT; Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT; Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT); xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông;

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020).

Việc kiểm tra, đánh giá cụm chuyên đề học tập lựa chọn của cấp trung học phổ thông: Thực hiện theo khoản 3, Điều 6 tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT; kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi nhận vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh thuộc học kì khi kết thúc dạy học cụm chuyên đề học tập.

Đối với học sinh chuyển đổi môn học: Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH.

Nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học tính đến thời điểm kiểm tra và được thực hiện tương tự như bài kiểm tra, đánh giá định kì.

Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, tại cột Ghi chú của môn học, thuộc học kì II; đồng thời ghi vào Học bạ tại ô “Kết quả học tập, rèn luyện trong hè" (Ghi rõ thông tin: Điểm kiểm tra chuyển đổi sang môn ...: “sổ điểm”).

Về việc kiểm tra, đánh giá lại: Theo quy định Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh chưa đủ điều kiện lên lớp có quyền được đánh giá lại đối với các môn học chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 14.

Trường hợp học sinh không có nguyện vọng được đánh giá lại tất cả các môn học chưa đạt yêu cầu thì nhà trường có thể cho học sinh được lựa chọn số môn học để được đánh giá lại và sử dụng kết quả đánh giá lại để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này.

Ám ánh giáo án theo Công văn 5512 có được gỡ bỏ?

Có thể nhận thấy, Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH có nhấn mạnh đến việc soạn giáo án của giáo viên. Thực tế, thời gian qua, việc soạn giáo án theo Công văn 5512 khiến nhiều giáo viên than phiền.

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH yêu cầu soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) như sau:

Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học.

Phụ lục 4 quy định kế hoạch bài dạy (giáo án) gồm:

I. Mục tiêu (kiến thức; năng lực; phẩm chất); II. Thiết bị dạy học và học liệu; III. Tiến trình dạy học.

Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động).

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1 (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động).

Hoạt động 3: Luyện tập.

Hoạt động 4: Vận dụng.

Mỗi hoạt động đều yêu cầu: a) Mục tiêu; b) Nội dung; c) Sản phẩm:; d) Tổ chức thực hiện.

Theo quy định này, một giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có khi dài hàng chục trang giấy khiến giáo viên rất mệt mỏi.

Hy vọng, yêu cầu của Bộ về vấn đề soạn giáo án cần "tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy" sẽ giúp thầy cô chủ động hơn trong việc lên kế hoạch giảng dạy.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3899-BGDDT-GDTrH-2023-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024-574670.aspx

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5512-BGDDT-GDTrH-2020-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-462988.aspx

https://quantri.hanoi.edu.vn///data/hnedu/thpttrunggia/attachments/2021_10/4_phu_luc_4_khung_ke_hoach_bai_day_giao_an_71020219.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên