Vừa qua, trong công văn số 1516/TCGDNN-KHTC ngày 31/07/2023 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) có nêu, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ảnh chụp Công văn số 1516/TCGDNN-KHTC ngày 31/7/2023 của Tổng cục Giáo dục Giáo dục nghề nghiệp |
Bởi, theo các quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong khi theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Trường trung cấp và Trường cao đẳng. Do đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Giáo dục 2019, cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Như vậy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện là cơ sở giáo dục thường xuyên có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Vậy nên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sẽ không được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, các cơ sở vật chất trong việc dạy nghề ở các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện đã xuống cấp sau nhiều năm lại không được sửa chữa đã khiến các đơn vị gặp phải nhiều khó khăn.
Cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị dạy nghề còn hạn chế
Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho hay, việc không thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 như vậy là một hạn chế đối với các đơn vị, bởi cơ sở vật chất hiện nay của nhiều trung tâm còn thiếu, nhất là thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề.
Đơn cử như tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Yên Lạc, mặc dù thực trạng cơ sở vật chất hiện nay của đơn vị cơ bản đáp ứng việc tổ chức dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp dạy trình độ trung cấp nghề cho học sinh.
Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị hiện nay là diện tích đất của đơn vị còn thiếu; không đủ phòng học, không có phòng học bộ môn; thiết bị dạy nghề chưa đa dạng, hiện đại; không có thiết bị dạy học văn hóa.
Cụ thể, diện tích đất toàn khuôn viên trung tâm của trung tâm hiện nay là 5.898m2 nhưng còn thiếu theo quy định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Do diện tích đất của đơn vị còn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển về quy mô lớp học của đơn vị trong những năm gần đây và các năm tiếp theo; không có không gian tổ chức các hoạt động ngoài trời,... Việc mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu phát triển về số lượng lớp học gặp khó khăn.
Không những vậy, trang thiết bị dạy nghề của trung tâm còn hạn chế nên hiện cũng chỉ trang bị được cho một số nghề như May và thiết kế thời trang, điện công nghiệp, điện lạnh. Vậy nên, những đơn vị liên kết nghề với trung tâm đã cung cấp các trang thiết dạy nghề để đảm bảo công tác dạy nghề cho học sinh.
Chính vì vậy, chất lượng dạy nghề có phần bị ảnh hưởng do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của đơn vị hiện còn thiếu so với số lượng học sinh, nhiều thiết bị cũ hỏng do thời gian sử dụng đã lâu.
Hiện tại, để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, thầy Cường cho hay, khi lựa chọn đơn vị liên kết dạy nghề, trung tâm đã yêu cầu các đơn vị đó phải cam kết hỗ trợ trang thiết bị đảm bảo cho việc học sinh được thực hành ngay tại Trung tâm.
Học sinh không có nhiều lựa chọn đăng ký ngành nghề do thiết bị nghề không đa dạng; tổ chức cho học sinh thực hành nghề tại đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
Vậy nên, theo thầy Cường, nếu được nằm trong đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia này, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện sẽ có những thuận lợi như được đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy nghề sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập và thực hành ngay tại cơ sở.
Từ đó, chất lượng trong công tác đào tạo nghề tại các trung tâm được nâng cao do học sinh được thực hành tại chỗ; Đa dạng được các ngành nghề đào tạo đáp ứng theo nhu cầu của người học; Đẩy nhanh công tác mở rộng diện tích của trung tâm đáp ứng được nhu cầu phát triển về số lượng học sinh, quy mô các lớp học trong giai đoạn tiếp theo.
Mặt khác, trang thiết bị dạy học văn hóa của trung tâm được trang bị từ năm 2009 nay đã hỏng và hết hạn sử dụng; trang thiết bị dạy học để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với khối 10, 11 vẫn chưa được trang bị (hiện tại Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phố thông tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 được ban hành theo Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 17/3/2023).
Về phòng học đa năng, phòng học bộ môn, trung tâm đang có 02 phòng tin học nhưng chưa có phòng học bộ môn. Tuy nhiên, trang thiết bị đã được cấp từ 2010, trung tâm thường xuyên phải đầu tư kinh phí để sửa chữa, tận dụng các máy tính còn có thể sử dụng được để giảng dạy nghề tin học cho học sinh.
Học sinh tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Yên Lạc trong giờ học (Ảnh: Website trung tâm). |
Theo thầy Cường, việc thiếu cơ sở vật chất có ảnh hưởng rất nhiều đến công tác đào tạo của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Như tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Yên Lạc, việc tổ chức dạy văn hóa kết hợp dạy nghề gặp nhiều khó khăn do phải bố trí phương án tổ chức dạy học, vị trí các lớp học, khung thời gian trong tuần vừa đảm bảo chất lượng văn hóa, dạy nghề; lịch học cũng kín từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần mới có thể đảm bảo.
Vậy nên, giáo viên của cơ sở không có nhiều thời gian tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi; chưa tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp. Khi thực hiện tăng cường phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên sẽ dạy thêm cả vào chủ nhật, ngày nghỉ.
Ngoài ra, giáo viên các bộ môn cũng chủ động sử dụng các thí nghiệm mô phỏng, các phần mềm hỗ trợ quá trình dạy học; các thiết bị dạy học cũ còn có thể sử dụng được.
Thầy Cường cũng chia sẻ thêm về khó khăn chung của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện hiện nay.
Thứ nhất là, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa hiện đại; thiết bị dạy nghề còn thiếu nhiều, chưa đa dạng về ngành nghề đào tạo, diện tích chưa đáp ứng việc phát triển đa ngành nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; thiếu nhiều phòng học văn hóa và học nghề.
Thứ hai là, hiện vẫn chưa có định biên chế cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; nhiều cơ sở thiếu giáo viên ở một số môn, không có giáo viên dạy nghề.
Thứ ba là, về quản lí nhà nước: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện hiện nay có ba cấp quản lí độc lập. (Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý giáo dục thường xuyên; Sở Lao động – Thương binh và xã hội quản lý giáo dục nghề nghiệp; Ủy ban nhân dân huyện quản lý về con người, cơ sở vật chất). Do đó, có những chỉ đạo quản lí chưa thống nhất, chồng chéo, hiệu quả chưa cao.
Thứ tư là, nhận thức của nhiều người dân vẫn luôn coi nhẹ chuyện học nghề, làm thợ, chỉ muốn thi vào các trường trung học phổ thông công lập, sau đó học đại học, cao đẳng dù biết rằng đầu ra sau này không hề đơn giản.
Thứ năm là, chất lượng đầu vào của học sinh thấp ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.
Thầy Cường đã đưa ra một số đề xuất để Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học:
Về cơ sở vật chất, cần đảm bảo cho các cơ sở có diện tích đáp ứng theo quy định; trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đa dạng ngành nghề đào tạo; đầy đủ thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Về đội ngũ, cần có định biên giáo viên đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên;
Về cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để có sự thống nhất, hạn chế chồng chéo, đạt hiệu quả cao hơn;
Tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2018 – 2025.
Chia sẻ từ thầy Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang) cho hay, cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình dạy văn hóa và dạy nghề của đơn vị đều được Ủy ban nhân dân thành phố cùng các Sở, ban ngành của tỉnh quan tâm, đầu tư đáp ứng được yêu cầu tối thiểu trong chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, nếu nhận được sự quan tâm đầu tư từ nhiều chương trình hơn tất yếu chương trình đào tạo, dạy và học của các trung tâm sẽ phát triển được mạnh hơn nữa. Vậy nên, nếu được nằm trong đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 sẽ thuận lợi hơn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.