LTS: Khâm phục trước ý chí và sự quyết tâm của em Nguyễn Thị Khánh Dung - một tấm gương sinh viên nghèo vượt khó, đạt được những thành tích cao trong học tập, tác giả Phan Tuyết đã gửi đến độc giả bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Tới xã Phú Long Hàm Thuận Bắc hỏi đến Nguyễn Thị Khánh Dung thì ai cũng biết bởi em luôn là hình mẫu để các mẹ ao ước con mình cũng được như thế.
Không chỉ chăm ngoan, hiếu thảo, em còn học rất giỏi, 12 năm liền là học sinh xuất sắc với nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.
Hiện em đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Em Nguyễn Thị Khánh Dung (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Từ Phú Long lên Phan Thiết học lớp chuyên Anh Trường Trần Hưng Đạo. Hàng ngày, Dung vẫn cần mẫn đạp xe cọc cạch trên đoạn đường gần 10 cây số tới trường để đi học.
Sáng đạp xe còn đỡ, trưa về trời nắng gắt, em cứ lầm lũi trên con đường dài hun hút, vai ướt đẫm mồ hôi. Hôm nào học cả ngày, mẹ lấy cho cặp lồng cơm để ăn trưa.
Khi nghe tôi hỏi: “Con đạp xe như thế có mệt không”? Ngước cặp mắt buồn rầu em trả lời: “Lúc đầu cũng mệt nhưng giờ quen rồi. Chỉ sợ những hôm trời mưa, bên trong là áo dài, bên ngoài áo mưa nhưng tới trường cũng ướt như chuột. Sợ nhất là hôm trời gió không thể đạp xe nổi và xe hư bất thường ở dọc đường…”.
Tôi hỏi: “Sao con không ở lại kí túc xá”? Em nói: “Con đi về thì đỡ tốn tiền chứ ở kí túc xá có tiết kiệm một tháng cũng hết hơn một triệu tiền ăn, nhà con lấy đâu ra tiền hả cô”?
Em đã kể cho tôi nghe về gia cảnh nghèo khó của mình, sau vụ tai nạn giao thông cha em mang tật suốt đời cùng với căn bệnh thần kinh tọa nên hoàn toàn mất sức lao động.
Buồn chán, bất mãn, ông say xỉn tối ngày để mặc vợ con bươn chải kiếm sống qua ngày. Hai năm sau, ba em bị bệnh khối u thực quản. Sau thời gian gia đình tìm mọi cách để cứu chữa bệnh nhưng ba em cũng không qua khỏi.
Hai cánh chim côi cút nương tựa nhau cùng vươn lên trong học tập |
Trong khi nợ mới nợ cũ chồng chất, mẹ em bị tai nạn xe máy dẫn đến mất sức lao động. Dù thế, vì lo cho gia đình, mẹ em vẫn phải dạy từ 4 giờ sáng đi phụ tráng bánh cho lò bánh gần nhà.
Buổi trưa mẹ em đi bán bánh hòn cho công nhân được thêm vài chục ngàn đồng. Số tiền kiếm được vừa lo thuốc thang cho mẹ, vừa nuôi Dung và cậu em đang học lớp 7.
Thương mẹ vất vả: “Con tranh thủ thời gian đến trường rồi về đến lò bánh để phụ mẹ làm thêm nhưng tiền công cũng chỉ đủ chi tiêu cho ba người. Thương mẹ, con phải ráng học", Khánh Dung nói.
Có lẽ, điều đó đã thôi thúc em nỗ lực hết mình. 12 năm liền đạt học sinh giỏi và sở hữu một bảng vàng thành tích với nhiều giải thưởng trong tỉnh và cấp quốc gia.
Năm lớp 10, 11 và 12 đạt giải ba, giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh, huy chương đồng kì thi tiếng Anh trên Internet toàn quốc. Lớp 11 đạt giải nhì tiếng Anh cấp tỉnh, huy chương đồng tiếng Anh cấp Quốc gia và huy chương bạc Olympic toàn miền Nam.
Trong kì thi phổ thông trung học Quốc Gia năm 2016-2017, em đạt điểm thi cả 2 khối A1 và B là 23.38 và 23.18, được tuyển thẳng vào khoa tiếng Nhật Trường Khoa học Xã hội nhân văn nhưng Dung lại ước mơ trở thành cô sinh viên kinh tế.
Trong thời gian chưa nhập học, Dung vẫn miệt mài đi tráng bánh thuê và tranh thủ làm bánh hòn cho mẹ em ngồi bán.
Em đang cố gắng gom góp tiền dù từng ít một để thực hiện ước mơ “Sau này báo hiếu mẹ và những người đã giúp đỡ con trong lúc khó khăn hoạn nạn”.
Ngày em nhập học vào trường đại học trong nhà chẳng có nổi vài trăm nghìn bạc. Bà con quanh vùng cảm mến cô bé chăm ngoan học giỏi nên gom góp tiền giúp em nhập học và đóng học phí học kì đầu.
Chàng trai 9X vừa học giỏi, vừa là tấm gương tiêu biểu của “việc tử tế” |
Nói về em, cô Ngọc Linh giáo viên chủ nhiệm chia sẻ: “Khánh Dung là cô bé ngoan, chăm học và học giỏi.
Tôi đã trình bày hoàn cảnh gia đình em với nhà trường nên thầy cô giáo đều nhiệt tình dạy thêm miễn phí cho em. Nhà trường cũng xét cho em được nhận học bổng”.
Vào Sài Gòn nhập học một thời gian, Khánh Dung khoe với tôi “ngoài thời gian lên giảng đường, con xin đi làm gia sư cho 3 nhóm học trò, một tháng có được 3 triệu đồng đủ trang trải tiền ăn ở.
Còn tiền học phí một năm con có khoản tiền học bổng bù vào. Thế nên mẹ không phải lo tiền gửi cho con. Vì thế, mẹ cũng khỏe lên nhiều cô ạ”.
Vốn là cô bé thảo hiền, chăm ngoan lại có vốn tiếng Anh khá vững. Thế nên việc em xin đi dạy gia sư luôn được gia chủ hài lòng, tin tưởng.
Tôi hiểu để vừa học giỏi ở trường, vừa làm tốt công việc gia sư, em đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều mới có thể chu toàn được cả hai.
Nhớ về em, tôi cứ nghĩ mãi điều ước nguyện em nói: “Con phải cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn thầy cô đã nhiệt tình dạy dỗ, để đem lại tiếng cười cho mẹ suốt cuộc đời vất vả vì con”.
Tôi cầu chúc cho em sẽ đạt được tâm nguyện bằng chính nỗ lực của bản thân mình!