LTS: Bày tỏ quan điểm về việc xoá hệ trung cấp và cao đẳng sư phạm, cô giáo Phan Tuyết mong rằng ngành giáo dục sẽ không lãng phí nguồn nhân lực và công sức, tiền của đào tạo giáo viên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm trong 5 năm tới.
Thế nhưng hiện nay nhiều trường sư phạm vẫn đang mở 2 hệ này để đào tạo.
Ngân sách mất thêm khoản tiền đào tạo oan?
Hằng năm, sinh viên học hai hệ trung cấp và cao đẳng sư phạm tốt nghiệp ra trường khá nhiều.
Không ít địa phương khi tuyển giáo viên tiểu học và trung học cơ sở vẫn đang dành ưu tiên cho sinh viên của hai hệ đào tạo này với lý do “đây là sinh viên học trường sư phạm của tỉnh” trong khi khá nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học sư phạm vẫn còn thất nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm trong 5 năm tới. Ảnh minh họa: VTV |
Không tuyển giáo sinh tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng sư phạm trong 5 năm tới, vậy các trường sư phạm hiện nay tại sao vẫn chiêu sinh và đào tạo?
Lẽ ra ngay tại thời điểm này, tất cả các trường sư phạm trong cả nước cần phải chấm dứt ngay việc đào tạo 2 hệ trung cấp và cao đẳng sư phạm.
Vì những sinh viên này ra trường cũng chỉ vài năm hoặc ngay sau đó buộc phải đi học nâng chuẩn.
Việc học nâng chuẩn trình độ giáo viên gần như không nâng chỉ có tiền ngân sách của các địa phương phải bội chi thêm một khoản không nhỏ.
Bồi dưỡng nâng chuẩn chỉ là cách thức hóa cái bằng
Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên đại học sư phạm.
Chúng ta còn muốn duy trì hệ đào tạo cao đẳng sư phạm đến bao giờ? |
Việc bồi dưỡng nâng chuẩn của giáo viên thì ai ai cũng biết gần như là học cho có, học để hợp thức hóa cái bằng còn kiến thức vào đầu cũng chẳng được bao nhiêu.
Từ trước đến nay, ngành giáo dục đã tổ chức khá nhiều khóa bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên từ các hệ đào tạo cấp tốc lên trung cấp, từ trung cấp lên đại học. Hay các hệ 7+3, 9+3, 12+1… lên hệ cao đẳng, đại học.
Mỗi một lần tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên, địa phương phải bố trí lớp học, mời giảng viên trường đại học (mà tỉnh liên kết) về giảng dạy.
Có lẽ giảng viên cũng “hiểu lòng” giáo viên học để hợp thức hóa cái bằng, bởi ai cũng đang đi dạy, ai cũng là biên chế rồi nên việc học cũng có phần dễ dãi, qua loa.
Ai thích lên lớp thì lên, ai muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ, ngày thi thì giới hạn đề cương đến mức không còn gì có thể giới hạn được nữa.
Lúc thi thì “thả dàn” ai copy bài thì copy, ai mở tài liệu cũng tự nhiên.
Người học nhiều với người học ít cuối cùng cũng “hòa cả làng” bằng một cái bằng công nhận tốt nghiệp.
Để có đội ngũ giáo viên đủ tầm
Có thể nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quy định sẽ không tuyển giáo viên có trình độ trung cấp và cao đẳng sư phạm xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đáp ứng tốt mục tiêu của chương trình mới.
Thế nhưng thay vì ra quy định sẽ không tuyển giáo viên ở 2 hệ này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định xóa ngay 2 hệ đào tạo này ở các trường sư phạm.
Vì giáo viên các hệ trung cấp và sư phạm đầu vào vốn khá thấp, sau thời gian chuẩn hóa nâng chuẩn thì kiến thức được nâng lên cũng chẳng đáng là bao.
Để có một đội ngũ giáo viên đủ tầm các địa phương cũng bỏ luôn kiểu tuyển giáo viên ưu tiên tốt nghiệp các trường sư phạm của tỉnh.
Mở cuộc thi tuyển giáo viên công khai, công bằng không nên phân biệt vùng miền hay các trường đào tạo.
Có thế mới tuyển được những giáo sinh khá giỏi đã tốt nghiệp các trường đại học sư phạm trong cả nước.
Và như thế, nhà nước mới đỡ tốn một khoản tiền bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên lại có được một đội ngũ thầy cô giáo đủ tầm để đáp ứng mục tiêu của chương trình mới.