Hy hữu, 67 Hiệu trưởng, Hiệu phó bị “quên” tái bổ nhiệm lại

13/03/2021 06:50
AN PHONG - THÀNH DƯƠNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều Hiệu trưởng đã giữ cương vị lãnh đạo nói trên hơn 14 năm nhưng không được tái bổ nhiệm lại hay luân chuyển theo quy định, gây ra nhiều hệ lụy.

Ngành giáo dục thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang đau đầu với việc xử lý 67 Hiệu trưởng, Hiệu phó của các Trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn bị bỏ “quên”, không được tái bổ nhiệm theo quy định.

14 năm chưa được tái bổ nhiệm

Được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường mầm non Ninh Thân từ năm 2001, nhưng từ đó đến nay, cô Dương Thị Thúy (sinh năm 1967) vẫn chưa được hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để tái bổ nhiệm theo quy định.

Việc 67 Hiệu trưởng, Hiệu phó bị "lãng quên" khiến ngành giáo dục thị xã Ninh Hòa "đau đầu". Ảnh": AN

Việc 67 Hiệu trưởng, Hiệu phó bị "lãng quên" khiến ngành giáo dục thị xã Ninh Hòa "đau đầu". Ảnh": AN

Theo quy định thì nhiệm kỳ của cô Thúy sẽ kéo dài 5 năm, kết thúc vào năm 2006 và phải làm các thủ tục để cơ quan chức năng xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.

Tuy nhiên, hồ sơ của cô đã bị “lãng quên” suốt 14 năm qua (kể từ năm 2006). Trong khi chỉ còn một vài năm công tác nữa, cô Thúy sẽ đến tuổi nghỉ hưu.

Tương tự, trường hợp thầy Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Ninh Tây cũng đã đến thời hạn tái bổ nhiệm từ tháng 4/2018 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định.

Theo thầy Nghiệp thì từ khi đến nhận công tác tại trường đều hoàn thành các trách nhiệm được giao, bản thân đã làm đầy đủ hồ sơ theo quy định nhưng không hiểu vì sao lại không được tái bổ nhiệm.

Ngoài ra, hai Hiệu phó của trường cũng đã có thời gian dài giữ cương vị nói trên nhưng vẫn chưa được bổ nhiệm lại một lần nào.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa, hiện trên địa bàn có đến 67 trường hợp bị quên tái bổ nhiệm lại. Trong đó, có 29 hiệu trưởng và 38 Phó Hiệu trưởng.

Người bị quá thời hạn nhiều nhất lên đến 14 năm, người ít cũng gần 2 năm. Nhiều trường hợp chỉ còn vài năm nữa về hưu nhưng đến nay vẫn phải loay hoay lo thủ tục tái bổ nhiệm.

Hệ quả của sự bị “lãng quên” nói trên đã kéo theo hàng loạt vấn đề sai phạm. Đó về mặt nhà nước, các Hiệu trưởng nói trên không còn thực quyền, chữ ký kèm theo các quyết định do những người này ký không còn hiệu lực.

Việc hưởng các chế độ phụ cấp chức vụ của những người này khi chưa có quyết định tái bổ nhiệm đã có sai trong nguyên tắc tài chính...

Xử lý ra sao?

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 10/3, ông Lê Quang Thạch – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa thừa nhận thực trạng nói trên.

Tuy nhiên, ông Thạch cũng nói đây là vấn đề do các trưởng phòng đời trước để lại, còn ông nhận nhiệm vụ này mới hai năm và đang cố gắng để giải quyết. Về hồ sơ để tái bổ nhiệm các Hiệu trưởng, Hiệu phó này cũng đã làm xong.

“Việc trễ này xảy ra trong giai đoạn trước đó rồi. Bây giờ đã hướng dẫn cho các trường làm lại hồ sơ, rồi xin chủ trương của huyện, của tỉnh để làm lại. Chứ nó cứ để đùn lại, dồn ứ lại thì sau này càng khó giải quyết hơn”, ông Thạch nói.

Về vấn đề luân chuyển cán bộ, đã làm từ năm trước và đã xong rồi, còn giờ là giải quyết vấn đề trễ hạn bổ nhiệm lại. Bởi có trường hợp 13-14 năm chưa bổ nhiệm lại.

Về hệ quả của những sai sót này, ông Thạch nói đã làm ảnh hưởng đến công tác cán bộ, công tác điều động, luân chuyển cán bộ vì thế cũng gặp nhiều trở ngại.

Về công tác quản lý trường học thì không có vấn đề gì vì dù chưa có quyết định tái bổ nhiệm nhưng lâu nay họ vẫn làm Hiệu trưởng, Hiệu phó và điều hành bình thường.

Qua kiểm tra công tác tài chính cũng như những vấn đề liên quan với Kho bạc nhà nước thì cũng không phát hiện có trường hợp nào sai phạm.

“Hiện mình đã xin chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh để tỉnh có ý kiến. Phía tỉnh cũng đã đề nghị cơ quan chức năng như: Thanh tra, Kiểm tra, Sở Nội vụ... sẽ tiến hành kiểm tra lại một bước nữa, trước khi có ý kiến chính thức”, ông Thạch nói.

Để giải quyết dứt điểm những sai sót nói trên không phải là đơn giản. Bởi thực tế đã có nhiều Hiệu trưởng, Hiệu phó đã quá tuổi để bổ nhiệm lại (không đủ nhiệm kỳ 5 năm), việc sắp xếp công việc cho những người này rất khó.

Theo một cán bộ phòng Nội vụ thì căn cứ để bổ nhiệm lại các vị này cũng rất khó, vì các quyết định bổ nhiệm lần đầu đối với những thầy, cô này đã hết hạn nhiều năm nên không thể căn cứ vào quyết định bổ nhiệm đã hết hạn đó để tiến hành các thủ tục bổ nhiệm lại.

AN PHONG - THÀNH DƯƠNG