Kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQGHN

19/03/2024 15:48
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển từng bước vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh của một viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học.

Ngày 19/3, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, tri ân các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, cơ quan đối tác, bạn bè trong và ngoài nước đã gắn bó, hỗ trợ cho sự ra đời, phát triển của Viện trong suốt thời gian qua.

Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiện đang công tác tại Viện tìm hiểu và tự hào hơn nữa về thành tựu Viện đã đạt được, ý thức rõ hơn nữa trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống, xây dựng Viện ngày càng phát triển.

Việt Nam học (5).jpg
Các đại biểu tham dự buổi Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.

Tự hào là viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển chia sẻ: Trải qua quá trình phát triển gồm 15 năm thời kỳ là Trung tâm và 20 năm kể từ khi thành lập, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, từng bước vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh của một viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước.

Vượt qua biết bao gian khó và thử thách, chặng đường 35 năm qua của Trung tâm và Viện đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào.

Việt Nam học (1).jpg
Tiến sĩ Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển phát biểu tại buổi lễ.

Thứ nhất, Viện đã khẳng định được uy tín và vị thế của một trung tâm hàng đầu cả nước trong nghiên cứu cơ bản, liên ngành theo định hướng ứng dụng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam học và Khoa học phát triển.

Thứ hai, Viện đã từng bước tạo lập được danh tiếng của một cơ sở đào tạo uy tín, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về Việt Nam học và Khoa học phát triển ở trong và ngoài nước.

Thứ ba, Viện đã giữ vững vai trò đầu mối của nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa, kết nối mạng lưới Việt Nam học trong nước với quốc tế.

“Nhìn lại chặng đường 35 năm truyền thống, 20 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tự hào về quá khứ, nhưng đồng thời cũng ý thức rõ về sứ mệnh và trách nhiệm, từ đó vững bước tiến tới tương lai”, Tiến sĩ Phạm Đức Anh bày tỏ.

Việt Nam học (6).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: viện Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là Viện nghiên cứu trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hoá chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội - phát triển trở thành một Đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.

Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết đầu tư nguồn lực, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực,.. cho sự phát triển của Viện.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân cũng bày tỏ kỳ vọng, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sẽ trở thành đầu mối kết nối nhà khoa học hàng đầu về Việt Nam học trên thế giới và là đầu mối triển khai chương trình đào tạo nguồn nhận lực chất lượng cao về Việt Nam học và quản trị địa phương, phát triển bền vững các địa phương.

Việt Nam học (2).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân trao tặng bằng khen cho Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.

Dư địa phát triển của ngành Việt Nam học đang rộng mở

Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ kỷ niệm, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Đây là dịp để giới nghiên cứu Việt Nam học trong và ngoài nước cùng nhìn nhận, đánh giá về sự phát triển của ngành Việt Nam học trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; cập nhật những thành tựu, xu hướng và chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học; xác định hướng phát triển của ngành Việt Nam học trong giai đoạn sắp tới, cũng như vai trò, đóng góp của ngành khoa học này đối với sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam; tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác, phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Đức Anh cho biết, Việt Nam học liên ngành là một ngành khoa học cơ bản, nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam trong tính tổng thể và hệ thống, nhằm tìm ra những đặc điểm nổi trội, những giá trị đặc thù, qua đó ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Quá trình tiến triển của ngành Việt Nam học gắn liền với những bước phát triển của Việt Nam, với sự khẳng định uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Việt Nam ngày càng được cộng đồng khoa học thế giới chú ý nghiên cứu nhiều hơn; và ngược lại, nhiều nhà khoa học đã nổi danh khắp thế giới với tư cách là chuyên gia về Việt Nam học. Cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế là nhịp cầu trí tuệ, nhịp cầu văn hóa kết nối Việt Nam với thế giới.

Cho đến nay, Việt Nam học đã phát triển tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên thế giới, hiện có hàng trăm cơ sở nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tại các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.

Việt Nam học (4).jpg
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành.

Tại Việt Nam, ngành Việt Nam học chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở và ban hành Khung chương trình đào tạo bậc cử nhân từ năm 2001, dành cho cả sinh viên trong nước và quốc tế.

Từ đây, nhiều Bộ môn, Khoa và Trung tâm dạy tiếng Việt ở trong nước trước đó đã tuyên bố sứ mệnh nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, bắt đầu đào tạo từ bậc cử nhân, sau phát triển lên các bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Việt Nam học ở Việt Nam dần du nhập vào quỹ đạo phát triển chung theo xu hướng thế giới, từng bước đáp ứng nhu cầu của công cuộc đổi mới, trở thành ngành khoa học có ưu thế phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Dư địa phát triển của ngành Việt Nam học vẫn còn rộng mở, song bên cạnh đó, lĩnh vực học thuật này cũng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, đặt ra những vấn đề cần phải được quan tâm, xem xét đúng mức.

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là một viện nghiên cứu thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, tiên phong trong nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan tới Việt Nam học, Khu vực học và Khoa học phát triển dựa trên khoa học cơ bản, liên ngành và định hướng ứng dụng.

Viện có bề dày truyền thống 35 năm xây dựng và trưởng thành, gắn liền với quá trình phát triển của ngành Việt Nam học hiện đại ở Việt Nam, với nhịp cầu kết nối giới nghiên cứu Việt Nam ở trong nước với thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập và 35 năm truyền thống, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Năm 2025 sẽ diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về Việt Nam học lần thứ 7 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, giao cho Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển làm đầu mối về chuyên môn. Hội thảo hôm nay là bước đầu tiên, một trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị và hướng tới ngày đại hội của giới Việt Nam học toàn cầu.

Hội thảo “Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”đã nhận được tổng cộng 172 báo cáo tóm tắt và 127 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 227 nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học tại các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong cả nước và từ nhiều quốc gia trên thế giới: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Đức, Bỉ…

Việt Nam học (3).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang chia sẻ tại Hội thảo.

Trên cơ sở các báo cáo tham luận được tuyển chọn, chương trình hội thảo được sắp xếp thành 4 nhóm chủ đề lớn.

Chủ đề thứ nhất: Những vấn đề chung về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, gồm 40 báo cáo, tập trung vào các chủ đề: Lịch sử và hiện trạng phát triển, những vấn đề đặt ra của Việt Nam học trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; vị trí ngành Việt Nam học trong nước và trên thế giới.

Chủ đề thứ hai: Việt Nam học: Những vấn đề văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ, tập hợp 52 báo cáo tham luận. Đây là những nghiên cứu từ tiếp cận liên ngành trên nền tảng các khoa học cơ bản, có nội dung phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau: Nguồn tư liệu và những nhận thức mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam; Văn hóa truyền thống và những biến đổi trong đời sống xã hội đương đại; Văn học, ngôn ngữ Việt Nam truyền thống và hiện tại.

Chủ đề thứ ba: Việt Nam học: Những vấn đề phát triển bền vững, có 36 tham luận, là những nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chủ đề thứ tư: Đào tạo Việt Nam học, gồm 44 tham luận, tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong giảng dạy Việt Nam học, tiếng Việt, văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

Ngày 19 tháng 3 của 20 năm về trước, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, một đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Viện Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển ra đời trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), và trước đó là Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trải qua 20 năm thành lập, với bề dày truyền thống 35 năm, Viện đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành.

Kim Ngọc