Không kiêm nhiệm bất cứ chức vụ nào, có GV vẫn 10 lần đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở

19/09/2023 07:37
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thi đua mà giáo viên đúc rút thành sáng kiến kinh nghiệm, viết thành văn bản để phổ biến, đó thật sự là mật ngọt kết tinh từ thực tiễn đáng được khen thưởng

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.

Đối với tiêu chuẩn, điều kiện để được xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở được quy định tại Điều 23. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của Luật thi đua, Khen thưởng 2022.

Điều 23 Luật thi đua, Khen thưởng 2022 ghi rõ:[1]

“Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Như vậy, giáo viên không có sáng kiến kinh nghiệm, nhưng đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến” hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Thế nhưng, không ít người cho rằng, dù bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên không kiêm nhiệm các chức vụ khó mà “chạm tay” vào danh hiệu chiến sĩ thi đua.

Thầy Nguyễn Đình Hà đang công tác ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Khi xét danh hiệu chiến sĩ thi đua của đơn vị, Hội đồng thi đua sẽ xem xét các tiêu chí từ trên xuống dưới.

Đầu tiên cá nhân đó có đăng kí danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở đầu năm không, có đạt lao động tiên tiến không …

Sau đó sẽ tính từ trên xuống với Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có sáng kiến kinh nghiệm, cùng Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ai có sáng kiến kinh nghiệm sẽ được ưu tiên.

Như vậy, sáng kiến kinh nghiệm sẽ là điểm nhấn, điểm cộng khi xét chiến sĩ thi đua cơ sở, ngoài ra còn có những tiêu chí khác mang tính “đồng cấp” như: giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường; giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường;

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh thi khoa học kĩ thuật, thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, công tác chủ nhiệm lớp, công tác kiêm nhiệm khác …

Quá trình xem xét còn tính đến tham gia phong trào khác như hiến máu tình nguyện, vận động từ thiện, …, tức là ngoài tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm, còn rất nhiều tiêu chí khác để Hội đồng thi đua cơ sở vận dụng để xếp loại, chọn lọc, bình bầu cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua”.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Một giáo viên đồng nghiệp của người viết chia sẻ thẳng thắn: “Thực tế bản thân tôi, hơn 30 năm dạy học, tôi chưa từng làm tổ trưởng, tổ phó, chỉ là giáo viên “trọc”, công tác qua 3 trường, làm việc với 4 đời hiệu trưởng, vẫn có hơn 10 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp.

Nhìn ra xung quanh, không ít giáo viên khác cũng vậy, họ dám đăng ký thi đua, dám phấn đấu, đạt mục tiêu mình đặt ra, thành tích hơn hẳn những người khác trong đơn vị, hết lòng với học sinh, Hội đồng thi đua không bầu cho họ thì bầu cho ai xứng đáng hơn?

Ngoài Hội đồng thi đua, Hội đồng sư phạm nhà trường mới là yếu tố quyết định; Hội đồng thi đua đề nghị, nhưng khi thông qua Hội đồng sư phạm không nhất trí sẽ bầu lại danh hiệu chiến sĩ thi đua nói riêng, danh hiệu thi đua nói chung.

Số lượng giáo viên gấp nhiều lần số lượng thành viên Hội đồng thi đua, giáo viên mà xứng đáng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc bình bầu thi đua bằng phiếu kín của hội đồng sư phạm.

Theo tôi, việc lấy lý do không có sáng kiến kinh nghiệm giáo viên khó đạt danh hiệu đôi khi là là lý do của thầy cô không chủ động đăng ký thi đua.

Dù quy định có sáng kiến hay không, nếu giáo viên phấn đấu, cống hiến vì giáo dục, được nhân dân, học sinh tin yêu, đồng nghiệp tin tưởng, có đăng ký thi đua, chắc chắn sẽ được hội đồng thi đua nhà trường đánh giá đạt, đề xuất lên cấp trên công nhận.

Nếu không tin tưởng vào sự đánh giá công tâm, minh bạch của Hội đồng thi đua, không tự tin vào năng lực, bản lĩnh của mình, giáo viên sẽ không thi đua, co mình lại, nói gì đến sáng kiến, lúc đó lại càng minh chứng cho sự đổ lỗi, thiếu trách nhiệm với mình và tập thể”.

Thi đua, phấn đấu vì giáo dục, vì học sinh thân yêu mà đúc rút thành sáng kiến, khái quát bằng văn bản để phổ biến, đó thật sự là mật ngọt kết tinh từ thực tiễn đáng được khen thưởng.

Thực tế, việc sáng kiến kinh nghiệm được sao chép, mua bán, thiếu áp dụng thực tiễn … đã gây nên phản cảm trong giáo viên khi nói đến sáng kiến kinh nghiệm.

Thay đổi cách chấm, cách đánh giá, quản lý và phổ biến sáng kiến kinh nghiệm mới là gốc rễ của vấn đề, phát huy, áp dụng nhân rộng sáng kiến là điều tuyệt vời nhất trong thi đua.

Để thi đua công bằng, mỗi cơ sở giáo dục cần có tiêu chí đánh giá thi đua phù hợp thực tế, phù hợp quy định của pháp luật.

Minh bạch, dân chủ trong đánh giá thi đua khen thưởng là động lực để giáo viên thi đua, người hưởng lợi đầu tiên chính là học sinh và nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-Thi-dua-Khen-thuong-2022-418232.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường