Không có văn bản nào bắt GV soạn giáo án theo phụ lục CV 5512, thầy cô cần rõ

18/10/2023 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên khó có thể dạy thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nếu ngành giáo dục địa phương "ép" thầy cô soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Từ năm học 2021-2022 đến nay, theo ghi nhận của tôi (giáo viên bậc trung học phổ thông), Bộ Giáo dục và Đào tạo không có văn bản nào chỉ đạo giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông phải soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. [1]

Tuy vậy, nhiều đồng nghiệp trên khắp cả nước chia sẻ với tôi rằng, ngành giáo dục ở một số địa phương nơi thầy cô đang công tác vẫn "ép" họ soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Phụ lục 4 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Phải chăng, địa phương nào "ép" giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Phụ lục 4 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là chưa hiểu rõ tinh thần chỉ đạo về đổi mới phương pháp giảng dạy qua các văn bản của ngành giáo dục?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mẫu giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH chỉ quy định ở học kì 2 năm học 2020-2021?

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo đó, mẫu kế hoạch giáo dục của giáo viên và kế hoạch bài dạy (giáo án) được quy định như sau:

"Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học".

Như thế, theo người viết, mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH chỉ quy định ở học kì 2 năm học 2020-2021 vì ngày ban hành Công văn là 18/12/2020 (gần hết học kì 1 của năm học này).

Tuy vậy, vào thời điểm này, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không yêu cầu giáo viên phải soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Nhiều giáo viên ở Thành phố lập luận, phần mục tiêu chung của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có nội dung: "Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh" nên không cần phải soạn giáo án theo mẫu nào cả.

Từ năm học 2021-2022, người viết nhận thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không có quy định giáo viên phải soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Minh chứng, ngày 23/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 có nội dung đáng chú ý như sau:

"Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)". [2]

Tiếp đến, ngày 19/4/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình (giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông), trong đó không quy định giáo viên phải soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Nội dung Công văn này cho biết:

"Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10: việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án). [3]

Có thể nhận thấy, với việc ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH, Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề áp một mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án) nào cho bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông cả.

Tiếp theo, để triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH.

Công văn này có đề cập đến việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) như sau:

"Bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; việc xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy.

Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh." [4]

Việc giáo viên soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo kiểu cũ (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) hay kiểu mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) thì cũng cần phải đảm bảo các tiêu chí: "Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành".

Người viết cho rằng, điều cốt lỗi mà lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giáo dục và cả giáo viên phải hiểu được tinh thần của Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH đó là: "tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy" "cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh".

Hay nói cách khác, lãnh đạo cơ quan, đơn vị giáo dục nào yêu cầu giáo viên soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Phụ lục 4 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là chưa hiểu tinh thần chỉ đạo của các Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH, Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH, Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH từ các năm qua.

Giả sử lãnh đạo cơ quan, đơn vị giáo dục nào đó yêu cầu giáo viên soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Phụ lục 4 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì thầy cô giáo phải làm gì?

Tôi nghĩ, các giáo viên phải yêu cầu tổ trưởng, tổ phó chuyên môn (giáo viên mạng lưới đối với bậc trung học cơ sở) tham mưu với hiệu trưởng, hiệu phó để lãnh đạo không áp đặt thầy cô phải soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu nào cả.

Cùng với đó, hiệu trưởng, hiệu phó cũng cần tham mưu với Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương để lãnh đạo cơ quan quản lí giáo dục không chỉ đạo giáo viên soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo kiểu áp đặt.

Việc này không khó, vì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh được quy định rất rõ ràng.

Chẳng hạn, "giáo viên chú trọng rèn luyện cho học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới...

Định hướng cho học sinh cách tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo." [5]

Liên quan đến việc thay đổi phương pháp dạy học Chương trình mới, Công văn 4284/SGDĐT-GDTrH ngày 9/8/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023 – 2024 không có nội dung nào đề cập đến việc soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) cả.

Công văn này có một số nội dung đáng quan tâm như sau:

"Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động, tích cực, và sáng tạo của học sinh; đẩy mạnh hoạt động chuyên đề, tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh; tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp cụm, cấp quận và cấp thành phố để bồi dưỡng, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện hỗ trợ giữa nội thành với ngoại thành và các vùng còn khó khăn.

Tổ chức các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, lồng ghép định hướng nghề nghiệp. Khuyến khích học sinh nghiên cứu các ứng dụng trong đời sống thực tiễn thông qua các dự án nhỏ và vừa, phù hợp lứa tuổi.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm học thuật trong nhà trường làm nền tảng cho hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh giáo dục STEM, STEAM (theo Văn bản số 3089/BGDĐT-GDTrH) và từng bước thí điểm hoạt động giáo dục “Trí tuệ nhân tạo – AI” trong trường phổ thông."

Từ những căn cứ như đã phân tích, theo tôi, địa phương nào "ép" giáo viên soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Phụ lục 4 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là đi ngược lại quan điểm dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hơn ai hết, giáo viên phải dựa vào hành lang pháp lí, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (của từng bộ môn) và thực tiễn dạy học để soạn cho mình một kế hoạch bài dạy (giáo án) phù hợp theo từng đối tượng học sinh thì việc dạy học mới mang lại hiệu quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thcsnguyenkhuyen.haugiang.edu.vn/van-ban-cong-van/cong-van-5512-bgddt-gdtrh-huong-dan-xay-dung-va-to-chuc-thuc.html

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-2613-bgddt-gdtrh-2021-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-2021-2022-204323-d6.html

[3] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-1496-BGDDT-GDTrH-2022-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2022-2023-511738.aspx

[4] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3899-BGDDT-GDTrH-2023-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024-574670.aspx

[5] https://thpthoanghoatham.lamdong.edu.vn/To-Anh-Dia-TD-GDQP/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-theo-huong-phat-trien-pham-chat-va-nang-luc-173.html

[6] https://hcm.edu.vn/thong-bao/huong-dan-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024/ctfull/41000/72165

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên