Trung tâm GDNN-GDTX nơi muốn bổ sung biên chế, nơi muốn chủ động hợp đồng GV

16/08/2023 06:38
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo trung tâm GDNN-GDTX mong sớm được bổ sung cơ sở vật chất theo chương trình GDPT 2018 cùng biên chế giáo viên để kịp với quy mô học sinh đang tăng mạnh.

Thực tế hiện nay, quy mô học sinh tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang có xu hướng ngày càng tăng mạnh, thậm chí, một số đơn vị có số người học tăng gấp đôi so với những năm học trước.

Tuy nhiên khi số người học tăng thì việc chưa đủ số lượng biên chế giáo viên, cơ sở vật chất, diện tích đất đáp ứng đã khiến một số cơ sở gặp khó khăn, nhiều thầy cô phải dạy thêm giờ để đảm bảo đủ chương trình học cho các em học sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng hiện nay của cơ sở, thầy Lê Trung Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết, quy mô số học sinh vào trung tâm đang ngày càng tăng nhưng biên chế giáo viên không tăng, tất cả các môn học của đơn vị đều đang thiếu giáo viên.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Hòa Bình).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Hòa Bình).

Năm học 2023-2024, ban đầu, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi được giao chỉ tiêu mở 3 lớp học, nhưng sau đó, với số hồ sơ đăng ký vào cơ sở quá đông nên trung tâm đã được Ủy ban nhân dân huyện cho phép mở thêm 2 lớp học nữa để đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh trên địa bàn.

Theo thầy Lê Trung Hà, hiện các thầy cô của trung tâm đều đang phải dạy thừa giờ, thừa tiết cũng như phải chia số học sinh theo 2 ca học sáng, chiều; riêng đối với 2 môn Toán, Ngữ văn, đơn vị phải thuê thêm giáo viên hợp đồng mới đảm bảo đủ được số giờ, tiết học cho các em học sinh.

Với tình trạng thiếu biên chế giáo viên như vậy, hàng năm, trung tâm đều lập danh sách đề xuất với phòng nội vụ của huyện, tuy nhiên, việc tuyển dụng còn nhiều khó khăn do khó có nguồn tuyển.

Mặt khác, thầy Lê Trung Hà cho biết thêm, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của đơn vị chưa được cấp do huyện còn gặp vướng mắc.

Không những vậy, với quỹ đất trung tâm hiện nay cũng rất nhỏ với tổng diện tích toàn trung tâm chỉ 2.000 m2, đơn vị không có các phòng học đa năng, phòng thực hành,...

Do đó, hiện trung tâm vẫn đang tận dụng lại những đồ dùng học tập cũ trước kia vẫn còn chức năng, tác dụng phù hợp; thực hiện các thí nghiệm ảo trên máy chiếu để đảm bảo kiến thức cho học sinh học tập.

Chính vì vậy, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi mong rằng, đơn vị sẽ sớm được cấp các trang thiết bị, máy móc theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh trung tâm.

Cũng bàn về thực trạng hiện nay, thầy Văn Viết Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà (Kon Tum) bày tỏ quan điểm, đặc thù của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là số học sinh không ổn định như tại các trường trung học phổ thông nên không phải năm nào số lượng lớp học mở ra cũng giống nhau.

Đơn cử như ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà vào những năm học trước, đơn vị tuyển sinh đạt khoảng 80 - 90 học sinh nhưng năm học 2023 - 2024 này, số lượng tuyển sinh lại lên đến 180 em.

Do đó, với sự chưa ổn định về số lượng học sinh như vậy, việc bổ sung thêm biên chế giáo viên cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có thể khiến giáo viên không có đủ tiết dạy với những năm có ít học sinh.

Thầy Văn Viết Hải cũng cho hay, tại mỗi tỉnh, mỗi huyện với số lượng người học khác nhau sẽ có cách điều tiết, sắp xếp biên chế giáo viên khác nhau. Hiện ở tỉnh Kon Tum, biên chế đội ngũ giáo viên dạy chương trình văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là mỗi môn học có 1 giáo viên.

Như tại trung tâm của Đăk Hà đang dạy 7 môn văn hóa nên có 7 biên chế giáo viên. Do vậy, đối với những năm có số lượng học sinh đông, trung tâm sẽ chủ động tuyển dụng giáo viên hợp đồng hay giáo viên thỉnh giảng ở các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn để đảm bảo công tác đào tạo.

Đối với cơ sở vật chất, thầy Văn Viết Hải cho biết, năm 2017, đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên Đăk Hà với Trung tâm dạy nghề Đăk Hà nên có phòng học khang trang cùng cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Tuy nhiên, theo yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện đơn vị vẫn đang đợi địa phương hỗ trợ, cấp mới các máy móc, trang thiết bị để đáp ứng đúng theo quy định.

Khánh An