Những năm 90 địa phương nơi tôi ở thiếu trầm trọng giáo viên của cả hai cấp học (tiểu học, và trung học cơ sở).
Giáo viên tiểu học, mầm non cần được trang bị nhiều hơn về tâm lý lứa tuổi, kĩ năng sư phạm (Ảnh minh họa VOV). |
Bậc trung học, giáo viên đi học cấp tốc 3 tháng. Bậc tiểu học chỉ xét qua học bạ là chúng tôi được phân công ngay về các trường vùng xa để giảng dạy.
Cái thiếu, cái yếu nhất của chúng tôi lúc ấy không phải là kiến thức mà chính là kĩ năng sư phạm. Bởi, dạy mấy đứa trẻ lớp 1 đến lớp 5 biết đọc, biết viết và nắm chắc 4 phép tính cơ bản thì trình độ lớp 12 đã là quá đủ.
Chúng tôi phải nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau là vừa dạy, vừa học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp qua các cuộc trò chuyện và các tiết dự giờ thao giảng hàng tuần.
Ngay hè năm ấy, chúng tôi được tập trung đi học chuẩn hóa 3 tháng hè theo chương trình chuẩn 12+2 (tổng cộng sẽ học 2 lần hè như thế sẽ có bằng trung cấp sư phạm).
|
Nội dung chương trình giảng dạy cho chúng tôi chính là nội dung chương trình giảng dạy cho các giáo sinh đang theo học hệ chính quy nhưng đã được rút ngắn lại một ít cho đảm bảo thời gian.
Nào là Kinh tế chính trị, Triết học Mác Lê Nin, Toán sơ cấp…
Những kiến thức này không thực sự cần với chúng tôi lúc ấy.
Cái chúng tôi đang cần như kĩ năng và phương pháp lên lớp lại chẳng được học.
Nếu còn là sinh viên đang học trong trường, với kiểu học và thi khá nghiêm túc thì ai muốn lười biếng học cũng chẳng thể lười được.
Đằng này, chúng tôi đã đi dạy (có người đã vào biên chế) nên tâm lý học chỉ để hợp thức hóa cái bằng đã làm động lực để chúng tôi buông xuôi việc học.
Có lẽ những thầy cô giảng viên cũng có suy nghĩ như thế nên không lấy làm khắt khe với chúng tôi.
Thế là, người tham gia học, người trốn buổi, trốn tiết, đến ngày thi kiểm tra hết học phần có mặt làm bài thi là qua môn.
Chuyện qua môn cũng khá nhẹ nhàng, câu hỏi kiểm tra chỉ cần mở tập tài liệu ra chép vào là đạt ít nhất điểm khá trở lên.
Năm học đầu đi qua trong nhẹ nhàng. Hè năm hai vẫn thế và ngay cả buổi thi tốt nghiệp cũng vẫn là đọc đề-mở sách-chép vào và nộp, thế là xong.
|
Ngày nhận bằng tốt nghiệp 12+2 rồi bằng đại học từ xa (sau vài năm nhưng cách học cũng gần như thế) tự tôi hỏi mình đã học được những gì?
Khách quan mà nói cũng chẳng học được gì nhiều.
Bởi, những điều chúng tôi đang được dạy là những kiến thức nằm trong giáo trình cũ rích bao nhiêu năm.
Những kiến thức đó ra ngoài thực tế, gần như chẳng giúp gì cho công việc giảng dạy của chúng tôi hàng ngày.
Nhưng giá mà, nhà trường dạy cho chúng tôi những kiến thức về kỹ năng sống, dạy thêm về tâm lý lứa tuổi, về cách xử lý những tình huống sư phạm thường gặp ở trường, về những kĩ năng sư phạm cần thiết…chắc chắn sẽ bổ ích hơn cho chúng tôi rất nhiều.
Nghĩ chuyện xưa, chúng tôi lại sợ cho những đợt chuẩn hóa sắp tới đây nếu vẫn giữ cách giảng dạy, cách học như thế sẽ thật uổng phí cho những khoản tiền ngân sách khổng lồ mà nhà nước đã bỏ ra.
Nếu muốn đạt hiệu quả trong việc nâng chuẩn giáo viên điều đầu tiên các trường đại học sẽ phải biên soạn lại giáo trình giảng dạy nâng chuẩn cho phù hợp.
Có thể bỏ đi những môn học không thật sự cần thiết, tăng thời lượng cho việc dạy kĩ năng và phương pháp cho giáo viên. Có thế, việc nâng chuẩn mới thật sự hiệu quả.