Khuyến khích học ngoại ngữ, không nhất thiết phải đặc cách HS giỏi như Hà Tĩnh

28/12/2022 06:43
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xoay quanh chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh của Hà Tĩnh, nhiều tỉnh thành khác không đồng tình với cách làm này.

Nhằm khuyến khích và thúc đẩy phong trào dạy và học ngoại ngữ, từ năm học 2021 - 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng ngoại ngữ. Tỉnh đã có chính sách ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Theo đó, Nghệ An đã ưu tiên xét tuyển vào Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu và Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Năm học 2022 - 2023, tỉnh Nghệ An đã thực hiện ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu cho 70 học sinh, phân bổ vào các lớp chuyên Anh theo chuẩn quốc tế. Còn Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng ưu tiên xét tuyển cho 35 học sinh.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoài Ân)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoài Ân)

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An: “Việc đặc cách này không phải là tuyển thẳng mà là một phương thức tuyển sinh kết hợp giữa ưu tiên xét tuyển và thi tuyển. Theo đó, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thôi là chưa đủ mà các em còn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đạt học lực khá trở lên và có hạnh kiểm tốt. Cùng với đó, những học sinh này phải trúng tuyển vào một trường công lập bất kỳ. Làm như vậy để tránh việc học sinh chỉ học tủ môn tiếng Anh mà bắt buộc vẫn phải thi các môn Ngữ văn và Toán như các học sinh khác.

Hình thức ưu tiên xét tuyển này, tỉnh Nghệ An thực hiện tương tự nhiều trường đại học đang thực hiện. Việc ưu tiên xét tuyển đã được triển khai từ năm học 2020 - 2021 và ngày càng nhiều học sinh được hưởng chính sách này. Ưu tiên như vậy là để thu hút học sinh vào trường chuyên. Đây là một trong những phương pháp mà Nghệ An áp dụng để thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ của tỉnh”.

Không ủng hộ đặc cách trong kỳ thi học sinh giỏi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: “Bản chất của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và kỳ thi của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là khác nhau. Do đó, không nên lấy kết quả của một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để đặc cách cho thí sinh của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Chúng ta có thể khuyến khích, thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ bằng nhiều hình thức khác nhau, tổ chức các cuộc thi riêng biệt, mà không nhất thiết là phải ưu tiên trong kỳ thi học sinh giỏi. Học sinh có chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL đã được ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học. Hay như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh được quy đổi điểm của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang thang điểm 10 (theo mức điểm quy định) và được miễn thi môn tiếng Anh. Tôi thấy đây là sự động viên rất lớn cho học sinh rồi.

Việc đặc cách trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh là quy định riêng của từng tỉnh. Mỗi tỉnh có thể tổ chức kỳ thi bằng các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên xét giải cho những thí sinh trực tiếp tham gia cuộc thi, nếu có đặc cách trong kỳ thi học sinh giỏi thì khác gì tổ chức cuộc thi thể dục thể thao nhưng lại ưu tiên cho vận động viên để xét giải và cấp giấy chứng nhận”.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào dạy và học của địa phương, tìm kiếm những học sinh mũi nhọn, đào tạo nhân tài. Hiện nay, tỉnh Gia Lai vận dụng quy chế thi tốt nghiệp để tổ chức kỳ thi này. Ở bậc trung học phổ thông, các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý sẽ cử một số lượng học sinh nhất định tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Còn đối với bậc trung học cơ sở, học sinh sẽ phải tham gia các vòng thi cấp huyện/cấp thành phố rồi mới đến cấp tỉnh.

Với chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, khi tổ chức học sinh giỏi cấp tỉnh, Gia Lai chia thành 2 bảng, bảng A sẽ thi một bài thi khó hơn theo chương trình của trường chuyên, bảng B thì phạm vi kiến thức sẽ nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tuy nhiên đề thi sẽ có phần nâng cao. Hàng năm, cuộc thi này vẫn luôn là sân chơi bổ ích, thu hút được nhiều học sinh tham gia”.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An: “Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh là kỳ thi của địa phương. Từng tỉnh sẽ có mục tiêu riêng, đánh giá riêng, chúng ta cũng cần làm rõ yêu cầu của kỳ thi học sinh giỏi. Yêu cầu của kỳ thi học sinh giỏi có đôi nét tương đồng và vẫn có nhiều điểm khác biệt với các chứng chỉ ngoại ngữ. Vì vậy, kỳ thi này đòi hỏi thí sinh phải có nhiều kỹ năng và có cả đam mê. Theo tôi, không nên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để đặc cách trong kỳ thi học sinh giỏi. Bởi vì tiêu chí đánh giá của hai kỳ thi này là không đồng nhất.

Nhận thấy sự chênh lệch giữa hai kỳ thi, tỉnh Nghệ An mới chỉ dừng lại ở việc ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Đã nhiều lần Sở Giáo dục và Đào tạo bàn bạc về vấn đề này nhưng đến nay vẫn giữ quan điểm không nên có đặc cách công nhận trong kỳ thi học sinh giỏi.

Ở tỉnh Nghệ An, kỳ thi học sinh giỏi cũng được chia làm 2 bảng là bảng A và bảng B vì với đặc thù của tỉnh, năng lực của học sinh ở các vùng sẽ có sự phân hóa, chênh lệch nhất định. Bảng A dành cho học sinh vùng thành phố, vùng thuận lợi, bảng B dành cho học sinh các vùng núi khó khăn. Tổ chức như vậy, chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi thực sự cho học sinh, khuyến khích, động viên học sinh toàn tỉnh, tránh tạo thiệt thòi cho học sinh vùng khó. Còn việc chọn thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh sẽ tổ chức một cuộc thi độc lập, không liên quan đến kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Ưu tiên xét tuyển học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không nhằm mục đích tạo ra trào lưu học và ôn luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Học sinh phải có năng lực và đam mê nhất định, đồng thời gia đình cũng phải có điều kiện mới cho con thi chứng chỉ này. Việc ưu tiên chỉ giúp phụ huynh biết đến chứng chỉ ngoại ngữ và cân nhắc cho con theo học (nếu đủ điều kiện). Có thể khi triển khai thực hiện những chính sách ưu tiên xét tuyển sẽ có những ý kiến trái chiều, tạo ra những thái cực khác nhau. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý sẽ luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ để đưa ra điều chỉnh ngay khi có những trường hợp bất thường”.

Hoài Linh