Kiểm tra văn bản ngoài SGK đã thực hiện ở tiểu học tại Bình Thuận nhiều năm

07/11/2022 06:36
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ yếu giáo viên dạy học sinh về thể loại, kỹ năng... nên chỉ cần học sinh biết cách vận dụng thì văn bản trong hay ngoài sách vẫn có thể làm được.

“Đề kiểm tra đọc hiểu và viết đánh giá cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”, là yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra môn Ngữ văn áp dụng cho năm học 2022-2023.

Đề kiểm tra cuối kỳ 1 là văn bản trong Báo Thiếu niên Tiền phong (Ảnh tác giả)

Đề kiểm tra cuối kỳ 1 là văn bản trong Báo Thiếu niên Tiền phong (Ảnh tác giả)

Đây được xem là những điểm mới trong việc giảng dạy môn Ngữ văn ở các trường trung học kể từ năm học này. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học, cụ thể là tại tỉnh Bình Thuận thì đã khá lâu trong các kỳ kiểm tra định kỳ hằng năm, các trường học đã không còn dùng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu để kiểm tra.

Học sinh tiểu học tại Bình Thuận đã kiểm tra văn bản ngoài sách giáo khoa từ nhiều năm nay

Từ nhiều năm nay, học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 tại Bình Thuận đã không còn kiểm tra môn Tiếng Việt bằng những bài học trong sách giáo khoa. Cả 2 phần đọc hiểu văn bản (đọc để trả lời câu hỏi trắc nghiệm và tự luận) và viết chính tả đều dùng văn bản ngoài sách giáo khoa.

Người viết còn nhớ, cách đây khoảng 5 năm, khi nhà trường thông báo 4 lần kiểm tra định kỳ của học sinh từ khối 1 đến khối 5 môn Tiếng Việt không được lấy văn bản đã học trong sách giáo khoa mà phải chọn văn bản ngoài sách.

Văn bản được chọn phải đảm bảo được nội dung, phải phù hợp với lứa tuổi học sinh của từng khối lớp, đảm bảo độ dài (đối với phần chính tả nghe đọc) theo đúng quy định...

Lúc đó, giáo viên chúng tôi đã có những buổi họp chuyên môn, nghiên cứu ma trận ra đề và cùng nhau xây dựng một số đề kiểm tra minh hoạ để áp dụng vào thực tế.

Thời gian đầu mới triển khai, giáo viên cũng có rất nhiều ý kiến phản ứng, lo lắng. Lý do đưa ra là, học sinh tiểu học còn quá nhỏ, kiểm tra văn bản trong sách giáo khoa sợ còn không làm được mà kiểm tra văn bản ngoài sách sẽ thế nào?

Tuy nhiên, qua vài năm triển khai thực hiện, người viết nhận thấy, việc cho học sinh kiểm tra bằng văn bản ngoài sách giáo khoa có rất nhiều ưu điểm.

Giáo viên đánh giá chính xác năng lực học tập của từng em. Nếu như trước đây, kiểm tra văn bản trong sách nên thời gian ôn tập, giáo viên cũng chỉ tập trung ôn luyện thật kỹ các văn bản đã học. Vì thế, đến học sinh yếu, trung bình đôi khi làm bài kiểm tra cũng đạt điểm 9, 10 là bình thường.

Thế nhưng, khi kiểm tra văn bản ngoài sách giáo khoa, giáo viên không biết đề ra thế nào nên không thể ôn tập theo kiểu học tủ. Bởi thế, các thầy cô giáo thường sưu tầm những văn bản hay ngoài sách để hướng dẫn cho các em cách đọc, cách cảm thụ về nội dung, nghệ thuật của từng văn bản.

Khi học sinh đã có kiến thức, có kỹ năng thì gặp văn bản lạ chưa bao giờ được học, các em cũng không còn bỡ ngỡ. Sau kiểm tra, chỉ cần nhìn vào bài làm của các em, thầy cô giáo cũng nắm được học sinh nào còn yếu, còn hổng kiến thức, hổng ở phần nào để dễ dàng kèm cặp và phụ đạo thêm.

Vì kiểm tra văn bản ngoài sách giáo khoa cho nên khi dạy và ôn tập, người viết cũng thường xuyên sưu tầm những văn bản hay để cho các em học. Nhờ được học thêm những văn bản ngoài sách nên khi kiểm tra gặp những văn bản lạ nhiều học sinh vẫn làm rất tốt.

Hiện nay, mỗi khối lớp đều có ba bộ sách giáo khoa. Giáo viên lại càng dễ dàng hơn trong việc chọn một số bài học hay trong những bộ sách còn lại làm ngữ liệu kiểm tra cũng như chọn các văn bản hay, phù hợp với trình độ học sinh của lớp để giảng dạy, thay thế những văn bản trong bộ sách chính của nhà trường.

Một đề kiểm tra định kỳ của học sinh lớp 2 ở một trường tiểu học Bình Thuận

Ngữ liệu bài kiểm tra môn Tiếng Việt lớp 2 (kiểm tra định kỳ lần 1) được lấy từ Báo Thiếu niên Tiền phong. Đề kiểm tra gồm 2 phần đọc hiểu (trả lời câu hỏi) và phần viết chính tả. Phần đọc hiểu gồm 9 câu hỏi vừa trắc nghiệm, vừa tự luận theo 4 mức độ (từ mức 1 đến mức 4 từ dễ đến khó).

Câu hỏi dễ nhất là: Trong câu chuyện, gia đình có mấy người con?

Các đáp án sẽ là: Một; Hai; Ba; Bốn.

Câu khó nhất sẽ là: Câu chuyện muốn khuyên em điều gì? Em hãy viết 2 đến 3 câu nói lên tình cảm của em đối với người thân trong gia đình.

Để làm bài tốt, các em sẽ phải đọc văn bản nhiều lần để hiểu và trả lời từng câu hỏi. Đề kiểm tra như thế này, giáo viên cũng không biết trước đề nên có muốn cũng không thể hướng dẫn cho học sinh.

Vì thế, điểm mà các em đạt được là số điểm thực chất, phản ứng đúng năng lực của từng học sinh.

Học sinh tiểu học còn khá nhỏ đã học và kiểm tra như thế thì học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sao không thể làm được?

Người viết rất đồng tình với ý kiến của cô giáo Lê Phượng, giáo viên một trường trung học phổ thông tại Bình Thuận: “Chủ yếu giáo viên dạy học sinh về thể loại, kỹ năng... Nên chỉ cần học sinh biết cách vận dụng thì văn bản trong hay ngoài sách vẫn có thể làm được”.

Cũng như ý kiến của cô giáo Đỗ Thị Thuý Dương ở Vũng Tàu: “Đổi mới giáo dục đang chuyển trọng tâm vào “cách” chứ không phải “cái”. Thực tế, trong quá trình dạy học, làm thế nào để khơi gợi tư duy cho học sinh, làm thế nào để các em học một biết mười, phát triển và thể hiện năng lực suy nghĩ độc lập, hình thành được “cách”, vốn không dễ dàng, nhưng cố gắng chắt lọc vẫn làm được”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết