Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và sẽ trao thưởng cho các tác giả đạt Giải vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam- Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/2022).
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trao Giải B Giải Báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc năm 2020 cho tác giả Dương Giang, Thông tấn xã Việt Nam. |
Nội dung đa dạng
Theo Thể lệ, dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022 là những tác phẩm báo chí đáp ứng các nội dung: có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời các nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; những tác phẩm ấn tượng, nổi bật bởi những phát hiện, ý tưởng có giá trị; truyền tải tới xã hội, cộng đồng những thông điệp mang tính xây dựng cao, góp phần cổ vũ và phát huy đoàn kết, sức sáng tạo trong nhân dân, vì mục tiêu chung xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuyên truyền về kết quả đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; về MTTQ Việt Nam tham gia vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; triển khai thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền về thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Các tác phẩm có nội dung bám sát và phản ánh trung thực tình hình chính trị, văn hóa, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các sự kiện lớn của đất nước, các địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và các nghị quyết Trung ương khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;" tuyên truyền quyết tâm và những thành quả của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID- 19; thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân; phản ánh những tình cảm, nguyện vọng và việc làm tốt đẹp của các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp thiết thực cho khối đại đoàn kết toàn dân.
Những tác phẩm tiên phong đấu tranh phản bác các luận điểm, thông tin sai trái, xuyên tạc; làm tốt vai trò là diễn đàn xã hội rộng lớn, tin cậy của nhân dân; phản ánh, đưa tin kịp thời về chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những đổi mới, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân. Tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thực hiện Đề án đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam; tuyên truyền kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hằng năm và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Tuyên truyền kết quả thực hiện 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước; thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tuyên truyền Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;” cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo;” “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau;” “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”…
Tuyên truyền các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa,” chăm lo các đối tượng chính sách; kết quả vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa;” vận động Quỹ “Vì người nghèo,” Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 đến 17/11) và Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” và “Tết vì người nghèo” hằng năm; các hoạt động cứu trợ khi có tình huống thiên tai, sự cố nghiêm trọng.
Kết quả triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.
Trong số đó, trọng tâm là tuyên truyền các chương trình giám sát, các hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuyên truyền về kết quả mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; về quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông tới cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền về tổ chức, hoạt động của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về vai trò, sự đóng góp của các hội đoàn góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài có tác phẩm báo chí với nội dung như trên đều có thể gửi về dự Giải. Thành viên Ban Giám khảo và Ban Tổ chức không gửi tác phẩm tham dự Giải.
Nhiều giải thưởng cho các loại hình báo chí
Các loại hình báo chí tham dự Giải lần thứ XV, năm 2021-2022 gồm báo in, báo điện tử, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình) và ảnh báo chí. Các thể loại: bài nghiên cứu, phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, phóng sự, phóng sự ngắn (phát thanh-truyền hình), phim tài liệu, bản tin, chuyên đề, chuyên mục, tọa đàm, điều tra, bút ký báo chí, bình luận, chuyên luận, ảnh báo chí (không nhận các video clip trên báo điện tử).
Tác phẩm báo in: gửi nguyên bản gốc hoặc photocopy, ghi rõ tên báo và thời gian đăng tải (không nhận tác phẩm đánh máy lại), độ dài không quá 5 kỳ. Trường hợp đặc biệt vượt 5 kỳ hoặc hình thức thể hiện mới thì sẽ được Ban Tổ chức Giải sẽ xem xét cụ thể.
Tác phẩm báo điện tử: in trên giấy khổ A4 từ giao diện điện tử, ghi rõ tên báo, thời gian đăng tải, kèm theo đường link tác phẩm (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Đối với tạp chí điện tử, không nhận các bài viết có nội dung như tin, bài phản ánh, phỏng vấn, điều tra... về vụ việc thời sự, chỉ nhận các bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn. Độ dài không quá 5 kỳ. Trường hợp đặc biệt vượt 5 kỳ hoặc hình thức thể hiện mới thì sẽ được Ban Tổ chức Giải sẽ xem xét cụ thể.
Tác phẩm phát thanh, truyền hình: gửi băng, đĩa ghi tiếng, ghi hình (ổ cứng ghi tiếng, USB) có lời viết và lời bình in trên giấy A4 kèm theo đường link tác phẩm trên trang điện tử của đài. Tác phẩm phát thanh và truyền hình có độ dài không quá 90 phút/tác phẩm. Trường hợp đặc biệt vượt 05 kỳ hoặc hình thức thể hiện mới thì sẽ được Ban Tổ chức Giải sẽ xem xét cụ thể.
Tác phẩm ảnh báo chí: bao gồm ảnh đơn, ảnh nhóm hoặc phóng sự ảnh. Không xét ảnh ghép, ảnh chế bản trên máy vi tính. Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh về một nội dung đăng báo có nhiều ảnh thì chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).
Ban Tổ chức không xét các tác phẩm mang tính hư cấu: thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh; không trả lại tác phẩm dự Giải và được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để tuyên truyền.
Tác phẩm dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022 phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 21/9/2020 đến 20/9/2022.
Mỗi tác giả được tự lựa chọn gửi tối đa 5 tác phẩm dự Giải phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Số tác giả của một nhóm không quá 7 người.
Những tác phẩm trong thời gian này đã được trao Giải thưởng ở các cuộc thi ở địa phương, ngành hoặc liên ngành ở Trung ương vẫn được quyền dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” nhưng phải ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.
Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022 từ ngày 21/6/2021 đến hết ngày 20/9/2022 (tính theo dấu bưu điện) về địa chỉ: Ban Tổ chức Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Dự kiến Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021 - 2022 được công bố và trao Giải vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam-Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/2022) gồm nhiều giải thưởng cho các loại hình báo chí với các mức thưởng: Giải Đặc biệt trị giá 30 triệu đồng; giải A trị giá 15 triệu đồng; giải B trị giá 10 triệu đồng; giải C trị giá 5 triệu đồng; giải Khuyến khích trị giá 3 triệu đồng./.