GÓC ĐÁNH GIÁ:

Khả năng ném bom chiến lược của Trung Quốc dựa vào Ukraina?

12/11/2011 10:16
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Không được Nga nhiệt tình, Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu vũ khí công nghệ cao từ láng giềng Nga là Ukraina.

Một trang diễn đàn không quân của Hàn Quốc gần đây có bài viết cho rằng, thông qua hợp tác quân sự ngày càng tăng cường giữa Trung Quốc và UkrainA/Ucraine, đã lộ ra phương hướng phát triển máy bay ném bom chiến lược tương lai của Không quân Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc là một trong số ít những nước nước có “lực lượng hạt nhân tam vị nhất thể” (3 hợp 1) trên thế giới, song máy bay ném bom chiến lược và khả năng ném bom chiến lược của họ luôn được coi là một khâu yếu nhất.

Máy bay ném bom H-5 của Không quân Trung Quốc
Máy bay ném bom H-5 của Không quân Trung Quốc

Nhưng, do được lợi từ hợp tác quân sự với Ukraine, việc nhập khẩu nhiều công nghệ không những giúp cho Trung Quốc thay đổi thực tế này, mà còn có thể giúp Trung Quốc xây dựng được lực lượng tấn công trên không chiến lược phù hợp với tình hình đất nước.

Máy bay ném bom chính là “mục tiêu chiến lược” cần tiêu diệt

Gần đây, trong tác phẩm quân sự “Quyền kiểm soát trên không” của nhà quân sự nổi tiếng Italia Giulio Douhet đã đề cập một cách hệ thống về lý luận ném bom chiến lược.

Theo tác phẩm này, trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà lý luận quân sự nổi tiếng Anh Hart đã tiến hành trình bày cụ thể hơn về lý thuyết này, tức là “nhân tố thực sự quyết định thắng bại của cuộc chiến tranh, chiến dịch, thậm chí chiến sự quy mô nhỏ là khiến cho đối thủ mất đi hy vọng, chứ không phải mạng sống, mà ném bom chiến lược có vai trò đó”.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân đồng minh với đại diện là Anh, Mỹ đã tiến hành ném bom chiến lược quy mô lớn nhằm vào Đức, trên thực tế là đã dựa vào nền tảng lý thuyết của Hart. Vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ còn tiến hành ném bom hạt nhân lần đầu tiên.

Máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc

Nhưng, điều không thể phủ nhận là, ném bom ban đêm của quân đội Mỹ, Anh đối với Đức hay ném bom trong mọi điều kiện thời tiết của quân Mỹ đối với Nhật Bản, nhìn bằng con mắt ngày nay thì chúng đều thuộc kiểu ném bom mặt đất, tức là chỉ khi mật độ ném bom đạt mức độ nhất định, mới có thể tạo ra tổn thất nghiêm trọng cho các mục tiêu của đối phương, điều này có nghĩa là vai trò “răn đe” của ném bom mặt đất rất có hạn.

Sau Thế chiến II, lý thuyết ném bom chiến lược bắt đầu thay đổi

Giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh, biên đội máy bay ném bom của hai nước Mỹ và Liên Xô đều đứng trước một tình trạng khó xử là, một mặt Chiến tranh thế giới tiếp theo (Chiến tranh thế giới lần thứ ba) rất dễ xảy ra, tiến hành ném bom chiến lược quy mô lớn tương tự như trong Chiến tranh thế giới thứ hai trở thành một nhiệm vụ thường trực; mặt khác, hai nước Mỹ và Nga đã xây dựng hệ thống phòng không và đánh chặn mạnh nhằm ứng phó với khả năng ném bom chiến lược.

Trong môi trường này, số lượng máy bay ném bom chiến lược được duy trì trong Chiến tranh thế giới thứ hai, lúc này đã trở thành nhân tố then chốt ngăn chặn tiến hành ném bom chiến lược.

Khi đó, Mỹ và Liên Xô yêu cầu biên đội máy bay ném bom phải có khả năng tiến hành ném bom các mục tiêu quan trọng của đối phương trong tình hình vẫn chưa giành được quyền kiểm soát trên không, tất yếu càng dễ bộc lộ bản thân; trong khi đó nếu giảm nhỏ quy mô biên đội máy bay ném bom lại không thể tiến hành tấn công hiệu quả đối với các mục tiêu ném bom.

Vì vậy, lúc này, hai nước Mỹ và Liên Xô cấp thiết buộc phải thoát ra khỏi hệ thống “ném bom mặt đất” hình thành trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sáng tạo ra hình thức và trang bị tác chiến mới, vũ khí dẫn đường chính xác bắt đầu bước lên “sân khấu”.

Trên thực tế, ngay từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức đã nghiên cứu chế tạo ra vũ khí dẫn đường cho chiến đấu thực tế, trong đó chỉ có một quả bom dẫn đường Fritz-X từng bắn chìm tàu chiến chủ lực Rome của Italia có lượng choán nước lên tới 35.000 tấn, khi đó chuẩn bị đầu hàng quân đồng minh.

Máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc

Do bị hạn chế bởi trình độ công nghệ khi đó và vị thế nước bại trận, sản phẩm tương ứng của Đức hoàn toàn không được tiếp tục phát triển. Nhưng hai nước Mỹ và Liên Xô lại dựa vào lượng lớn tài liệu công nghệ có được từ Đức giai đoạn đầu sau khi kết thúc chiến tranh, nghiên cứu chế tạo ra một lô vũ khí dẫn đường (kiểu chiến đấu thực tế) sớm nhất, trong đó vũ khí có tính đại diện nhất là bom dẫn đường laser dòng PAVEPAWS của Mỹ, đồng thời đã sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam.

Việc biên chế vũ khí dẫn đường kiểu mới không những giúp cho biên đội máy bay ném bom chiến lược truyền thống có khả năng tiến hành ném bom chính xác thực sự, đồng thời còn giúp cho một số máy bay chiến thuật có khả năng tiến hành ném bom chiến lược.

Điều đáng chú ý là, sự ra đời và ứng dụng quy mô lớn vũ khí dẫn đường làm cho khái niệm cơ bản của ném bom chiến lược có sự thay đổi to lớn, người ta đặt ra các câu hỏi rằng: chiến dịch ném bom lần một có thuộc tiêu chuẩn ném bom chiến lược hay không; trang bị và hình thức tác chiến có thuộc phạm trù chiến lược hay không; mục tiêu tấn công có thuộc phạm trù chiến lược không?

Cái yếu chí tử của Lực lượng tấn công hạt nhân Trung Quốc

Trung Quốc có “lực lượng hạt nhân tam vị nhất thể” gồm thiết bị phóng cơ động hoặc cố định trên mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Trong đó, do máy bay ném bom chiến lược không chỉ có độ khó về công nghệ, vì vậy các quốc gia hạt nhân tiên tiến với đại diện là Mỹ, Nga đều rất tích cực trong phát triển máy bay ném bom chiến lược.

Nhưng, nhìn lại các nước khác có “lực lượng hạt nhân tam vị nhất thể”, Trung Quốc hoàn toàn không coi lực lượng hạt nhân chiến lược là “trụ cột tranh bá thế giới” như Mỹ, Liên Xô. So với phát triển lực lượng hạt nhân mặt đất và lực lượng hạt nhân trên biển tương đối đầy đủ, máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay thiếu hoàn thiện và lạc hậu.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga có hành trình lên tới 13.000 km
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga có hành trình lên tới 13.000 km

Rõ ràng là, nhu cầu chính trị và thực tế đã có vai trò rất lớn. Nhưng, máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc, với sự lạc hậu rất lớn về trang bị và khái niệm, đã ngày càng khó đảm đương được nhiệm vụ tác chiến trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần.

Trong khi đó, hiện nay Ukraine đang có ưu thế về lĩnh vực này, từng bước thay thế vị trí của Nga trong việc bán vũ khí cho Trung Quốc. Xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao của họ có thể giúp cho máy bay ném bom của Trung Quốc giành lại “khả năng tác chiến thực tế” trong con mắt của phương Tây.

Lực lương máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc từ lâu đã đem lại cho người ta cảm giác “có chút ít còn hơn không”. Chỉ riêng về trình độ trang bị, đánh giá này hầu như hoàn toàn không có ý hạ thấp.

Từ khi thành lập nước đến nay, máy bay ném bom được Trung Quốc nhập khẩu và tự chế tạo chỉ có 2 loại, đó là H-5 (mô phỏng máy bay ném bom phản lực hạng nhẹ IL-2 của Liên Xô cũ) và H-6 (mô phỏng máy bay ném bom phản lực hạng trung Tu-16 của Liên Xô cũ).

Trong giai đoạn nghiên cứu chế tạo, so sánh tính năng với máy bay ném bom cùng thời của các nước khác, 2 loại máy bay này đã trở nên lạc hậu. Mặc dù sau đó qua nhiều lần cải tiến, nhưng do hạn chế về kết cấu khung máy bay ban đầu, hiệu quả tác chiến thực tế không nổi bật.

Cuối cùng máy bay ném bom H-5 đã ngừng sản xuất vào năm 1984, hiện đã rút đi lực lượng tuyến 1. Còn loại mới nhất của máy bay ném bom H-6, là H-6K (còn chưa chứng minh có tồn tại thực sự) lại đang vất vả nâng đỡ cho biên đội máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc. Cảnh ngộ này rất giống với bề ngoài chống đỡ lực lượng tàu sân bay Nga của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160

Nguyên nhân yếu kém của biên đội máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc không chỉ là về vốn và công nghệ, điều chủ yếu hơn là xuất phát từ nhu cầu tự thân. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Trung Quốc sơ bộ có khả năng ném bom chiến lược, môi trường xung quanh khiến cho khả năng này đứng trước tình hình tiến thoái lưỡng nan.

Một mặt hai nước Mỹ Liên Xô (khi đó được coi là “mối đe dọa chủ yếu”), dù là nước nào, Trung Quốc đều không thể tiến hành ném bom chiến lược có hiệu quả đối với họ.

Mặt khác, đối mặt với các nước láng giềng và xung quanh có mâu thuẫn với Trung Quốc, hoặc là không đáng để Trung Quốc tiến hành ném bom chiến lược đối với họ, hoặc là được nước khác bảo vệ nên không thể tiến hành ném bom chiến lược, như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Do đó, lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc không chỉ bị hoài nghi có cần thiết tồn tại hay không. Đồng thời Trung Quốc ngoài phóng đạn hạt nhân thông thường, vẫn chưa trang bị tên lửa hành trình hạt nhân tiên tiến như Mỹ, Nga.

Vì vậy, cho đến trước khi Ukraine và Trung Quốc xây dựng quan hệ hợp tác quân sự công nghệ cao, biên đội máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc có thể coi là lực lượng có vũ khí trang bị chi phí cao nhất mà hiệu suất tác chiến thấp nhất của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Tên lửa tiên tiến của Ukraine: cứu cánh cho Trung Quốc?

So với Nga, Ukraine là một nước càng đặc sắc hơn. Trong lịch sử, Ukraine chưa từng trở thành cường quốc thế giới. Vì vậy, theo rất nhiều người Ukraine, tâm trạng siêu cường của nước Nga thực sự có gì đó khó lý giải.

Được lợi từ việc xây dựng thời kỳ Liên Xô cũ và điều kiện tuyệt vời của riêng mình, sau khi Liên Xô giải thể, Ukraine trở thành nước có nền công nghiệp quân sự và công nghiệp nặng chỉ đứng sau Nga trong số rất nhiều thuộc Liên Xô cũ. Khả năng của Ukraine về phương diện nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình, nhất là đóng tàu, thậm chí Nga cũng không thể đạt được (thời kỳ Liên Xô, toàn bộ tàu sân bay đều chế tạo tại nhà máy đóng tàu hải quân Nikolayev ở Ukraine).

Tu-95MS là loại tiên tiến nhất trong gia tộc máy bay ném bom chiến lược dòng Tu-95 của Nga
Tu-95MS là loại tiên tiến nhất trong gia tộc máy bay ném bom chiến lược dòng Tu-95 của Nga

Do đứng trước khó khăn kinh tế nghiêm trọng sau khi Liên Xô giải thể, đến nay, tình hình kinh tế của Ukraine vẫn đứng trước nhiều thách thức. Vì vậy, là một cường quốc về công nghiệp quân sự, Ukraine hy vọng giống như Nga thời kỳ đầu sau khi Liên Xô giải thể, dựa vào xuất khẩu vũ khí trang bị để đổi lấy nhiều ngoại tệ.

Nhưng vấn đề ở chỗ, công nghiệp quân sự hùng hậu của Ukraine chủ yếu tập trung ở phương diện tên lửa hành trình và đóng tàu.

Mặc dù công nghệ có họ rất mạnh, nhưng không thể giống như Nga có khả năng cung cấp trang bị kỹ thuật quy mô lớn đồng bộ cho nước ngoài. Vì vậy, việc bán vũ khí ra nước ngoài của Ukraine từ lâu vẫn dừng lại ở cấp độ rất thấp.

Cùng với thời gian và Trung Quốc có khả năng nghiên cứu chế tạo trang bị tiên tiến nhờ nhập khẩu vũ khí trang bị đồng bộ của Nga trước đây, Trung Quốc đã sản xuất ra các trang bị đồng bộ và từng bước tiếp cận trình độ cao nhất của Nga.

Vì vậy, Nga một mặt hy vọng tiếp tục kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc, mặt khác lại sợ trình độ trang bị ngày càng tăng lên của Trung Quốc tạo ra mối đe dọa cho vị trí của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ

Chính vào lúc Nga do dự này, Ukraine đã kịp thời xuất hiện. Quan hệ cạnh tranh quốc tế giữa Ukraine với Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Trung-Nga, giúp cho họ có điều kiện xuất khẩu trang bị và công nghệ tiên tiến hơn cho Trung Quốc. Đây cũng là những trang bị, công nghệ Trung Quốc cần nhất hiện nay, đặc biệt là trong phát triển lực lượng máy bay ném bom chiến lược.

Trao đổi vũ khí trang bị giữa Trung Quốc và Ukraine phần lớn tập trung ở trang bị và công nghệ cao, vì vậy nội dung cụ thể hoàn toàn không được dư luận biết rõ. Nhưng, Ukraine xuất khẩu cho Trung Quốc tên lửa hành trình X-55 rất có thể là sự thực.

Loại tên lửa này là tên lửa hành trình không đối đất chiến lược tầm xa thế hệ thứ ba thời kỳ Liên Xô cũ, tầm phóng 3.000 km, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân tương đương 200.000 tấn hoặc 410 kg đầu đạn thông thường, được dẫn đường quán tính + phối hợp địa hình + GPS đầu cuối, có độ chính xác trong tấn công rất cao.

Nếu đây là sự thực, máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc sẽ có khả năng đột phá rào cản phòng không của đối phương, tức là có thể phóng tên lửa hành trình ngoài phạm vi hỏa lực của đối phương, tiến hành tấn công đối với các mục tiêu then chốt của đối phương.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B của quân đội Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-1B của quân đội Mỹ

Như đã đề cập, với việc trang bị và phổ biến vũ khí dẫn đường chính xác, ném bom chiến lược đã trở nên ngày càng linh hoạt. Sự linh hoạt này không những được thể hiện về mặt tấn công, mà còn thể hiện nhiều hơn ở thủ đoạn tấn công và mục tiêu tấn công.

Được lợi từ vũ khí dẫn đường chính xác, cái giá phải trả cho việc tiến hành ném bom chiến lược ngày càng thấp. Vì vậy, đối với Trung Quốc, những mục tiêu trước đây chưa bị Trung Quốc tiến hành ném bom chiến lược với chi phí cao, nay đã trở nên có thể xem xét.

Đồng thời, do lực lượng hải không quân đang chuyển từ phòng thủ biển gần sang tấn công và phòng thủ biển xa (đại dương), tên lửa hành trình có tầm phóng tương đối xa, làm cho máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc giảm bớt hạn chế về hành trình tương đối ngắn trước đây, có thể tiến hành răn đe có hiệu quả đối với các mục tiêu có giá trị cao mà trước đây khó có thể răn đe, như nhiều căn cứ quân sự của Hàn Quốc, Nhật Bản và của Mỹ ở châu Á, từ đó nâng cao giá trị thực tế của biên đội máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc.

Máy bay ném bom không người lái X-47B của Hải quân Mỹ
Máy bay ném bom không người lái X-47B của Hải quân Mỹ

Ngay từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã tồn tại sự tranh luận về giá trị của máy bay ném bom chiến lược. So với Mỹ, Nga, ý nghĩa thực tế của máy bay ném bom chiến lược đối với Trung Quốc hầu như nhỏ hơn, nhưng sự thực hoàn toàn không như vậy.

Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ trước tiên chuyển từ “tàu sân bay kiểu tấn công” sang “tàu sân bay đa năng”, máy bay ném bom chiến lược cũng phải từng bước thay đổi về hình thức và nhiệm vụ tác chiến, đảm nhiệm nhiệm vụ nặng nề và đa dạng hơn. Đồng thời, do sự thay đổi của hình thức chiến tranh, phương pháp tác chiến có thể răn đe đối phương về mặt chiến lược cũng sẽ thay đổi đa dạng hơn.

Vì vậy, đối với Trung Quốc, ném bom chiến lược không những không thể giảm đi, trong tương lai phải được tiếp tục tăng cường. Có thể máy bay ném bom dòng H-6 do lạc hậu và sẽ nghỉ hưu trong thời gian tới. Nhưng việc nhập khẩu công nghệ vũ khí tiên tiến của Ukraine với đại diện là tên lửa hành trình tiên tiến, sẽ giúp cho Trung Quốc xây dựng khả năng ném bom chiến lược đáp ứng nhu cầu tự thân.

Đông Bình (Theo Mil)