Đổi mới kiểm tra môn Văn giúp GV tổng hợp nhiều nguồn để có ngữ liệu phong phú

22/10/2022 06:42
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không lấy ngữ liệu trong SGK thì các thầy, cô tìm ngữ liệu từ đâu để đề kiểm tra Văn có thể đánh giá chính xác trình độ cũng như năng lực của HS?

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175 BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi môn Ngữ văn để đánh giá được năng lực đọc hiểu, phân tích và cảm thụ văn bản của học sinh, tránh lối mòn học tủ, đoán đề bao năm nay.

Xây dựng ma trận câu hỏi phù hợp với nhiều đối tượng học sinh

Chia sẻ về nguồn ngữ liệu trong đề kiểm tra Ngữ văn theo yêu cầu mới với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ văn hệ song bằng (trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp) tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho hay:

“Các ngữ liệu sử dụng vào đề kiểm tra được tôi cũng như các giáo viên bộ môn Ngữ văn của nhà trường lấy từ nhiều nguồn đa dạng như trong các tác phẩm của sách, báo, các nguồn học liệu trên internet đáng tin cậy, có kiểm chứng và được chọn lọc. Thông thường, các văn bản dùng làm ngữ liệu có thể lấy một phần hoặc cả tác phẩm sao cho phù hợp với mục đích kiểm tra, đánh giá”.

Phần đọc - hiểu trong một đề kiểm tra cho học sinh lớp 10 tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị sử dụng ngữ liệu từ cuốn sách “Hạt giống tâm hồn”. (Nguồn: NVCC)

Phần đọc - hiểu trong một đề kiểm tra cho học sinh lớp 10 tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị sử dụng ngữ liệu từ cuốn sách “Hạt giống tâm hồn”. (Nguồn: NVCC)

Bên cạnh đó, cô Thu cũng chia sẻ, trong quá trình ra đề, vì lớp có nhiều đối tượng học sinh học lực khác nhau (yếu - trung bình - khá - giỏi) nên cô cùng các giáo viên bộ môn Ngữ văn của nhà trường đã xây dựng ma trận câu hỏi phù hợp với mục đích kiểm tra, đánh giá, và dự kiến phổ điểm trung bình mà học sinh có thể đạt được để có đề kiểm tra, đánh giá tốt nhất.

Cô Thu cho biết thêm, bài kiểm tra giữa học kỳ 1 vừa qua với các em học sinh lớp 10 của trường có cấu trúc gồm 2 phần: đọc hiểu và viết. Phần đọc hiểu chiếm 60% trọng số điểm; phần viết chiếm 40% trọng số điểm. Điều này tạo nên sự khác biệt so với bài kiểm tra trước đây (30% đọc hiểu; 70% làm văn).

Ma trận đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 10 của Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Nguồn: NVCC)

Ma trận đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 10 của Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Nguồn: NVCC)

Cô Thu cho rằng, đề kiểm tra Ngữ văn theo yêu cầu đánh giá mới nên đảm bảo: tính chuẩn xác; tính tin cậy; tính công bằng; tính chân thực, tính thực tế; tính tác động.

Bởi theo cô Thu, bản chất của việc kiểm tra, đánh giá là để giáo viên đo được năng lực của học trò, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy để học trò tiến bộ hơn, học sinh qua bài kiểm tra, đánh giá có thể biết được bản thân yếu, mạnh điểm gì để phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu.

Ngoài ra, cô Thu cũng đưa ra lời khuyên rằng: các giáo viên Ngữ văn cần sáng tạo hơn, chủ động hơn trong cách ra đề, không nên lệ thuộc vào kho đề cũ, xây dựng đề phù hợp với bối cảnh thực tiễn của lớp học.

Sử dụng ngữ liệu từ tác phẩm của các tác giả đã quen thuộc với học sinh

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023, theo đó: “đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12”

Vì thế, các thầy, cô giáo môn Ngữ văn tại nhiều trường trung học cơ sở cũng đã và đang tham khảo những nguồn ngữ liệu gần gũi nhất để đưa ra đề kiểm tra phù hợp cho học sinh. Cô Trần Hồng Liên, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Thanh Am, Quận Long Biên, Hà Nội cho biết:

“Tổ Ngữ văn chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn, vì thế, sẽ có ngữ liệu phong phú để ra đề cho các em. Đó là nguồn các tác phẩm văn học của các tác giả vốn đã quen thuộc với các em. Ví dụ như các tập thơ của một số nhà thơ lớn như Hữu Thỉnh, Tế Hanh, Trần Đăng Khoa...".

Bởi lẽ, học sinh cũng đã được tiếp xúc nhiều với các tác phẩm của các tác giả này. Các nhà thơ này đều có lượng lớn các bài thơ hay, ý nghĩa với các thể loại phong phú đa dạng, phù hợp với chương trình học của các em.

Bên cạnh đó, tôi thấy các giáo viên cũng có thể tham khảo thêm nguồn ngữ liệu ở các tờ báo phù hợp với lứa tuổi các em,... đó cũng là những nơi chứa các ngữ liệu văn học hấp dẫn”.

Tuy nhiên, bản thân cô Liên vẫn cảm thấy còn một số khó khăn mà giáo viên phải khắc phục như: Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nên đòi hỏi thầy cô phải tìm sao cho ngữ liệu không quá phức tạp, phù hợp với độ tuổi của các em học sinh cũng như có nhiều thông tin để có thể tạo câu hỏi, khai thác được tối đa khả năng và năng lực học của các em.

Nên bám sát đặc trưng thể loại đã học trong sách giáo khoa

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cách ra đề kiểm tra Ngữ văn theo yêu cầu mới, cô Phạm Huyền Trang, giáo viên môn Ngữ văn của Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy, Quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết:

“Theo tôi, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa được sử dụng trong đề kiểm tra Ngữ văn nên đảm bảo bám sát đặc trưng thể loại khiến các em dễ dàng nhận biết, vận dụng. Ngữ liệu phải có dung lượng vừa phải, dễ hiểu với các em học sinh.

Cô Phạm Huyền Trang, giáo viên môn Ngữ Văn Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy, Quận Tây Hồ, Hà Nội. (Nguồn: NVCC)

Cô Phạm Huyền Trang, giáo viên môn Ngữ Văn Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy, Quận Tây Hồ, Hà Nội. (Nguồn: NVCC)

Để hạn chế được tối đa những khó khăn trong cách học, cách kiểm tra theo yêu cầu của chương trình mới, các em học sinh cần nắm rõ các đặc trưng thể loại trong sách giáo khoa mà mình đã được học cũng như tìm đọc thêm các tác phẩm theo thể loại".

Cũng theo cô Trang chia sẻ, phần đọc thêm hiện tại của học sinh trong Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy có thể do giáo viên mỗi lớp định hướng để phù hợp với năng lực của từng lớp.

Ngoài ra, sau quãng thời gian nghiên cứu, cô Trang cho rằng, đề kiểm tra nên chia thành 2 phần bao gồm: đọc hiểu và tập làm văn. Đối với phần đọc hiểu nên có 50% trắc nghiệm, 50% câu hỏi tự luận để có thể đánh giá được toàn diện năng lực học Văn của các em.

Hiện tại, học sinh tại những lớp cô Trang giảng dạy đã trải qua bài kiểm tra giữa kì 1 môn Ngữ văn và một số bài kiểm tra miệng - 15 phút. Theo cô Trang đánh giá, trong quá trình học, các em học sinh cũng cơ bản nắm được kiến thức trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, khi gặp đề kiểm tra với các tác phẩm ngoài chương trình, các em học sinh còn khá lúng túng với các câu hỏi đọc hiểu dạng vận dụng cao như: rút ra bài học, thông điệp, tìm và nêu tác dụng biện pháp tu từ.

Trà My