Kiên định tước đoạt quyền được dạy và chế độ của nhà giáo là thái độ gì?

08/06/2020 06:20
Bài, ảnh: Nguyễn Phan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù người quản lý có oằn mình để thoái thác trách nhiệm thì luật pháp vẫn đã và đang hiện diện để giúp sự công bằng xã hội được thực thi.

Vụ việc hàng trăm nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) bị ngành giáo dục tước đoạt quyền được dạy và chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi kéo dài hàng chục năm đã và đang dần được bóc tách.

Sau mấy chục tin bài thông tin về vụ việc của Giáo dục Việt Nam, ánh sáng của việc nhà giáo được khôi phục lại chế độ đang le lói sáng, vì hiện tại Hội đồng xét đề nghị phụ cấp thâm niên của nhà trường, nơi cô Cảnh công tác đã gửi về Ủy ban nhân dân huyện chờ xét duyệt, quyết định.

Tuy nhiên, như đã thông tin, việc cắt chặn chế độ của hàng trăm nhà giáo này đã tồn tại dai dẳng suốt hàng chục năm trời nhưng lại bị ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận che chắn khá kỹ càng, nên hàng trăm nhà giáo rơi vào tình trạng này chỉ biết oằn mình chịu đựng.

Bĩ cực muôn vàn trong suốt quá trình dài bị cắt chặn chế độ khiến phải “nước mắt chan cơm”.

Hiện tại, trong số những nhà giáo bị cắt chặn chế độ, có nhiều người đã nghỉ hưu nhưng chế độ hưu trí vẫn bị ách tắc lại và chính điều này như nước lũ tràn đê, nhiều nhà giáo thuộc diện bị chặn chế độ phải tìm Giáo dục Việt Nam nhờ giúp đỡ thông tin.

Nhưng, khi sự việc đang được “đoái xét” và ngay trong tiến trình xử lý thì sự “kiên định” một cách có chủ đích của một vài thành phần khi kiên quyết áp dụng lý do “không tham gia giảng dạy” để cấn trừ thời gian được hưởng tỷ lệ % phụ cấp thâm niên của nhà giáo đã khiến nhiều nhà giáo bức xúc vì sự lộ liễu trong việc níu kéo làm che đậy hành vi tham nhũng của những đối tượng này.

Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh trải lòng về những uất ức của mình
Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh trải lòng về những uất ức của mình

Trong những ngày le lói niềm vui khi chế độ được phụ hồi nhưng nhà giáo lại cay đắng thốt lên “ai đã không cho tôi quyền giảng dạy?” và điều này lại được chính nhà giáo Nguyễn Thị Cảnh – người đã dùng “nước mắt chan cơm” mỗi khi ngậm ngùi nghĩ về chế độ bị tước đoạt đem ra so sánh với lời kêu gào của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm văn học hiện thực phê phán của nhà văn Nam Cao đã khiến cho sự việc càng thấm đẫm vị mặn chát của nước mắt người thầy.

Thực tế, luật pháp đã quy định tường minh về quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo cũng như quyền lợi và nhĩa vụ của những người làm công tác quản lý, lãnh đạo trong hệ thống nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về giáo dục nói riêng.

Nhưng nay, việc một vị hiệu trưởng đã kiên định tước đoạt đi 1% phụ cấp thâm niên trong tổng số 29% được đề nghị xét hưởng bằng một câu xác nhận vô thưởng vô phạt “từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2012 cô Cảnh không tham gia giảng dạy” hòng làm bệ đỡ cho những sai phạm trong công tác quản lý và sai phạm trong việc tước đoạt quyền, lợi ích chính đáng của nhà giáo thực sự là một tội ác.

Nhà giáo oằn mình kêu cứu phụ hồi chế độ, người có thẩm quyền cũng oằn mình để tước đoạt quyền được hưởng chế độ của nhà giáo

Như đã nêu, nếu việc căn cứ vào các xác nhận vô thưởng, vô phạt (không minh chứng) của người quản lý được đem ra áp dụng để cắt chế độ thâm niên nhà giáo - bắt đầu bằng việc cắt đi 1% phụ cấp thâm niên của cô giáo Cảnh thì đây sẽ được coi như cứu cánh trong việc xử lý giải quyết chế độ cho hàng trăm nhà giáo còn lại.

Bởi lẽ, chỉ cần một xác nhận “cô A, thầy B không tham gia giảng dạy” thì tất cả chế độ của nhà giáo sẽ trôi tuồn tuột vào chỗ trũng nào đó và tham nhũng sẽ mặc nhiên hoành hành.

Soi lại việc xác nhận của một vị hiệu trưởng “từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2012 cô Cảnh không tham gia giảng dạy” thì đây có vẻ như là một cái phao cứu sinh, giúp hiệu trưởng vi phạm công tác quản lý nhà giáo thoát khỏi sự chế tài của pháp luật trong việc quản lý và phân công công việc cho nhà giáo và cũng đồng thời giúp cho ngành giáo dục Vĩnh Thuận thoát khỏi việc phải phục hồi chế độ cho hàng trăm nhà giáo.

Vì, thời điểm này Luật viên chức chưa có hiệu lực pháp luật, các Thông tư, Nghị định, hướng dẫn liên quan cũng chưa có hiệu lực pháp luật để chế tài trách nhiệm về công tác vi phạm trong quản lý, phân công nhà giáo.

Nhưng, dù người quản lý có oằn mình để thoái thác trách nhiệm thì luật pháp vẫn đã và đang hiện diện để giúp sự công bằng xã hội được thực thi.

Cụ thể, đối với thời điểm tháng 1/2011 đến tháng 7/2012, việc áp dụng Luật định thực hiện quyền được giảng dạy và thụ hưởng đầy đủ chính sách của nhà giáo đã quy định rõ ràng cụ thể trong Luật Giáo dục 2005 và Điều lệ trường phổ thông các cấp học thời điểm ấy.

Như vậy, việc nhà giáo phải được quyền giảng dạy vả được quyền thụ hưởng mọi chế độ chính sách liên quan là điều không thể chối bỏ.

Nay, trong vụ việc này, việc phải xử lý khôi phục chế độ cho nhà giáo và điều nghiên xử lý các hành vi tham nhũng chế độ nhà giáo, các hành vi vi phạm pháp trong công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên môn đối với nhà giáo để dẫn đến việc chế độ của hàng trăm nhà giáo bị xâm hại hàng chục năm trời là điều mà cơ quan chức năng địa phương nên làm và phải làm để nhà giáo và nhân dân được an lòng.

Bài, ảnh: Nguyễn Phan